Hỏi: Chúng tôi là người Việt Nam đang định cư ở Đức, và đã làm thủ tục kết hôn tại Việt Nam. Thời gian chúng tôi chung sống tại nước ngoài có nhiều vấn đề khiến quan hệ vợ chồng không thể tiếp tục được.
Vậy tôi muốn ly hôn thì có thể ly hôn ở đâu? Trường hợp cả hai vợ chồng không thể cùng lúc về Việt Nam để làm thủ tục ly hôn có được không? Có thể ủy quyền cho người khác được không? Hồ Chung (CHLB ĐỨC)
Trả lời: Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000 tại Điều 104 quy định ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau : - K4: Bản án, quyết định ly hôn của toà án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Ngoài ra NĐ số 68/2002/NĐ-CP ngày 10-7-2002 quy định chi tiết một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài như sau:“Điều 20: Công nhận việc kết hôn, ly hôn đã được tiến hành ở nước ngoài. K2: Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài thì được công nhận tại Việt Nam, nếu không có đơn yêu cầu không công nhận việc ly hôn đó tại Việt Nam”.
Như nội dung mà bạn trình bày thì hiện vợ chồng bạn đang sinh sống và làm việc tại Đức, vì vậy các bạn nên làm thủ tục ly hôn tại nước sở tại. Sau khi có bản án hoặc quyết định ly hôn của tòa án nước ngoài bạn có thể đề nghị tòa án tại Việt Nam (Tòa án cấp tỉnh) công nhận bản án hoặc quyết định nói trên.
Trường hợp một trong hai bạn có thể về Việt Nam để xin ly hôn, người còn lại đề nghị tòa án xét xử vắng mặt sẽ được tòa án tại Việt Nam chấp nhận. Điều này được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 tại Điều 202, K4 - tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong trường hợp “Nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị tòa án xét xử vắng mặt”.
Trường hợp cả hai người không thể có mặt tại Việt Nam để yêu cầu xin ly hôn mà ủy quyền cho người khác thì không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, quy định về người đại diện Điều 73, K3 như sau: “Người đại diện theo uỷ quyền được quy định trong Bộ luật Dân sự là người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự; đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng”.
Hôn nhân & Gia đình
© 2024 | Thời báo ĐỨC