Bà Merkel rơi vào thế bế tắc chưa từng có trong lịch sử Đức

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố thà đối mặt với một cuộc bầu cử mới còn hơn lãnh đạo bằng một chính phủ thiểu số... Bà Angela Merkel, 63 tuổi, đã nắm cương vị Thủ tướng Đức 12 năm - Ảnh: Getty/Bloomberg.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố thà đối mặt với một cuộc bầu cử mới còn hơn lãnh đạo bằng một chính phủ thiểu số...Bà Merkel rơi vào thế bế tắc chưa từng có trong lịch sử Đức - 0

Bà Angela Merkel, 63 tuổi, đã nắm cương vị Thủ tướng Đức 12 năm - Ảnh: Getty/Bloomberg.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 20/11 tuyên bố bà thà đối mặt với một cuộc bầu cử mới còn hơn lãnh đạo bằng một chính phủ thiểu số.

Bà Merkel tin rằng cử tri sẽ không đổ lỗi cho bà sau khi cuộc đàm phán nhằm thành lập một liên minh cầm quyền thất bại vào cuối tuần vừa rồi.

Theo hãng tin Bloomberg, bối rối trước sự đổ vỡ của cuộc đàm phán lập chính phủ liên minh, bà Merkel đã quay sang Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và các quan chức trong Đảng Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà để tìm giải pháp.

Phát biểu trước báo giới ngày thứ Hai sau một cuộc họp ở Berlin, ông Steinmeir nói rằng ông kêu gọi các chính đảng quay trở lại bàn đàm phán để tránh phải tổ chức bầu cử lại. Ông Steinmeir cũng nói thế bế tắc hiện nay là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Đức hiện đại.

"Một chính phủ thiểu số không nằm trong kế hoạch của tôi", bà Merkel nói cùng ngày với kênh truyền hình ARD. "Tôi tin chắc rằng bầu cử lại là cách tốt hơn".

Vị nữ Thủ tướng 63 tuổi đã cầm quyền 12 năm cũng thông qua các cuộc phỏng vấn giờ vàng trên truyền hình để truyền tải thông điệp rằng kinh tế Đức - nền kinh tế đầu tàu của châu Âu - đang trong trạng thái vững vàng, với rủi ro thấp. "Mục tiêu của tôi vẫn là thành lập một chính phủ ổn định", bà nói với kênh ZDF.

Vào hôm Chủ nhật, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã rút khỏi cuộc đàm phán lập liên minh cầm quyền với CDU và Đảng Xanh. Kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 9, dù là tỷ lệ phiếu tệ nhất mà CDU giành được kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, vẫn đủ để bà Merkel cầm quyền thêm nhiệm kỳ thứ tư, nhưng quyền lực của bà sẽ bị hạn chế.

Trong nền chính trị Đức, Tổng thống chủ yếu có vai trò tượng trưng, giữ cương vị nguyên thủ quốc gia nhưng không có quyền lực thực sự. Mặc dù vậy, trong tình thế bế tắc hiện nay, Tổng thống Steinmeier trở thành một nhân vật quan trọng, đứng ra làm trung gian giữa các chính đảng để dàn xếp nhằm đi tới một trong hai lựa chọn: lập một chính phủ liên minh hay lập một chính phủ thiểu số. Nếu cả hai lựa chọn này đều không được chấp nhận, ông Steinmeir sẽ là người đứng ra tổ chức bầu cử lại.

Đảng Dân chủ Xã hội (SDP), chính đảng liên minh với CDU trong nhiệm kỳ qua của bà Merkel, đã tuyên bố sẽ không liên minh với CDU thêm lần nữa.

Một cuộc thăm dò dư luận do Forsa thực hiện ngày thứ Hai cho thấy nếu bầu cử lại được tổ chức, thì kết quả cũng sẽ không có nhiều khác biệt so với cuộc bầu cử hồi tháng 9, đồng nghĩa với việc bà Merkel vẫn sẽ phải đứng trước những lựa chọn như hiện nay.

Theo Bình Minh, VnEconomy


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày