Visa Schengen là gì?
Visa Schengen là visa giúp bạn có thể đi lại tự do giữa các quốc gia Schengen. Khi bạn có ý định du lịch một hoặc nhiều quốc gia châu Âu thuộc Schengen là lúc bạn cần xin visa này.
Quốc gia Schengen là quốc gia nào?
Xuất phát từ Hiệp ước Schengen do một số nước châu Âu ký kết, cho phép công dân đi lại tự do giữa các nước. Hiệp ước thoả thuận xong ngày 19 tháng 6 năm 1990. Đến ngày 27 tháng 11 năm 1990, 6 nước Pháp, Đức, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan và Ý chính thức ký kết. Hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ký ngày 25 tháng 6 năm 1991.
Tính đến 19/12 năm 2011, tổng số quốc gia công nhận hoàn toàn hiệp ước này là 26 nước, được gọi là các quốc gia Schengen, bao gồm: Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Ý, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Liechtenstein.
Công dân nước ngoài chỉ cần có visa của một trong 26 nước kể trên là được phép đi lại trong toàn bộ khu vực Schengen.
Visa Schengen là visa giúp bạn có thể đi lại tự do giữa các quốc gia Schengen. (Ảnh: Schengenvisainfo)
Hướng dẫn xin visa Schengen và lưu ý kèm theo
Đối với người nước ngoài, muốn vào Vùng Schengen phải xin một visa đồng nhất gọi là Visa Schengen tại sứ quán hay lãnh sự quán của một nước mà mình muốn tới đầu tiên, sau đó có thể tự do đi lại trong Vùng Schengen. Loại visa này thường chỉ có thời hạn lưu trú tối đa là 3 tháng và có giá trị trong vòng 12 tháng.
Ví dụ bạn có kế hoạch du lịch châu Âu với diểm đến đầu tiên trong hành trình là Pháp. Bạn cần xin Visa Schengen tại sứ quán Pháp, sau đó có thể dùng visa này qua các nước khác như Ba Lan, Bỉ, Ý, Thụy Sĩ… miễn là có nằm trong Vùng Schengen và thời gian lưu trú không quá 3 tháng.
Khi du lịch bằng đường hàng không giữa các nước trong vùng Schengen, bạn vẫn phải trình thẻ căn cước hoặc hộ chiếu khi check-in. Đây không phải là quy định của Hiệp ước Schengen mà là quy định bảo đảm an ninh của ngành hàng không.
Visa Schengen thường chỉ có thời hạn lưu trú tối đa là 3 tháng và có giá trị trong vòng 12 tháng. (Ảnh: Du lịch Hà Lan)
Các giấy tờ phải nộp kèm đơn xin thị thực Schengen
1. Hồ sơ chứng minh mục đích chuyến đi, bao gồm
– Sơ yếu lý lịch
– Xác nhận địa chỉ của khách sạn/nhà nghỉ
– Số Sổ Bảo hiểm Xã hội hoặc mã hẻ Bảo hiểm Y tế.
2. Giấy tờ chứng minh tài chính
– Trừ những người xin thị thực mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ hay xin thị thực quá cảnh sân bay thuần túy, tất cả những đối tượng còn lại đều phải chứng minh có đủ khả năng chi trả cho toàn bộ thời gian lưu trú dự kiến và cho việc trở về nước gốc hoặc nước cư trú.
– Số tiền cần chứng minh tối thiểu là 589.68 Euro. Để chứng minh, bạn có thể nộp sao kê tài khoản cá nhân tại ngân hàng trong vòng 3 tháng trở lại đây, séc đảm bảo, séc du lịch, thư xác nhận trả tiền và thẻ tín dụng kèm theo xác minh số dư tài khoản hoặc sổ tiết kiệm cập nhật.
3. Giấy tờ chứng minh ý định rời lãnh thổ Schengen khi thị thực hết hạn
– Thông tin vé máy bay khứ hồi (ngày đi – ngày về)
– Bảng lương 3 tháng gần nhất và hợp đồng lao động.
4. Bảo hiểm du lịch.
Các quốc gia thuộc Schengen. (Ảnh: Phương Lâm/VNM)
5. Phương thức nộp hồ sơ
– Các giấy tờ cần được sắp xếp theo thứ tự nêu trên, nghĩa là các giấy tờ chứng minh mục đích chuyến đi để lên đầu tiên, sau đó là các giấy tờ chứng minh khả năng chi trả, tiếp theo là các giấy tờ chứng minh ý định trở về và kết thúc là bảo hiểm du lịch.
– Tất cả các giấy tờ đều phải nộp bản gốc kèm theo bản photo toàn bộ của bản gốc (kể cả các trang trắng), đặt kèm ngay phía sau (bản gốc sẽ được trả lại cho người xin thị thực khi kết thúc quy trình xin thị thực).
Trường hợp không nộp được bản gốc thì phải nộp một bản sao y bản chính có dấu chứng nhận lãnh sự của Bộ Ngoại Giao Việt Nam.
Tuy nhiên, các giấy tờ đề gửi trực tiếp tới Đại sứ quán (thư giới thiệu hoặc thư hỗ trợ cho đơn xin thị thực đề gửi Đại sứ quán mà không phải tới chính người xin thị thực, v.v.) sẽ không được trả lại và vì thế bạn không cần nộp bản sao. Trường hợp không nộp kèm bản sau sau bản gốc, Đại sứ quán tự hiểu rằng người xin thì thực từ bỏ quyền được trả lại các giấy tờ này.
– Thời gian xin visa có thể kéo dài khoảng 2 tuần.
Thanh Thủy/ Theo Đời sống & Pháp lý
© 2024 | Thời báo ĐỨC