Quỹ bảo hiểm xã hội hình thành từ lệ phí do người lao động và chủ thuê lao động đóng, về nguyên tắc mỗi bên một nửa.
Foto: youtube/explainity
Khái niệm an sinh xã hội là việc bảo vệ công dân trước những thăng trầm của cuộc sống, bao gồm tất cả những quy định và việc cung cấp tài chính trong cộng đồng, cho phép con người có thể sống mà không gặp phải những khó khăn cùng cực từ bên ngoài.
Thành phần chính của an sinh xã hội là bảo hiểm xã hội theo luật định, tức là do nhà nước quy định. Với tư cách là một hệ thống đoàn kết, có nghĩa là người có thu nhập cao thì đóng nhiều, người thu nhập thấp thì đóng ít, nó bảo vệ một cách hưu hiệu về mặt tài chính trước những rủi ro trong cuộc sống và hậu quả của nó:
Ví dụ như trong trường hợp ốm đau, bệnh tật, thất nghiệp, tai nạn ở nơi làm việc, không còn khả năng lao động hoặc cần có người chăm sóc.
Điều này có ý nghĩa đối với những người được bảo hiểm cũng như thân nhân của họ.
Tại Đức có tới gần 90% dân chúng được bảo hiểm bắt buộc hoặc tự nguyện trong bảo hiểm xã hội.
Năm trụ cột của bảo hiểm xã hội
Hệ thống bảo hiểm xã hội của Đức hiện nay bao gồm năm lĩnh vực, được gọi là „Năm trụ cột của bảo hiểm xã hội“. Đơn vị chủ quản của bảo hiểm xã hội không phải là cơ quan nhà nước, mà là tổ chức công cộng. Năm trụ cột của bảo hiểm xã hội là:
- Bảo hiểm thất nghiệp
- Bảo hiểm y tế theo luật định
- Bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng theo luật định
- Bảo hiểm hưu trí theo luật định
- Bảo hiểm tai nạn theo luật định
Quỹ bảo hiểm xã hội hình thành từ lệ phí do người lao động và chủ thuê lao động đóng, về nguyên tắc mỗi bên một nửa.
Mức lệ phí phải đóng tính theo phần trăm lương của người lao động, do Cơ quan hành chính tự quản quy định đối với bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn, do cơ quan lập pháp (Quốc hội) quy định đối với bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm chăm sóc, điều dưỡng.
Hiện nay, lệ phí bảo hiểm y tế chiếm 14,6% tổng lương của người lao động, trong đó người lao động đóng 7,3% và chủ thuê lao động đóng 7,3%, lệ phí bảo hiểm hưu trí là 18,7%...
Những người không có công ăn việc làm hoặc thu nhập quá thấp sẽ được nhận trợ cấp xã hội để đảm bảo mức sống tối thiểu từ nhà nước, lấy từ tiền thuế.
CHLB Đức không chỉ đi theo nền kinh tế thị trường thuần túy, mà là nền kinh tế thị trường xã hội, nên hệ thống phúc lợi, an sinh xã hội của họ rất tốt.
Những người Việt Nam ở Đức hiện nay cũng được hưởng phúc lợi xã hội như người Đức.
Những người làm công, ăn lương thì cũng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo luật định. Những người hành nghề tự lập thì không bắt buộc phải đóng bảo hiểm, nhưng cũng có thể tự nguyện đóng bảo hiểm xã hội theo luật định hoặc bảo hiểm tư nhân.
Khi đến tuổi nghỉ hưu, thông thường trong thời gian quá độ hiện nay là từ 65 tới 67 tuổi, một số có thể nghỉ từ 63 tuổi, nếu đã đóng 45 năm bảo hiểm hưu trí, người hưu trí sẽ được nhận lương hưu tùy theo mức độ họ đã đóng.
Đây cũng là một vấn đề đối với người Việt Nam ở Đức, vì phần lớn người Việt Nam hành nghề tự lập, thường chỉ đóng bảo hiểm y tế mà không đóng bảo hiểm hưu trí, hoặc đóng rất ít nên lương hưu sẽ rất thấp.
Nếu những người này không có đủ tiền tiết kiệm dự trữ, họ sẽ phải xin tiền trợ cấp bảo đảm cơ bản lúc tuổi già (Grundsicherung), một dạng trợ cấp xã hội để đủ sống.
Lịch sử của Bảo hiểm xã hội Đức
{youtube}HfACZuLfUMA{/youtube}
Việc bảo vệ dân chúng trước những rủi ro xã hội ở Đức đã được bắt đầu trong thế kỷ 19. Sau khi nước Đức thống nhất lần đầu vào năm 1871, chỉ 12 năm sau, năm 1883, Thủ tướng Đức Otto von Bismarck đã đưa bảo hiểm y tế theo luật định đối với người lao động vào áp dụng. Theo luật này, người lao động có quyền được bảo hiểm đối với ốm đau, thương tật, tai nạn cũng như khó khăn về vật chất lúc tuổi già.
Với việc áp dụng bảo hiểm y tế, chất lượng sống của người lao động đột nhiên được cải thiện rõ rệt. Vì chính sách xã hội mẫu mực này, cho tới nay Bismarck vẫn được coi là „Người cha đẻ của chính sách xã hội Đức“.
Những đạo luật quan trọng khác đã lần lượt được ban hành, mở đầu cho chính sách xã hội của nhà nước. Đó là:
- Năm 1884 áp dụng bảo hiểm tai nạn
- Năm 1889 áp dụng bảo hiểm hưu trí, ban đầu được gọi là bảo hiểm thương tật và tuổi già
- Năm 1927 áp dụng bảo hiểm thất nghiệp
- Năm 1995 bắt đầu áp dụng bảo hiểm chăm sóc, điều dưỡng theo luật định, hoàn thiện „Năm trụ cột“ của Hệ thống bảo hiểm xã hội của Đức.
Hiện tại và tương lai của bảo hiểm xã hội Đức.
Nền tảng của hệ thống bảo hiểm xã hội Đức theo luật định được thiết lập phần lớn trong thế kỷ 19 đã được thử thách, nhưng cũng thường xuyên phải được sửa đổi để đáp ứng những đòi hỏi của một xã hội hiện đại và thay đổi.
Nhưng những nguyên tắc cơ bản đã vượt qua thử thách cũng phải được duy trì trong tương lai.
Những cải cách trong những năm qua do Chính phủ CHLB Đức thực hiện trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội trước hết nhằm bảo đảm và duy trì tiêu chuẩn cao của an sinh xã hội Đức. Đồng thời, an ninh xã hội cũng phải được bảo đảm cho những thế hệ tiếp theo.
Tuy nhiên, trong tương lai, hệ thống bảo hiểm xã hội của Đức cũng đứng trước những thách thức lớn:
Do tuổi thọ của người dân được nâng cao, tỉ lệ sinh đẻ lại thấp nên xã hội Đức có xu hướng ngày càng già đi.
Có nghĩa là người hưởng phúc lợi xã hội, lương hưu trí tăng lên, nhưng người đóng bảo hiểm lại giảm đi.
Chính phủ Đức sẽ phải giải bài toán cân đối thu chi đối với ngân quỹ của bảo hiểm xã hội. Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng Đức phải tăng số người nước ngoài nhập cư để bảo đảm lực lượng lao động trong xã hội.
Nguồn: Văn Long/thoibao/explainity
© 2024 | Thời báo ĐỨC