Theo Reuters, đây là thỏa thuận quốc phòng đầu tiên giữa hai quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng ở châu Âu. Giới chức Anh và Đức cho biết thỏa thuận này có tên là Hiệp định Trinity House nhằm tăng cường khả năng hợp tác song phương cũng như cải thiện khả năng răn đe của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius với Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey tại Berlin (Đức) vào ngày 24.7.2024
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhấn mạnh tình hình xung đột ở Ukraine đã cho thấy các quốc gia không được xem nhẹ an ninh ở châu Âu. "Với các dự án trên không, trên bộ, trên biển và trên không gian mạng, chúng ta sẽ cùng nhau tăng cường năng lực phòng thủ, qua đó củng cố trụ cột châu Âu trong NATO", ông Pistorius nói.
"Đối với tôi, điều đặc biệt quan trọng là chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa để củng cố sườn phía đông của NATO và thu hẹp khoảng cách năng lực quan trọng, ví dụ như trong lĩnh vực vũ khí tấn công tầm xa", theo ông Pistorius.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho hay thỏa thuận này là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Anh - Đức và cũng là sự tăng cường đáng kể cho an ninh châu Âu.
Ông Healey khẳng định: "Thỏa thuận đảm bảo mức độ hợp tác mới chưa từng có với lực lượng vũ trang và ngành công nghiệp Đức, mang lại lợi ích cho an ninh và thịnh vượng, bảo vệ các giá trị chung và thúc đẩy cơ sở công nghiệp quốc phòng của chúng ta".
Theo thỏa thuận, hai nước sẽ cùng nhau phát triển các loại vũ khí mới có tầm bắn và độ chính xác cao hơn các hệ thống tên lửa tầm xa đã có như Storm Shadow của Anh. Giới chức Anh cho hay Đức cũng sẽ bố trí máy bay ở Scotland để giúp bảo vệ Bắc Đại Tây Dương. Các nước sẽ hợp tác về xe vũ trang và máy bay không người lái trên đất liền.
Tập đoàn sản xuất ô tô và vũ khí Rheinmetall (Đức) cũng sẽ mở một nhà máy sản xuất nòng pháo đầu tiên tại Anh trong một thập niên, dự kiến sẽ tạo ra 400 việc làm.
Theo Reuters, thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương giữa Anh - Đức sẽ tạo tiền đề cho một hiệp định sâu rộng ba bên giữa Anh, Đức và Pháp. Hồi năm 2010, Anh đã ký Hiệp ước Lancaster House với Pháp, trong khi Đức và Pháp nhất trí ký Hiệp ước Aachen có hiệu lực vào năm 2020.
© 2024 | Thời báo ĐỨC