"Ngành công nghiệp chống trục xuất" trở thành đề tài nóng bỏng tại Đức
Mọi người tranh luận về điều gì?
Vào đầu tháng, các nhân viên cảnh sát ở Baden-Württemberg đã có mặt tại một trung tâm tị nạn để bắt giữ một thanh niên người Togo bị từ chối đơn xin tị nạn.
Nhưng cuộc bắt giữ kết thúc trong thất bại khi những người nhập cư ở trung tâm bao vây cảnh sát, buộc họ phải rời đi và thả người thanh niên.
Vài ngày sau, cảnh sát đã quay lại với lực lượng đông hơn nhiều và bắt giữ thành công. Tuy nhiên, sự việc này hé lộ những khía cạnh của vấn đề trục xuất người tị nạn và đặt câu hỏi liệu chính quyền có đang làm tốt nhiệm vụ của mình.
Đảng cánh hữu - những người phản đối gay gắt nhất chính sách tị nạn của chính phủ - tuyên bố rằng pháp luật đã thất bại trước những nhóm người nhập cư sẵn sàng kề vai sát cánh nhằm chống lại việc trục xuất bằng bạo lực.
Còn Đảng cánh tả lại cho rằng vụ việc chỉ là một sự cố, không thể lấy đó mà quy chụp ý thức tuân thủ pháp luật của người nhập cư.
Điều này có liên quan gì đến luật sư?
Ông Alexander Dobrindt
Trong một cuộc phỏng vấn với Bild, Alexander Dobrindt, người đứng đầu Công đoàn tại Bundestag, đã quyết định nhắm vào các tổ chức phi chính phủ và luật sư, những người mà ông ta đã buộc tội ngăn cản các vụ trục xuất bằng cách đệ đơn kháng cáo lên tòa án vì lợi nhuận của chính họ.
Đức có một "ngành công nghiệp chống trục xuất", nhằm "cố ý huỷ hoại các quy định của pháp luật", Dobrindt nói.
Ông cũng cáo buộc các tổ chức phi chính phủ tị nạn ủng hộ kháng cáo của những người di cư có hồ sơ tội phạm. Điều này chẳng những không tuân thủ luật tị nạn mà còn chống lại sự ổn định xã hội.
Dobrindt nói có lý?
Tuy nhiên, yêu cầu xin tị nạn của một người bị từ chối ở Đức không có nghĩa người đó phải rời khỏi đất nước. Vào cuối năm 2016, hơn nửa triệu người bị từ chối tị nạn đang sống ở đây.
Có nhiều lý do khiến họ không bị trục xuất. Người tị nạn mắc bệnh không thể chữa được ở quê nhà, hoặc đất nước của họ không cung cấp giấy tờ nhận dạng là hai lý do phổ biến khiến việc trục xuất không thể thực hiện được.
Yêu cầu xin tị nạn của một người bị từ chối ở Đức không có nghĩa người đó phải rời khỏi đất nước.
Vấn đề này gây ra tranh cãi lớn. Tai tiếng nhất là vụ Anis Amri, kẻ khủng bố Tunisia, đã lái một chiếc xe tải vào một chợ Giáng sinh ở Berlin vào năm 2016. Amri, kẻ đã giết 12 người trong vụ tấn công, đáng nhẽ phải bị trục xuất, nhưng chính quyền Tunisia đã không cung cấp đủ giấy tờ xác định danh tính cần thiết.
Một lý do khác đó là sau khi bị Văn phòng Liên bang về Di cư và Người tị nạn (BAMF) từ chối, nhiều người nộp đơn kháng cáo tại toà, nhưng quá trình này đang bị quá tải. Vào tháng 9 năm ngoái đã có một 283.000 trường hợp tồn đọng chưa được giải quyết.
Tuy nhiên, “đổ lỗi” cho luật sư và các tổ chức phi chính phủ “tiếp tay” cho người tị nạn kháng cáo có vẻ khá kì cục. Một tờ báo đã so sánh nó với việc đổ lỗi cho các luật sư vì số lượng lớn các vụ ly hôn.
Phản ứng của các tổ chức
Pro-Asyl, một trong những tổ chức phi chính phủ tị nạn lớn nhất, cho biết quyết định của các cơ quan nhà nước cần phải được đánh giá bởi một tòa án độc lập.
Nhìn chung, phát ngôn của Dobrindt vấp phải sự chỉ trích và lên án.
"Coi chống trục xuất như một ngành công nghiệp là vô lý, bởi những người phản đối trục xuất không có động cơ tài chính," thành viên Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Johannes Kahrs, nói.
Kahrs cho rằng Dobrindt không thực sự tin vào lời của mình, ông ta chỉ làm vậy để thuyết phục cử tri từ AfD.
Katrin Göring-Eckardt, người đứng đầu đảng Xanh, cho biết các tổ chức và luật sư thực hiện kiểm tra thủ tục tị nạn theo đúng quy định của pháp luật. Việc Dobrindt vu khống họ là không thể chấp nhận được.
Các chuyên gia pháp lý cũng nhanh chóng bác bỏ lời buộc tội của Dobrindt.
"Mọi người đều có quyền kháng cáo một quyết định trong hệ thống pháp luật của chúng ta," người đứng đầu Hiệp hội Luật sư Liên bang, Ulrich Schellenberg, cho biết. "Ông Dobrindt đã xem thường luật pháp với tuyên bố của mình."
Có ai ủng hộ Dobrindt hay không?
Trong khi số người phản đối Dobrindt trở nên áp đảo, một số người vẫn ủng hộ ông.
Lãnh đạo đảng của ông, Horst Seehofer, nói rằng kháng cáo dẫn đến việc các bên phải ra tòa, làm tốn thời gian và tiền của. Seehofer lập luận rằng Dobrindt đang tập trung nói đến thực tế số lượng kháng cáo ở mức cao bất thường.
Về phía phe đối lập, lý do dẫn đến lượng lớn đơn kháng cáo là do cơ hội thành công tương đối cao. Ví dụ, người Syria thường kháng nghị quyết định của BAMF, khi cơ quan này chỉ cấp cho họ quyền được bảo vệ (subsidiary protection) thay vì công nhận họ là người tị nạn. Năm ngoái, Süddeutsche Zeitung cho biết bốn trên năm kháng cáo của người Syria kết thúc với phần thắng thuộc về họ.
Tuy nhiên, Jan Fleischhauerp, thuộc phe bảo thủ, phản bác lại suy nghĩ cho rằng tất cả những mọi người đều có cơ hội đảo ngược quyết định của BAMF.
"Những người đến từ Pakistan hoặc Nigeria gần như chẳng có cơ hội chiến thắng tại tòa, nhưng điều đó không ngăn cản luật sư của họ cố gắng", ông viết vào thứ Sáu.
Fleischhauer chỉ ra rằng các kháng cáo tị nạn khác với các trường hợp kiện cáo khác. Ngay cả khi BAMF thắng vụ kiện, họ vẫn phải chi trả các chi phí pháp lý của mình.
Điều này khuyến khích các luật sư giúp đỡ người tị nạn ngay cả trong các trường hợp tương đối vô vọng, Fleischauer lập luận.
Trong khi đó, “công chúng đang cung cấp động lực tài chính. Các tổ chức như Caritas và ProAysl đã thành lập các quỹ lớn để trả cho luật sư,” ông nói.
©Hồng Anh - Tạp chí NƯỚC ĐỨC
© 2024 | Thời báo ĐỨC