Thị trường bất động sản càng phát triển nhanh, mạnh thì sẽ càng dễ xảy ra tình trạng đầu cơ bất động sản. Để hạn chế tình trạng này, ngoài áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch đô thị, một số quốc gia còn sử dụng công cụ chính sách thuế đối với bất động sản.
Chính sách thuế đánh vào bất động sản tại Đức nhằm điều tiết thu nhập từ việc sở hữu, sử dụng, chuyển nhượng bất động sản vào ngân sách nhà nước và gián tiếp điều chỉnh hành vi đầu cơ bất động sản. Ở Đức, thuế này đánh vào thu nhập từ bán tài sản cá nhân như nhà đất, chứng khoán, trái phiếu, được điều chỉnh bởi Điều 23 Luật thuế Thu nhập.
Chính vì vậy, khi bán nhà riêng sau một thời hạn nhất định tính từ thời điểm mua, hay trong khi tự sử dụng đều được miễn thuế Spekulationssteuer, bởi khi họ mua không nhằm đầu cơ để lấy lãi nên không thuộc diện áp dụng thuế đầu cơ
Đối với tài sản, trong đó có đất và nhà tiền lãi thu được khi bán không phải đóng thuế thu nhập nếu khoảng thời gian tính từ khi mua nhà tới khi bán nhà quá 10 năm. Mốc thời điểm bán và mua lấy trong hợp đồng mua bán. Mốc thời gian này cũng áp dụng cho các bất động sản ở nước ngoài.
Ví dụ : Ngày 2-1-2010 hợp đồng mua bán nhà được thực hiện tại phòng công chứng, một ngày sau đó, ngày 3-1-2010 là thời gian bắt đầu tính thuế thu nhập Spekulationssteuer trong 10 năm. Căn hộ sau đó được cho thuê, thời hạn kết thúc việc đánh thuế đầu cơ sẽ kết thúc vào ngày 2-1-2020. Bạn sẽ không phải chịu thuế này nếu bán nhà từ ngày 3-1-2020 bởi giai đoạn 10 năm theo hạn định đã qua.
Trường hợp bán nhà dưới dạng thừa kế chuyển tiền sang Đức sẽ bị áp thuế thừa kế cho số tiền đó, nếu vượt quá ngưỡng miễn thuế; đối với cha mẹ tặng con ruột ngưỡng đó là 400.000 Euro (áp dụng cho quà tặng trong vòng 10 năm, khi bố mẹ đang sống), và cũng 400.000 Euro áp dụng cho thừa kế sau khi bố mẹ đã mất.
Hải Phong
© 2024 | Thời báo ĐỨC