Hướng dẫn thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam tại Đức

Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức thông báo về việc Người đã mất quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam.

Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức thông báo về việc Người đã mất quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam.

1 Huong Dan Thu Tuc Tro Lai Quoc Tich Viet Nam Tai Duc

Ngày 26.3.2024 Tổng thống Liên bang Đức Frank Walter-Steinmeier thông báo ông đã phê duyệt Luật Quốc tịch mới cho phép công dân Đức có nhiều quốc tịch và thuận lợi hoá các yêu cầu để nhập quốc tịch Đức.

Tổng thống đã ký hôm 22/3/24 và hôm nay 26/3/24 đã được lưu chiểu tại Bonn và như vậy sẽ có hiệu lực sau ba tháng, 26/6/2024.

Như vậy người Việt ở Đức từ nay có thể vào quốc tịch Đức mà không cần phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam.

1. Người đã mất quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

a) Xin hồi hương về Việt Nam;

b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;

c) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam (được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của pháp luật chuyên ngành);

d) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục, đã dành được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương hoặc được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng và có cơ sở cho thấy việc người được nhập quốc tịch Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam);

đ) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam (có dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy tờ chứng nhận việc đầu tư đó);

e) Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.

2. Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Người thuộc diện nêu trên cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: (i) có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định; (ii) việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó; (iii) việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng; (iv) không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Yêu cầu đối với giấy tờ trong hồ sơ

a) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

b) Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt; bản dịch phải được công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam.

c) Giấy tờ là bản sao phải được chứng thực hoặc xuất trình bản bản chính để đối chiếu; Đơn, Tờ khai, Bản khai lý lịch phải được chứng thực chữ ký theo quy định của pháp luật.

d) Nghiêm cấm các hành vi sau:

- Dùng giấy tờ giả, giấy tờ bị sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung; khai báo không trung thực, có hành vi gian dối để làm thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch;

- Dùng giấy tờ không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam để chứng minh đang có quốc tịch Việt Nam;

- Lợi dụng thẩm quyền được giao để cấp giấy tờ về quốc tịch Việt Nam, giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam trái quy định của pháp luật; xác nhận không có cơ sở, không đúng sự thật về người xin trở lại quốc tịch Việt Nam;

- Lợi dụng việc trở lại quốc tịch Việt Nam và việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi được trở lại quốc tịch Việt Nam để xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

4. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cần nộp 03 bộ hồ sơ, mỗi bộ bao gồm các giấy tờ sau:

a) 01 Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo mẫu TP/QT-2020-ĐXTLQT.1 (đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên) hoặc TP/QT-2020-ĐXTLQT.2 (đối với người chưa đủ 18

tuổi); có dán ảnh chụp trong thời gian 06 tháng gần nhất. Đối với người chưa đủ 18 tuổi (mẫu TP/QT-2020-ĐXTLQT.2), thì phải có văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam cho con. Trường hợp cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đối với người từ đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi thì trẻ cũng phải ký vào đơn cùng với cha/mẹ. Đơn phải được ký trực tiếp (Originalunterschrift), không sử dụng chữ ký sao chụp.

b) 01 Bản sao hộ chiếu/thẻ căn cước của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam để chứng minh quốc tịch nước ngoài của người đó; Đối với người chưa đủ 18 tuổi, cần gửi kèm bản chụp hộ chiếu, thẻ căn cước của người giám hộ.

c) 01 Bản khai lý lịch theo mẫu TP/QT-2020-BKLL; có dán ảnh chụp trong thời gian 06 tháng gần nhất. Bản khai lý lịch phải được ký trực tiếp (Originalunterschrift), không sử dụng chữ ký sao chụp.

d) 01 Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài, được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

đ) Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam:

- Giấy tờ chứng minh đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam (Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, Quyết định tước quốc tịch Việt Nam);

- Giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp, xác nhận, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó (ví dụ: Giấy khai sinh, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam, Chứng minh nhân dân cũ, hộ chiếu cũ);

e) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam:

- Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có vợ, chồng (bản sao Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân), cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ (bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha, mẹ, con) là công dân Việt Nam (bản sao hộ chiếu Việt Nam, giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam); hoặc

- Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam: Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của pháp luật chuyên ngành; hoặc giấy tờ chứng minh việc trở lại quốc tịch Việt Nam của người đó là có lợi cho Nhà nước CHXHCN Việt Nam: giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục hoặc được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng và có cơ sở cho thấy việc người được trở lại quốc tịch Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam sau khi được trở lại quốc tịch Việt Nam; 

- Giấy tờ chứng minh việc thực hiện đầu tư tại Việt Nam: Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; hoặc Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận rõ về lý do không được nhập quốc tịch nước ngoài (đối với người xin trở lại quốc tịch Việt Nam vì lý do đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài).

- Trong trường hợp không được nhập quốc tịch nước ngoài là do lỗi chủ quan của người đó thì phải có văn bản bảo lãnh của một trong những người là cha, mẹ, vợ, chồng, con hoặc anh, chị, em ruột là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam, kèm theo đơn của người đó tự nguyện về cư trú tại Việt Nam.

g) Danh sách những người được đề nghị giải quyết hồ sơ (ghi rõ địa chỉ cư trú, số

điện thoại, e-mail)

h) 01 bì thư có dán sẵn tem và ghi địa chỉ nếu muốn nhận kết quả qua bưu điện.

5. Đối với người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài phải nộp thêm các giấy tờ sau:

a) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp để chứng minh: (i) việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước đó; (ii) việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng;

b) Bản cam kết của đương sự về việc không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

6. Khi nộp hồ sơ

Người đề nghị được trở lại quốc tịch Việt Nam nộp lệ phí lần 1 bao gồm lệ phí chứng thực bản dịch, hợp pháp hóa giấy tờ do phía Đức cấp và phí dịch thuật giấy tờ được lập bằng tiếng Đức để đáp ứng yêu cầu về hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ. Trên cơ sở kiểm tra hồ sơ, cán bộ xử lý sẽ liên hệ và thông báo cho khách. Người đề nghị nộp hồ sơ cũng có thể làm thủ tục chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao tại công chứng viên của Đức; thuê phiên dịch viên tuyên thệ (beeidigte Übersetzer) dịch sang tiếng Việt các giấy tờ tiếng Đức trong hồ sơ. Sau đó, hồ sơ cần được đưa tới tòa án vùng (Landgericht) để chứng thực chữ ký của công chứng viên/phiên dịch viên tuyên thệ, nếu không thuộc danh sách cộng tác viên, và gửi tới Đại sứ quán để làm thủ tục hợp pháp hóa.

7. Khi nhận được thông báo đủ điều kiện để được trở lại quốc tịch Việt Nam, người đề nghị nộp lệ phí lần 2 là lệ phí trở lại quốc tịch và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về việc đã mất quốc tịch nước ngoài (nếu có), trừ trường hợp được Chủ tịch nước cho phép được giữ quốc tịch nước ngoài.

8. Người đề nghị được thôi quốc tịch Việt Nam cần ghi chính xác địa chỉ và số điện thoại liên lạc, tốt nhất là điện thoại cầm tay, để bộ phận xử lý có thể liên hệ khi cần thiết. Trong thời gian nộp hồ sơ nếu có thay đổi địa chỉ, số điện thoại thì cần thông báo lại cho Đại sứ quán.

Lưu ý:

Nếu có câu hỏi hoặc thắc mắc về vấn đề quốc tịch, đề nghị liên lạc theo số máy (030) 53630 122 hoặc (030) 53630 108./.

Nguồn: vietnambotschaft.org

http://www.vietnambotschaft.org/wp-content/uploads/2012/10/Huong-dan-thu-tuc-tro-lai-quoc-tich-VN.pdf


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày