Lợi ích khi kí Bảo hiểm bảo vệ quyền lợi (Rechtsschutz)

Gần một nửa người dân Đức kí bảo hiểm bảo vệ quyền lợi. Bảo hiểm này chi trả trong trường hợp kiện tụng và phải đền bù thiệt hại.

 

Bảo hiểm Rechtschutzversicherung dịch ra là Bảo hiểm bảo vệ quyền lợi hay Bảo hiểm kiện tụng, do sẽ chi trả trong trường hợp tranh chấp, kiện tụng.  Một vụ kiện có thể tốn đến hàng ngàn Euro.

Do đó, nhiều người chọn mua bảo hiểm Rechtsschutz để không phải lo lắng về nguy cơ kiện tụng. Ngoài phí luật sư và tòa án, bảo hiểm này còn trả tiền đền bù cho nhân chứng và thẩm định viên.

Những đối tượng nào nên mua bảo hiểm Rechtsschutzversicherung?

Theo Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng tiểu bang Niedersachsen, không phải ai cũng cần mua bảo hiểm này.

Bảo hiểm Rechtsschutz đặc biệt hữu ích đối với những người sống và làm việc trong môi trường có nguy cơ xảy ra mâu thuẫn/ tranh chấp cao hoặc thường xuyên phải tham gia giao thông.

Chẳng hạn, đối với người thuê nhà, nếu có trong tay bảo hiểm này có thể ngủ ngon hơn, do khó tránh khỏi tranh chấp nếu chẳng may xảy ra hỏng hóc, tăng tiền nhà, hủy hợp đồng…

Một gia đình hay một cặp đôi sống chung chỉ cần một gói bảo hiểm. Con cái trưởng thành, chưa đăng ký kết hôn và còn đang học nghề hay học đại học cũng được bảo hiểm chung trong gói này.

rechtsschutz hilfe gericht aber mein geld20110309194108

Bảo hiểm Rechtsschutz bảo hiểm những gì?

Bảo hiểm Rechtsschutz bảo hiểm ở các lĩnh vực chính như cá nhân, nghề nghiệp, giao thông, thuê nhà và bất động sản. Người đóng bảo hiểm có thể chọn lĩnh vực mà họ muốn được bảo hiểm.

Tuy nhiên cần lưu ý, những điều khoản không ký trong hợp đồng sẽ không được thanh toán nếu có vấn đề xảy ra. Chẳng hạn, nếu tranh cãi với chủ lao động, sẽ không được thanh toán nếu chỉ kí bảo hiểm kiện tụng trong giao thông (Verkehrsrechtsschutz).

Những vấn đề không được bảo hiểm

Bảo hiểm Rechtsschutz không bảo đảm về mọi mặt và không phải vị cứu tinh trong trường hợp khẩn cấp.

Bảo hiểm không chi trả cho những tranh cãi xảy ra ngay trước khi ký hợp đồng. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, phải chờ 3 tháng sau khi kí hợp đồng mới sử dụng được dịch vụ của bảo hiểm, do các hãng bảo hiểm muốn đảm bảo rằng khách hàng không kí bảo hiểm, chỉ vì thấy trước được nguy cơ xảy ra tranh cãi.

Ngoại lệ áp dụng đối với tai nạn giao thông, do không thể biết trước được khi nào xảy ra. Về cơ bản, bảo hiểm Rechtsschutz không trả trong các trường hợp sau:

Chống lại yêu cầu đền bù thiệt hại, nếu yêu cầu này không vi phạm hợp đồng (trong trường hợp này bảo hiểm trách nhiệm cá nhân sẽ chịu trách nhiệm);

  • Tranh cãi trong lĩnh vực xây dựng và mua nhà cửa, đất đai (chẳng hạn lên kế hoạch, xây dựng, sửa sang bất động sản, mua hay bán đất đai); Tội hình sự cố tình vi phạm;
  • Luật bản quyền, thương hiệu; Đầu tư vốn cũng như các hợp đồng cờ bạc;
  • Tranh cãi liên quan đến công việc tự hành nghề hay kinh doanh;
  • Tranh cãi giữa những người có chung gói bảo hiểm gia đình, chẳng hạn vợ chồng.

Những trường hợp không được bảo hiểm còn tuỳ thuộc từng hãng bảo hiểm. Nếu muốn biết chính xác, hãy đọc kĩ những điều kiện trong hợp đồng bảo hiểm.

Những chi phí bảo hiểm Rechtsschutz chi trả

Về cơ bản, khi đồng ý chi trả, bảo hiểm Rechtsschutz không chỉ trả chi phí luật sư mà còn trả cả phí tòa án, phí dành cho nhân chứng và nhân viên giám định, phí kiện tụng của người tham gia kiện tụng còn lại (nếu người đóng bảo hiểm bị thua trước tòa), phí dịch thuật và đi lại.

Tuy nhiên, có thể xảy ra trường hợp hãng bảo hiểm từ chối đền bù khi họ thấy rằng người đóng bảo hiểm không có khả năng thắng kiện. Chẳng hạn như trong  vụ việc liên quan đến vụ bê bối của hãng ô tô VW.

Nhiều hãng bảo hiểm không muốn trả tiền cho khách hàng.

Những người đóng bảo hiểm của hãng Arag, HUK- Coburg, ÖragWGV đã phải đấu tranh đòi quyền lợi trước tòa.

Nếu trong vòng 12 tháng, người đóng bảo hiểm dính vào nhiều hơn 2 vụ kiện, hãng bảo hiểm có thể chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Khi đó, để tìm được hợp đồng mới không dễ dàng, do khi đệ đơn phải cung cấp thông tin về hợp đồng đã kí trước đó.

Nếu hãng bảo hiểm muốn chấm dứt hợp đồng do xảy ra nhiều vụ kiện, nên yêu cầu họ thu hồi lại quyết định hủy để có thể tự chấm dứt hợp đồng.theo luật định. Khi đó, tìm một hợp đồng khác sẽ thuận lợi hơn.

Phải làm gì nếu hãng bảo hiểm không bồi thường?

Nếu hãng bảo hiểm từ chối chi trả vì người đóng bảo hiểm thiếu nghiêm túc hay không có khả năng thắng kiện, có thể nhờ đến nhân viên giám định Gutachter đánh giá xem quyết định từ chối chi trả có chính đáng không.

Nhân viên giám định có thể là luật sư riêng của người đóng bảo hiểm (Stichentscheid) hay luật sư thuộc một văn phòng luật tại nơi sinh sống (Schiedsgutachten).

Ngoài ra, có thể nhờ nhân viên hòa giải của bảo hiểm (Versicherungsombudsmann) can thiệp. Nhân viên này sẽ đánh giá vụ việc miễn phí và yêu cầu hãng bảo hiểm chi trả vụ kiện, nếu chi phí không vượt quá 10.000 Euro.

Nguyễn Huyền – Hamburg


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày