Kế hoạch thu hút lao động nước ngoài có tay nghề cao
Đức, nền kinh tế số 1 Châu Âu hiện đang trong tình trạng thiếu lao động có trình độ. Vấn đề này đã tồn tại từ nhiều năm trước dưới thời cựu Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel. Nhưng với những chính sách mạnh mẽ của mình, bà Merkel đã tạm thời giúp nước Đức vượt qua cơn khủng hoảng lao động bằng cách tiếp nhận dòng người tị nạn đến từ Châu Phi.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Liên bang công bố, đa số người tị nạn ở Đức đều được cấp thị thực trong khoảng 6 năm. Đức đã nhập tịch khoảng 168.500 người nước ngoài vào năm 2022, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này gấp 2 lần số người được nhập tịch ở Pháp và 1/3 trong số họ là người Syria.
Những ngành nghề đang được ưu tiên cấp Thẻ Xanh hiện nay bao gồm các lĩnh vực giáo dục và điều dưỡng. Ảnh: DW
Tuy nhiên, giải pháp của bà Angela Merkel chỉ đảm bảo cho nước Đức nguồn lao động phổ thông, đồng thời đẩy nước này vào cảnh thiếu nguồn lao động có trình độ. Nguyên nhân của vấn đề xuất phát từ việc dân số Đức ngày một già cỗi và không có đủ nguồn nhân lực mới để bù đắp vào cỗ máy công nghiệp khổng lồ này.
Ngoài ra, nhiều công ty Đức đã buộc phải sa thải hoặc để mất nhân sự trong cuộc khủng hoảng Y Tế Covid-19. Đây cũng là tình hình chung của nhiều nơi tại EU. Điều quan trọng là phần lớn nguồn nhân lực đó hầu như không quay lại làm nghề cũ mà chuyển sang một lĩnh vực mới.
Thế nhưng vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Theo Cơ quan Việc làm Liên bang, Đức đang thiếu lao động có trình độ trong 200 ngành nghề. Điều dưỡng, chăm sóc trẻ em, bác sĩ nói chung, ngành xây dựng và Công nghệ thông tin (CNTT) là những ngành nghề bị thiếu hụt trầm trọng. Trung bình cứ 6 ngành nghề tại Đức, sẽ có 1 ngành thiếu lao động có trình độ. Hiện nước Đức đang bỏ trống hơn 2 triệu vị trí việc làm. Theo số liệu của Chính phủ liên bang, Đức sẽ cần tuyển thêm 240.000 lao động có trình độ vào năm 2026 và con số này sẽ lên tới hơn 7 triệu người vào năm 2035.
Hơn thế nữa, 7 triệu người Đức sẽ nghỉ hưu trong vòng mười năm tới, gánh nặng về lương hưu cũng khiến các chính trị gia Đức đau đầu. Họ đang cần gấp một lực lượng lao động mới để có thể tìm kiếm nguồn ngân sách thông qua việc đóng thuế. Thế nên trước tình trạng đó, Chính phủ Đức đã "nới lỏng" đạo luật nhập cư, cho phép người lao động lành nghề có thể dễ dàng đến nước này hơn.
Một trong những thay đổi lớn nhất của đạo luật vừa có hiệu lực hôm 18/11 vừa qua, đó là việc Chính phủ Đức loại bỏ những yêu cầu về tiếng đối với một số ngành nghề. Từ giờ trở đi, nhiều học giả và lao động có trình độ từ các nước thứ ba sẽ có thể đến Đức nhờ Thẻ xanh EU mà không cần phải chứng minh trình độ tiếng Đức của mình. Và như các bạn cũng đã biết, rào cản ngôn ngữ là một trong những hạn chế lớn nhất cho việc xin vào Đức bởi tiếng Đức là một trong những thứ tiếng khó bậc nhất Châu Âu, đòi hỏi nhiều năm thời gian cũng như công sức và tiền bạc.
