Nếu bạn trai bạn đã định cư ở CHLB Đức muốn về Việt Nam kết hôn thì sẽ tiến hành thủ tục như với trường hợp có yếu tố nước ngoài.
Tôi hiện đang sinh sống tại Việt Nam, đã ly dị chồng và chưa có con. Bạn trai tôi là Việt kiều sinh sống, làm việc và định cư tại Cộng hòa Liên Bang Đức, đã ly dị vợ, có một con 16 tuổi. Chúng tôi dự định tháng 11/2011 khi bạn trai tôi về Việt Nam sẽ làm thủ tục kết hôn.
Vậy xin kính nhờ các luật sư tư vấn hướng dẫn thủ tục, hồ sơ mà pháp luật yêu cầu để chúng tôi đạt được nguyện vọng nhanh chóng thuận lợi nhất.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Trước hết cần giải thích với bạn về khái niệm Việt kiều, vì hiện có nhiều quan điểm chưa hiểu hết về 2 chữ việt kiều.
Việt Kiều được hiểu là những người gốc Việt đang sống, làm việc hoặc học tập ở nước ngoài:
- người Việt đang sinh sống ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam;
- Người Việt có quốc tịch Việt Nam nhưng định cư dài hạn ở nước ngoài;
-
người Việt sang làm việc, học tập, sinh sống tại nước ngoài trong thời gian dài.
Trường hợp của bạn kết hôn với người Việt Nam định cư ở CHLB Đức (Việt kiều) với công dân việt Nam và đăng ký kết hôn tại Việt Nam không thuộc trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài như quy định trong Luật Hôn nhân gia đình: Giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài; Giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam; Giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Tuy nhiên về quan hệ hôn nhân liên quan đến Việt kiều, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì Luật Hôn nhân và gia đình lại cho phép áp dụng tương tự như trường hợp có yếu tố nước ngoài. Cụ thể Chương XI Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài xác định tại khoản 4 Điều 100 như sau“Các quy định của Chương này cũng được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài”.
Do vậy trường hợp của bạn: nếu bạn trai bạn đã định cư ở CHLB Đức muốn về Việt Nam kết hôn thì sẽ tiến hành thủ tục như với trường hợp có yếu tố nước ngoài.
* Hồ sơ xin đăng ký kết hôn của người Việt Nam định cư ở nước ngoài với công dân Việt Nam ở trong nước cần có:
a) Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định;
b) Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng.
Trong trường hợp pháp luật của nước mà người xin kết hôn là công dân không quy định cấp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;
c) Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
d) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);
đ) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm trú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam).
Ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật Nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó”.
Quá trình kết hôn kéo dài khoảng 30 ngày làm việc, nếu trường hợp có nghi vấn cần điều tra thì kéo dài thêm 20 ngày nữa.
Luật sư Hứa Trung Kiên
Văn phòng luật sư Bùi Đinh Ứng.
Nguồn: VietnamNet
© 2024 | Thời báo ĐỨC