Sau khi Quốc hội Đức ngày 19/1 bỏ phiếu thông qua một số cải cách mang tính bước ngoặt trong Luật công dân Đức, số đơn xin nhập quốc tịch Đức của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này dự kiến sẽ tăng mạnh lên 50.000 đơn xin nhập tịch trong năm nay và những năm tiếp theo.
Theo phóng viên tại Berlin, Chủ tịch cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, ông Gökay Sofuoglu cho rằng về lâu dài, tất cả 1,5 triệu công dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức chưa có quốc tịch Đức sẽ có hai quốc tịch. Điều này sẽ khiến chính quyền Đức gặp khó khăn trong việc xử lý đơn xin nhập tịch vì bị quá tải.
Với 382/639 phiếu thuận, 243 phiếu chống và 23 phiếu trắng, Quốc hội Đức đã thông qua những cải cách tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quy chế hai quốc tịch cũng như việc nhập tịch đối với các công dân ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Chính phủ Đức cho rằng luật mới sẽ giúp thị trường lao động Đức hấp dẫn hơn đối với lao động nước ngoài, giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trầm trọng hiện nay.
Với những cải cách mới, những người nhập cư sống hợp pháp ở Đức sẽ được phép nộp đơn xin quốc tịch sau 5 năm, thay vì 8 năm như hiện nay. Nếu người nộp đơn xin quốc tịch có những "thành tích hội nhập đặc biệt," như thành tích đặc biệt tốt ở trường học, nơi làm việc…, thời gian này có thể giảm xuống chỉ còn 3 năm.
Trẻ em sinh ra ở Đức có cha hoặc mẹ đã sống hợp pháp ở nước này từ 5 năm trở lên sẽ tự động có quốc tịch Đức. Ngoài ra trong tương lai, những người được nhập quốc tịch Đức có thể được giữ lại quốc tịch trước đây của mình.
Bộ trưởng Nội vụ liên bang Nancy Faeser đã bảo vệ dự luật như một bước “hướng tới luật quốc tịch hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thời điểm hiện nay.”
Theo bà, cần phải ghi nhận và đánh giá cao những người nước ngoài “đến đất nước này và giúp xã hội vận hành tốt.”
Trong khi đó, trong cuộc tranh luận tại Quốc hội, nhiều nghị sỹ lên tiếng chỉ trích những cải cách mới. Nghị sỹ Alexander Throm thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cho rằng đây là luật “gây ra những hậu quả tiêu cực sâu rộng nhất trong giai đoạn bầu cử này.” Việc nhập tịch sau 3 hoặc 5 năm, theo ông là “quá nhanh”./.
(TTXVN/Vietnam+)
© 2024 | Thời báo ĐỨC