Ngoài ra, để thu hút nguồn lao động nước ngoài, đạo luật mới sẽ đơn giản hóa việc công nhận bằng cấp. Thay vì phải trải qua một quá trình xét duyệt ngặt nghèo và dai dẳng để có thể được sự công nhận của các cơ quan có thẩm quyền trước khi có thể hoàn thiện hồ sơ đến Đức, thì với các thay đổi mới, người lao động có trình độ có thể trực tiếp xin thị thực cư trú với bằng tốt nghiệp được công nhận tại nước thứ 3 và có trên 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn.
Một điểm sáng nữa của đạo luật nhập cư này là Chính phủ Đức đã hạ mức lương tối thiểu xuống 40.000 Euro/năm cho các ngành nghề đang thiếu lao động và những công việc không yêu cầu kinh nghiệm. Con số này sẽ ở mức 44.000 Euro/năm cho tất cả các ngành nghề khác. Với thay đổi này, người lao động nước ngoài sẽ có nhiều khả năng được tuyển dụng hơn. Các doanh nghiệp Đức sẽ không phải cân nhắc việc hạn chế lao động do chi phí đắt đỏ mà có thể tuyển dụng ồ ạt, tạo cơ hội cho người lao động có nhu cầu có thể tiếp cận và đến Đức.
Điểm mạnh của Đức
Có một sự thật là nước Đức, từ trước tới nay vẫn luôn là miền đất hứa của dòng người xin tị nạn. Thứ nhất là cơ hội để có được việc làm ở Đức luôn dễ dàng hơn ở các quốc gia khác trong EU. Điều này cũng dễ hiểu bởi Đức là nền kinh tế số 1 ở Châu Âu, thế nên nhu cầu trong các ngành nghề có tính cạnh tranh luôn cao hơn so với các nước trong khu vực. Hơn thế nữa, đời sống ở Đức cũng rẻ hơn so với một số nước khác của khối 27.
Theo số liệu do Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp công bố năm 2020, mức lương trung bình ở Đức là gần 48.000 euro/năm, không kém nhiều so với Thụy Điển và Phần Lan, cao hơn Pháp tận 5000 Euro, hơn Italia 10.000 Euro/năm. Trong khi đó, mức chi tiêu trung bình ở Đức rơi vào khoảng 26.000 Euro/năm, tương đương với Pháp, Thụy Điển và Phần Lan. Thêm vào đó là cơ hội việc làm cũng như những dịch vụ công khá đầy đủ. Từ những yếu tố đó, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được tại sao nước Đức lại được coi là miền đất hứa của dòng người tị nạn. Điều này cũng đúng với các lao động có tay nghề mong muốn tìm kiếm phương trời mới.
Tuy nhiên, việc đến miền đất hứa này lại không hề đơn giản. Ngoài hàng loạt những yêu cầu về giấy tờ, bằng cấp cũng như các thủ tục khắt khe khác, Đức còn yêu cầu người lao động phải nói được tiếng Đức ở một trình độ nhất định, tùy theo ngành nghề. Đây cũng là một trong những rào cản chính cho “giấc mơ Đức” của nhiều lao động. Về mặt này, Đức rõ ràng khó có thể cạnh tranh với Canada hay Australia khi chỉ đơn giản yêu cầu tiếng Anh, ngôn ngữ thông dụng và dễ tiếp cận.
Hơn thế nữa, Đức cũng là quốc gia nổi tiếng ở Châu Âu vì suy nghĩ bảo thủ và không chấp nhận người nước ngoài. Trong quá khứ, hầu hết các lao động nước ngoài tại Đức đều buộc phải hồi hương sau khi hết hợp đồng. Tuy nhiên, suy nghĩ này đã và đang dần thay đổi khi đất nước này buộc phải thích nghi với những thay đổi về nhân khẩu học. Năm 2022, Đức ghi nhận hơn 22 triệu dân có nguồn gốc ngoại quốc trên tổng số 83 triệu dân. Người Đức cũng dần học cách sống chung với người ngoại quốc, nhưng vẫn chỉ giới hạn chủ yếu ở nguồn lao động có “trình độ”.
Với những thay đổi mới đây về luật nhập cư, như đơn giản hóa yêu cầu về ngôn ngữ, giảm bớt các thủ tục hành chính, Đức không cần làm gì nhiều cũng có thể trở thành quốc gia nổi bật và thu hút lượng hớn người lao động trong thời gian tới.
