Vì sao hoạt động sản xuất chế tạo của nước Đức hùng mạnh?

Tinh thần người thợ của người Đức đặc biệt nghiêm cẩn, chuẩn mực, không được cẩu thả dù chỉ một chút, đinh ốc quy định vặn 5 vòng thì họ không vặn 4 vòng rưỡi.

Theo “Chiến lược Disney”, một nhóm lý tưởng cần có cả nhà tư tưởng, nhà phê bình và người làm thực tế. Nhà tư tưởng có thể thoải mái phát huy trí tưởng tượng sáng tạo; nhà phê bình chuyên quan sát bình luận, từ những góc nhìn khác nhau xem xét đề xuất của nhà tư tưởng, qua đó phát hiện những gì ưu việt nhất; người làm thực tế là người hiện thực hóa những ý tưởng chiến lược của nhà tư tưởng.

132 1 Vi Sao Hoat Dong San Xuat Che Tao Cua Nuoc Duc Hung Manh

(Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, xã hội Đức là một “Đội hình Disney” lý tưởng. Nước Đức có rất nhiều nhà phê bình, nhờ vào thái độ có lý tính của công chúng Đức đối với hoạt động phê bình. Quan trọng hơn là nền giáo dục Đức cổ vũ học sinh không tin theo quyền lực một cách mù quáng, khuyến khích tư duy độc lập, suy nghĩ về vấn đề theo nhiều góc nhìn, chính tư tưởng đa nguyên này đã tạo ra một xã hội đa nguyên về văn hóa.

Nước Đức chưa bao giờ thiếu công nhân kỹ thuật

Ngoài vai trò của nhà phê bình và nhà tư tưởng, nước Đức còn có nhiều nhân tài làm thực tế hơn, họ dùng kỹ thuật công nghệ tinh xảo để tạo ra những sản phẩm thương hiệu Đức nổi tiếng thế giới. Lĩnh vực sản xuất chế tạo của Đức khiến nền kinh tế nước Đức tăng trưởng ổn định, giúp nước Đức trở thành điểm tựa vững vàng cho châu Âu, việc khu vực đồng euro đến nay vẫn đứng vững là nhờ công lao không nhỏ của ngành sản xuất chế tạo của Đức.

Công nghiệp sản xuất chế tạo của nước Đức hùng mạnh được như thế, nguyên nhân quan trọng nhờ quốc gia này đã tích lũy được nguồn tài nguyên “thợ lành nghề” hùng hậu, bao gồm kỹ sư, kỹ thuật viên cao cấp, kỹ thuật viên thông thường.

Ở Đức, cho dù là kỹ sư hay công nhân kỹ thuật bình thường, mỗi người đều có tuyệt kỹ riêng, có người nhờ ông cha truyền lại, nhưng đa số nhờ vào những trường dạy nghề, trường công nhân kỹ thuật, thậm chí là đại học kỹ thuật ứng dụng được phân bố trên khắp nước Đức. Ngoài ra còn có vai trò đào tạo của Hội Nghề nghiệp Đức và hoạt động tập huấn thực tế trong các công ty.

Vì sao nhiều người Đức không theo đuổi bằng cấp cao?

Trước tiên, người làm công nhân kỹ thuật ở Đức không bị coi thường. Xã hội Đức kính trọng những ai làm nghề này như với tất cả mọi “ngành nghề cấp cao” khác. Dường như với người Đức, công việc mỗi người làm chẳng qua là sự phân công lao động khác nhau trong xã hội mà thôi, cho dù là chính trị gia, doanh nhân, giáo sư, kỹ sư hay công nhân kỹ thuật, mọi người chỉ là khác biệt về nghề nghiệp, không có tình trạng kỳ thị phân biệt.

Từ “nghề nghiệp” trong tiếng Đức hàm ý là “thiên chức” hoặc “tiếng gọi của Thượng đế”, nghề nghiệp mà mỗi người theo đuổi, xét trên ý nghĩa “thiên chức” đều là thiêng liêng, thần thánh. Chính vì thế, người Đức làm việc nghiêm túc, luôn có trách nhiệm, luôn gắng sức làm cho tốt phận sự của mình.

Nguyên nhân thứ hai là công nhân kỹ thuật Đức có thu nhập rất cao. Một công nhân kỹ thuật bình thường có thu nhập từ 2.000 – 3.000 Euro (khoảng 53 triệu – 79 triệu đồng Việt Nam), không hề chênh lệnh so với mức thu nhập của những người tốt nghiệp Đại học. Thậm chí họ còn có cơ hội tìm được việc làm tốt hơn. Công nhân kỹ thuật cao cấp là kho báu của doanh nghiệp. Thu nhập của họ cao hơn, có thể mua nhà mua xe, thụ hưởng cuộc sống chất lượng cao, có thể gọi là một mình nuôi được cả nhà, ngoài ra còn được đi nghỉ phép nước ngoài hoặc chuyên tâm cho sở thích nghiệp dư khác của họ, ví dụ như sưu tầm rượu nổi tiếng, sưu tầm đồ cổ… Ở Đức, những sở thích này không phải “độc quyền” của những người có bằng cấp cao.

Nguyên nhân thứ ba là nền giáo dục Đức rất thông thoáng, cởi mở. Một người làm công nhân kỹ thuật nhưng nếu muốn “chuyển hướng” cũng có thể nộp đơn xin vào đại học kỹ thuật ứng dụng để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, sau khi tốt nghiệp có văn bằng Thạc sĩ được Nhà nước thừa nhận. Dĩ nhiên cũng có thể học bổ túc để có học vị thạc sĩ, tiến sĩ.

Đi học ở Đức không có giới hạn tuổi tác, nước Đức thuộc kiểu mẫu điển hình của mô hình văn hóa “sống đến già, học đến già”. Vì thế, ở giảng đường đại học của Đức có thể dễ dàng trông thấy những cụ già tóc bạc trắng đi học, đây là chuyện rất bình thường.

Vì người Đức có quan niệm về bình đẳng nghề nghiệp, công nhân kỹ thuật cũng có thu nhập khá cao, bất cứ khi nào họ cũng có thể xin vào học đại học nếu muốn nghiên cứu sâu hơn, nên rất nhiều người Đức lựa chọn làm công nhân kỹ thuật chứ không nhất thiết phải học lấy bằng Đại học. Nhờ thế, nước Đức có một lực lượng công nhân sản xuất thực tếhùng hậu, và chính họ đã giúp ngành sản xuất chế tạo của nước Đức trở nên hùng mạnh.

Thanh Nhân


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày