Hậu quả của việc giả mạo giấy tờ ở Đức

Nếu bị phát hiện giả mạo giấy tờ, có thể bị phạt tù đến 10 năm.

Giả mạo giấy tờ là hành vi làm giả các loại giấy tờ hoặc làm sai giấy tờ thật, sử dụng giấy tờ giả và giấy tờ bị làm sai với mục đích lừa đảo luật pháp. Hành vi giả mạo giấy tờ bị phạt theo điều §267 Luật Hình sự.

Hình phạt khi giả mạo giấy tờ

Theo điều § 267 StGB, tội giả mạo giấy tờ hoặc sử dụng giấy tờ giả cũng đồng nghĩa với trộm cắp và sẽ bị phạt tù tới 5 năm hoặc phạt tiền. Trong những trường hợp phạm tội ở mức độ nặng nề đặc biệt, mức phạt tù sẽ từ 6 tháng đến 10 năm.

Đó là những trường hợp thủ phạm hành nghề giả mạo giấy tờ để kiếm tiền hoặc là thành viên một băng đảng chuyên lừa đảo và giả mạo giấy tờ, hoặc khi thủ phạm gây ra mất mát tài sản quy mô lớn bằng hành vi phạm pháp này.

Ngoài ra, phạm pháp ở mức độ nặng nề đặc biệt là khi thủ phạm gây nguy hiểm trầm trọng đến an ninh bằng một số lượng lớn các loại giấy tờ giả, hoặc khi thủ phạm lạm dụng quyền hạn và chức vụ của mình để giả mạo giấy tờ. Những ai là thành viên một băng đảng chuyên làm và sử dụng giấy tờ giả, khi phạm pháp sẽ chịu mức phạt tù từ 1 đến 10 năm, trong trường hợp phạm pháp ở mức độ nhẹ hơn, sẽ chịu mức phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

132 1 Hau Qua Cua Viec Gia Mao Giay To O Duc

Hậu quả cho những người giả mạo giấy tờ

Trong trường hợp cụ thể, một sinh viên ngành luật đến từ Rostock tốt nghiệp đại học đạt điểm trung bình và không tìm được việc. Anh ta liền giả mạo điểm bằng cách tẩy xóa điểm cũ và viết thành trung bình khá. Điểm này trong giới luật gia có thể hiểu là điểm chuẩn. Một văn phòng luật sư tại Düsseldorf nhận ngay người sinh viên vào làm.

Không lâu sau, người ta nhận thấy người nhân viên của họ không hoàn toàn sáng dạ và rất ít hiểu biết về chuyên môn. Sếp của anh ta bèn gọi điện cho trường đại học để hỏi lại. Chàng luật sư trẻ bị đuổi việc và phải hoàn trả toàn bộ số tiền lương đã từng nhận.

Nhưng chứng nào tật nấy, thủ phạm lại dùng điểm giả và xin được việc tại Ủy ban Hành chính (Stadtverwaltung) thành phố Kamp-Lintfort. Tại đây, người ta chỉ thật sự nghi ngờ khi công tố viên tìm đến. Tòa án Amtsgericht tại Düsseldorf tuyên phạt kẻ giả mạo 10 tháng án treo (án số AZ.: 114 Ds 20 Js 1798/10-190/10).

Một trường hợp khác, Liên hiệp Bảo hiểm tai nạn lao động (Berufsgenossenschaft) của Đức sau 5 năm mới phát hiện ra trong hãng có một nhân viên không bằng cấp. Khi người này gửi đơn xin làm nghề giám sát kỹ thuật trong Liên hiệp, anh ta chưa hề kết thúc chương trình đại Học và không có chứng chỉ nghề nghiệp phù hợp công việc đó.

Bằng cử nhân và các giấy tờ là do anh ta tự làm giả – và khi được nhận vào làm, người này cũng bỏ học luôn. Cấp trên của anh ta vô tình phát hiện ra việc này và lập tức quyết định đuổi việc, hủy bỏ hợp đồng lao động với lý do lừa đảo xảo trá. Anh ta không chịu, hai bên đưa nhau ra Toà. Tòa án Lao động Landesarbeitsgericht tại Nürnberg xử phía Liên hiệp Bảo hiểm thắng kiện (án số AZ.: 9 Sa 400/05). Tòa giải thích: Vì đây là một chức vụ cần trách nhiệm cao, kỹ năng cũng như tính chính trực của nhân viên không thể chỉ thừa nhận qua xem xét, kể cả sau khi hai bên đã hợp tác tốt đẹp nhiều năm dài.

Tòa án Landgericht Frankfurt từng tuyên phạt một người đàn ông 46 tuổi 3000 Euro vì tội danh giả mạo chức danh tiến sỹ. Theo tòa, người đàn ông này phạm tội lạm dụng chức danh và giả mạo giấy tờ. Mặc dù chưa từng theo học một trường đại học nào, nhưng ông đã mua giấy tờ giả mạo được cấp bởi một trường đại học ở nước Anh thông qua một người chuyên bán học vị. Người này cũng từng có nhiều tiền án và cũng phải ra hầu tòa vì tội buôn bán giấy tờ giả mạo.

Bảo Ngọc


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày