Nếu con cái của họ có thu nhập và tài sản đầy đủ, lúc đó con cái sẽ phải trang trải mọi phí tổn cho cha mẹ mình. Ngoài ra, nếu thu nhập còn được bạn đời bảo đảm, cơ quan xã hội sẽ đòi hỏi mức đóng góp cao hơn, thậm chí trong vài trường hợp, bên gia đình thông gia phải cùng chu cấp. Khoản tiền cấp dưỡng nuôi bố mẹ già trên thực tế dần trở thành lý do cho vô số xích mích về luật pháp. Dưới đây là một số quy định quan trọng cần biết, nhất là đối với những trường hợp nhận cha con hay con nuôi, gặp nhiều ở người Việt.
Trách nhiệm cấp dưỡng: Theo điều §1601 BGB (Bộ Luật công dân), những người thân thuộc trực hệ phải có trách nhiệm cấp dưỡng lẫn nhau. Đứng trên mặt luật pháp, trách nhiệm cấp dưỡng có ý nghĩa rất rộng. Chỉ khi việc cấp dưỡng trở thành 'hoàn cảnh khó khăn không thể chịu được ('unbillige Härte'), lúc đó người thân thuộc trực hệ mới không buộc phải có trách nhiệm cấp dưỡng nữa. Theo Toà án Tối cao Liên bang Bundesgerichtshof, ví dụ cho một trường hợp như vậy là khi 'mối quan hệ gia đình không còn được gắn bó mạnh mẽ' và bố mẹ hàng năm trời không hề quan tâm đến con cái 'cho dù bằng tình cảm hay vật chất' (án quyết số AZ XII ZR 326/01).
Trách nhiệm pháp lý của những người ruột thịt gần: Những người ruột thịt gần cũng có trách nhiệm pháp lý tuỳ theo tỉ lệ thu nhập và tài sản, nhưng hầu hết phải là những người có khả năng chi trả. Cứ một người trong số họ thiếu hoặc không có điều kiện, người họ hàng ở bậc kế cận sẽ phải chịu trách nhiệm thay.
Mức độ cấp dưỡng: Tiền cấp dưỡng phụ thuộc vào mức thu nhập và tài sản của người có trách nhiệm cấp dưỡng, nhưng không thể lấy toàn bộ thu nhập để tính ra mức này. Trên nguyên tắc, cũng chỉ những người có thu nhập rất cao mới phải trả cấp dưỡng cho bố mẹ của họ.
Tiền thu nhập thường xuyên: 1- Để tính mức chi phí cấp dưỡng, phải xem xét tiền thu nhập netto đã khấu trừ các chi phí, rồi đem khoản tiền này trừ tiếp các "gánh nặng". Dù người phải chu cấp bố mẹ già thường xuyên nhận tiền thù lao cho các giờ làm thêm, nhưng theo Luật cấp dưỡng, tổng cộng chỉ được lấy đến 60 giờ/tuần để tính. Những giờ làm thêm vượt quá khuôn khổ nghề nghiệp một cách rõ rệt sẽ được miễn không phải tính toàn bộ vào thu nhập vì lý do công bằng (theo Toà án tối cao liên bang-BGH). 2- Tuỳ theo từng trường hợp, các chi phí sẽ được tính là gánh nặng theo điều §1603 đoạn 1 BGH, bao gồm: bảo hiểm y tế; bảo hiểm nhân thọ tư nhân (theo BGH, án số AZ: XII ZR 149/01: ít nhất 5% từ thu nhập brutto); phí tổn nghề nghiệp; phí tàu xe đi làm; chi phí mua ô-tô vì lý do bệnh tật hay vì nghề nghiệp; chi phí chữa bệnh; nợ nần (tuỳ hoàn cảnh); bảo hiểm chăm sóc bệnh nhân và chi phí quảng cáo. 2- Sau khi thu nhập đã được khấu trừ các khoản chi phí xã hội cũng như các gánh nặng phải trang trải, người phải đóng cấp dưỡng được phép giữ lại một phần cho riêng nhu cầu của mình, gọi là Selbstbehalt. Khoản tiền này có thể gọi là 'bất khả xâm phạm', không được mang ra tính vào nhu cầu cấp dưỡng cho bố mẹ già – người đăng ký kết hôn được giữ lại 2.200 Euro/tháng (gồm 1.250 Euro cho bản thân [bao gồm cả 440 Euro tiền thuê nhà có lò sưởi] và 950 Euro của bạn đời [trong đó có 330 Euro tiền thuê nhà có lò sưởi]). 3- Từ số tiền thu nhập đã khấu trừ đi khoản Selbstbehalt, còn lại sẽ lấy 50% để chi trả cấp dưỡng (theo khuyến cáo của Toà BGH).
Tài sản: Để tính tiền cấp dưỡng nuôi bố mẹ già, không chỉ tính từ thu nhập mà còn phải kể đến cả phần tài sản, bao gồm: căn hộ riêng, nhà nghỉ, tiền tiết kiệm, cổ phiếu. 1- Tài sản được miễn: Cũng như khi tính thu nhập, người có trách nhiệm nuôi bố mẹ già được giữ lại một mức tài sản riêng, không cần tính trả cấp dưỡng, ví dụ tiết kiệm để chi phí khi về hưu, phòng khi đau ốm, chi phí học tập cho con cái (tuỳ theo từng nhu cầu học tập của mỗi người), kể cả tài sản dưới dạng bất động sản như tu sửa nhà cửa phù hợp với người tàn tật trong gia đình v.v… Trong số tài sản được giữ lại, mục đích chính là dự phòng khi về già. Theo đó, phù hợp nhất chỉ có phần tài sản dự trữ tuổi già tương đương với thời gian lao động đã đạt được trong suốt cuộc đời, những tài sản vượt quá mức đó đều bị tính vào tổng số tiền phải trích nuôi bố mẹ. Tuỳ theo từng trường hợp, nhưng mức tiêu chuẩn tối thiểu thường là 25.000 Euro nếu còn có những tài sản khác, nếu không sẽ là 75.000 Euro. 2- Nhà riêng tự sử dụng hoặc bất động sản cho thuê để có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình thường không thể mang ra tính trả cấp dưỡng. Nhà nghỉ cuối tuần hoặc nơi ở phụ cũng được tính là nhà tự sử dụng, nằm trong phần tải sản được miễn nói trên. 3- Con cái đã xây dựng gia đình đều có trách nhiệm nuôi dưỡng bố mẹ già như những người con chưa lập gia đình, vì kể cả khi ấy, họ vẫn làm chủ tài sản của riêng mình.
Tuy nhiên, họ không được quyền tự quyết định về số tài sản đó nữa, ảnh hưởng đến việc cân bằng tài sản chung trong trường hợp ly hôn. Quyền sử dụng bất động sản để chi trả cấp dưỡng chỉ được áp dụng khi người bạn đời thuận tình đồng ý, trong Luật gia đình được gọi là 'Quy định cấm tuỳ ý sử dụng theo luật gia đình' (familienrechtliches Verfügungsverbot) và có hiệu lực đối với toàn bộ tài sản chung của hai vợ chồng. Theo đó, chỉ cần phần tài sản được tuỳ ý sử dụng chiếm tỉ lệ tối thiểu 85% tổng số thu nhập của mình là đủ, đặc biệt là khi tính bất động sản hoặc đầu tư dài hạn. Ví dụ: Thu nhập của bạn không đủ để chi trả nhu cầu cấp dưỡng của người bố già yếu. Hai vợ chồng bạn hiện thuê một căn hộ, nhưng bạn có một căn nhà riêng trị giá 400.000 Euro.
Ngoài một chiếc xe ô-tô trị giá 20.000 Euro, bạn không có thêm tài sản đáng kể nào khác. Đáng lẽ ra, với một bất động sản khá lớn như vậy, bạn hoàn toàn đủ tài chính để nuôi dưỡng bố mẹ mình.Nhưng để làm được điều đó, bạn phải bán nhà hoặc phải thế chấp để lấy tiền mặt. Căn nhà này không phải là tất cả tài sản của bạn, mà chỉ chiếm 95%, tuy nhiên lại nằm trong quy định cấm tuỳ ý sử dụng. Bố mẹ bạn không thể đòi hỏi bạn cấp dưỡng là vậy. Ngoài ra, nếu người bạn đời có thu nhập rất tốt và ổn định, sẽ phải cùng trả cấp dưỡng cho bố mẹ vợ/chồng mình. Nhưng nếu người bạn đời có mức tài sản dù lớn đến mấy, số tài sản này của họ hoàn toàn 'an toàn' trước bố mẹ vợ/chồng!
Nguồn: vietinfo
© 2024 | Thời báo ĐỨC