Angela Merkel - Hy vọng ''cuối cùng'' ở châu Âu?

Việc ông Trump trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ khiến một số người hy vọng bà Merkel sẽ trở thành lãnh đạo mới của phương Tây.

Trong chuyến đi từ biệt châu Âu trước khi hết nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không đến nước Anh, đồng minh truyền thống của Mỹ, mà chọn Đức.

Angela Merkel - Hy vọng cuối cùng ở châu Âu? - 0

Barack Obama và Angela Merkel tại Hội nghị G7 năm 2015. Ảnh: Getty

Điều này khiến một số nhà bình luận tin rằng, Obama có thể muốn chuyển giao vai trò dẫn dắt thế giới phương Tây cho người mà ông vốn coi như bạn lâu năm, Angela Merkel.

Suy luận này xuất phát từ thực tế nước Anh hiện đang đau đầu với Brexit, sự kiện sẽ tốn rất nhiều thời gian, thủ tục, và trong ngắn hạn, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến vị thế của họ ở châu lục cũng như thế giới. Trong bối cảnh đó, một nước Đức tương đối ổn định, với Angela Merkel đang có mức uy tín khá cao là nơi Obama có thể tin tưởng.

Với việc Donald Trump, một người có chủ trương đối ngoại đề cao lợi ích của nước Mỹ với khẩu hiệu "America first" thắng cử, nước Mỹ có nguy cơ đi theo chủ nghĩa biệt lập và như vậy sẽ không còn can thiệp nhiều ra bên ngoài nữa. Chủ nghĩa dân túy bài ngoại trỗi dậy ở Washington khiến một số người bắt đầu nghĩ đến Berlin như một chỗ dựa về tinh thần.

Báo Mỹ The New York Times thậm chí đã nhận định rằng với việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, bà Angela Merkel sẽ trở thành "người cuối cùng" bảo vệ các giá trị và vị thế phương Tây, cũng như mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương.

Trong lời chúc mừng gửi đến Tổng thống đắc cử Donald Trump, bà Merkel đã có một thông điệp rất đáng chú ý. Bà nhắc nhở ông Trump về nhân phẩm, tôn trọng các sắc dân thiểu số và những giá trị tương tự, đồng thời cho biết chính phủ của bà sẽ vui mừng hợp tác với Tổng thống mới của Mỹ trên cơ sở những giá trị đó.

Thông điệp của bà Merkel gây chú ý, bởi lẽ nó giống hệt như cách mà các Tổng thống Mỹ thường dùng để chúc mừng lãnh đạo mới ở đâu đó trong khu vực Mỹ Latin, hay với chính nước Đức thời kỳ hậu chiến.

Phải chăng đã có sự đổi ngôi, và bà Merkel đã thật sự vui vẻ, sẵn lòng đón nhận vai trò mới?

Vấn đề không đơn giản như vậy.

Khuôn khổ hành động của nước Đức trên trường quốc tế hiện vẫn rất hạn hẹp, vì nước này không nằm trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Lực lượng quân sự nhỏ bé 180.000 lính, hầu như không có "nanh vuốt" gì đáng kể, không vũ khí hạt nhân, khó có thể so sánh về sức mạnh với các cường quốc.

Hơn nữa, Berlin cho tới nay vẫn không muốn can thiệp quân sự ra bên ngoài, tuy gần đây có đưa quân sang Mali để chống khủng bố Hồi giáo hoặc sang Litva để đối phó với mối đe dọa của Nga.

Nếu muốn tấn công vào thành trì của đối phương, bà Merkel sẽ cần đến sức mạnh hùng biện. Nhưng về mặt này, bà hoàn toàn không phải là Barack Obama.

Sự thực dụng và đường lối lãnh đạo thực tế đã giúp bà thành công trong nhiều năm ở vị trí người dẫn dắt nước Đức. Nhưng sau rốt, Angela Merkel vẫn là một nhà kỹ trị, thiếu hẳn sức hấp dẫn cần thiết để dẫn dắt một phong trào toàn cầu chống lại sự trỗi dậy của trào lưu dân túy cánh hữu.

Ngay ở Đức và châu Âu, bà Merkel cũng đang gặp khó khăn. Câu trả lời dứt khoát và không khoan nhượng của Berlin đối với khối eurozone trong tình trạng thắt lưng buộc bụng rõ ràng là vì lợi ích thiết thân của nước Đức, nhưng lại khiến các nước Nam Âu vốn chìm trong nợ nần bị gạt ra ngoài lề.

Quyết định đơn phương đón nhận hơn 1 triệu người nhập cư của bà Merkel khiến nhiều đồng minh nổi giận. Và với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu, Merkel đang đối diện nguy cơ bị cô lập hơn bao giờ hết.

Nhiệm vụ của bà Merkel càng khó khăn vì ông Donald Trump đã tỏ ý muốn có một quan hệ hòa dịu hơn với tổng thống Nga Putin.

Lãnh đạo cái mà phương Tây gọi là "thế giới tự do" có vẻ không phải là một đề nghị hấp dẫn và dễ dàng vào thời đại của Donald Trump.

Theo Trí Thức Trẻ


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày