Vẫn có cơ hội cho Bạn khi xin đoàn tụ gia đình ở Đức mà chưa có đủ kiến thức Tiếng Đức.
Câu hỏi:
Tôi đang được bạn gái làm hồ sơ để sang Đức đám cưới theo diện đoàn tụ gia đình. Hiện tôi đang học tiếng Đức đáp ứng theo yêu cầu của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội.
Tuy nhiên tôi đã thi 3 lần nhưng không đạt trình độ A1. Vậy tôi xin hỏi khi nào không phải chứng minh trình độ tiếng Đức.
Trả lời:
Người nước ngoài muốn sang Đức đoàn tụ với vợ, chồng phải chứng minh có kiến thức tiếng Đức đơn giản ngay khi nộp hồ sơ xin cấp thị thực.
Hiểu một cách cụ thể đó là kiến thức tiếng Đức trình độ A1 theo „Danh mục tham khảo chung châu Âu về ngôn ngữ“ do Hội đồng châu Âu soạn thảo.
Theo hướng dẫn của Đại sứ quán Đức ở Việt Nam thì
Những trường hợp sau đây thì không phải nộp chứng chỉ tiếng Đức:
- Có bằng chứng về việc bị tàn tật về mặt thể chất hoặc tâm thần.
- Vợ, chồng của: người có trình độ cao, người làm công tác nghiên cứu, người thành lập công ty, người được hưởng quy chế tỵ nạn hoặc được công nhận là người lánh nạn theo Công ước Geneve về người lánh nạn nếu họ đã kết hôn từ trước khi xuất cảnh khỏi Việt
- Rõ ràng không có nhiều nhu cầu hòa nhập cộng đồng.
- Vợ, chồng của người nước ngoài mang quốc tịch Úc, Israel, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Newseeland hoặc Hoa Kỳ.
Trường hợp ngoại lệ
Trong trường hợp người trực tiếp đến nộp hồ sơ xin cấp thị thực thể hiện được trên thực tế một cách không ngờ vực rằng mình có kiến thức tiếng Đức như yêu cầu, thì không cần thiết phải nộp giấy tờ chứng minh kiến thức tiếng Đức.
Trường hợp người nước ngoài là vợ, chồng của công dân Đức không thể đạt được trình độ tiếng Đức như yêu cầu theo cách học và thi thông thường hoặc đã cố gắng trong vòng một năm nhưng không đạt được thì căn cứ vào phán quyết của Tòa án Hành chính liên bang ngày 04/09/2012 (phán quyết số BVerwG 10 C 12.12) không phải nộp giấy tờ chứng minh kiến thức tiếng Đức cơ bản trước khi nhập cảnh vào Đức.
Yếu tố quyết định cho việc này là khi nộp hồ sơ, người xin thị thực phải nêu lý do không thể đạt được trình độ tiếng Đức hoặc giải trình về việc đã cố gắng học tiếng Đức nhưng không đạt một cách rõ ràng, mạch lạc và có thể chấp nhận được.
Sau khi nhập cảnh vào Đức những trường hợp này phải trang bị cho mình kiến thức tiếng Đức như yêu cầu để được nhận giấy phép cư trú đoàn tụ với vợ, chồng.
Theo Đại sứ quán Đức
© 2024 | Thời báo ĐỨC