Ai sẽ được hưởng lợi
Đầu tiên, phải nói đến những thay đổi có hiệu lực từ ngày 18/11, trong đó có vấn đề Thẻ Xanh EU. Cơ chế hoạt động của nó cũng giống với Thẻ Xanh của Mỹ và đã tồn tại ở Đức được trên 10 năm. Tuy nhiên, nhờ việc hạ thấp ngưỡng thu nhập tối thiểu, giờ đây việc đạt được nó sẽ dễ dàng hơn với người lao động. Từ giờ trở đi, nhiều học giả và lao động có trình độ từ các nước thứ ba sẽ có thể đến Đức nhờ Thẻ xanh EU mà không cần phải chứng minh trình độ tiếng Đức của mình. Những ngành nghề đang được ưu tiên cấp Thẻ Xanh hiện nay bao gồm các lĩnh vực giáo dục và điều dưỡng. Những người lao động đã hoàn thành khóa đào tạo điều dưỡng trên ba năm cũng sẽ được cấp quyền tiếp cận thị trường việc làm ở Đức.
Ngoài ra, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, những người lao động có nhiều hơn 3 năm kinh nghiệm hoàn toàn có thể xin được Thẻ Xanh kể cả khi họ không có bằng đại học. Và một khi ở Đức, người lao động có thể tự do chọn lựa ngành nghề của bản thân chứ không còn bị giới hạn bởi các nghề liên quan đến chuyên môn của mình như trước kia. Tất nhiên là những ngành đặc biệt như luật sư hay bác sĩ vẫn cần phải có những chứng chỉ và bằng cấp nhất định. Ngoài ra, những lao động có kinh nghiệm và trình độ, đạt yêu cầu về một số quy định đều được quyền cấp giấy phép cư trú.
Hơn thế nữa, bắt đầu từ tháng 3/2024, bất cứ người lao động nào có bằng cấp nước ngoài và hoàn thành khóa đào tạo tiếng Đức (để đạt được trình độ tương đương) đều có thể ở lại nước này tối đa là 3 năm cũng như được quyền đi làm lên tới 20 giờ mỗi tuần. Mức lương tối thiểu theo giờ ở Đức hiện vào khoảng 12 Euro. Với điều kiện này, người lao động hoàn toàn có thể tự sống và tìm kiếm việc làm thích hợp trong khoảng thời gian cho phép.
Một thay đổi mới nữa là nếu được nhà tuyển dụng chiêu mộ, người lao động có thể trực tiếp đến Đức và nhận việc làm trong quá trình công nhận trình độ chuyên môn. Thời gian lưu trú tối đa lên đến 3 năm kèm với điều kiện kinh nghiệm trên 2 năm cũng như trình độ tiếng Đức đạt mức A2. Việc đem theo gia đình cũng được đơn giản hóa, người lao động chỉ phải chứng minh họ có thể nuôi sống chồng hoặc vợ mà không cần phải chứng minh rằng họ có chỗ ở phù hợp. Họ cũng có thể đem theo bố mẹ ruột hoặc bố mẹ vợ/chồng nếu giấy phép cư trú của họ có hiệu lực từ tháng 3 năm 2024.
Từ tháng 6/2024, một hệ thống tính điểm, lấy cảm hứng từ mô hình Canada, cũng sẽ được áp dụng dành cho những người có thể chứng minh rằng bằng tốt nghiệp nước ngoài của họ tương đương với bằng tốt nghiệp của Đức. Những người này sau đó có thể sống ở Đức trong một năm với mục đích tìm việc làm, miễn là họ có thể chứng minh được sự độc lập về tài chính của mình. Nếu người lao động không chứng minh được sự tương đương, họ phải có bằng đại học hoặc bằng cấp chuyên môn với thời gian đào tạo ít nhất hai năm, cũng như trình độ tiếng Đức ỏ mức A2 hoặc trình độ tiếng Anh ở mức B2.
Với những thay đổi thiết thực này, cơ hội việc làm ở Đức là đang rộng mở. Nước Đức không còn là quá xa xôi như trước nữa.
Anh Tuấn
© 2024 | Thời báo ĐỨC