Có vẻ như người Đức nhìn nhận sở hữu cổ phiếu giống như một trò cờ bạc.
Đầu năm 1923, đồng mark Đức ở mức 7.260 mark đổi 1 USD. Đến tháng 10, siêu lạm phát khiến tỷ giá lên tới 65 tỷ mark. Các khoản tiết kiệm và đầu tư mang lại thu nhập cố định trở thành thứ vô giá trị. Tuy nhiên, có một khoản đầu tư vẫn giữ nguyên giá trị.
Theo Frederick Taylor, cổ phiếu của các doanh nghiệp Đức vẫn có thể theo kịp lạm phát và có thể bảo vệ một số ít người đã đầu tư vào chúng.
90 năm sau, không phải siêu lạm phát mà lạm phát quá thấp đang đe dọa châu Âu. Thế nhưng, có một điều không hề thay đổi: hầu hết người Đức vẫn không muốn đầu tư vào các doanh nghiệp trong nước.
Trong khi hơn một nửa người Mỹ đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp Mỹ, chỉ 15% người Đức trực tiếp sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp Đức, 21% sở hữu các quỹ tương hỗ.
Điều này càng đáng ngạc nhiên hơn khi chỉ số DAX của TTCK Đức đang ở mức cao kỷ lục và lãi suất ở mức thấp kỷ lục.
Kể từ sự kiện Lehman Brothers sụp đổ năm 2008 đến cuối tháng 10/2013, chỉ số DAX đã tăng gần 42%. Chỉ số MDAX (gồm các doanh nghiệp nhỏ hơn) tăng 93%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm do chính phủ Đức phát hành mang lại lợi suất 31% trong cùng thời kỳ này, và trái phiếu công ty có lợi suất 29%.
Người Đức vẫn thích để tiền vào các tài khoản tiết kiệm vốn an toàn hơn nhưng mang lại lợi suất thấp hơn nhiều.
Người Mỹ có các kênh tin tức cập nhật 24/24 các thông tin kinh tế tài chính với những chuyên gia hào hứng đưa ra lời khuyên đầu tư.
Ví dụ gần nhất ở Đức là Dirk Müller - nhà giao dịch ở Frankfurt được biết đến với biệt danh “Mr DAX”. Đây là chuyên gia xuất hiện khá thường xuyên trên tivi và những cuốn sách của ông cũng được bán rất chạy.
Tuy nhiên, ông là người hiếm hoi khuyên người Đức nên mạo hiểm đầu tư vào các tài sản ngoài Sparbücher (sổ tiết kiệm).
Ông coi đây là "một trong những sản phẩm tồi tệ nhất mà các ngân hàng có thể cung cấp" bởi đây nhà đầu tư bị giới hạn số tiền và số lần mà họ có thể rút ra. Thêm vào đó, lãi suất cũng ở mức thấp hơn so với lạm phát.
Tuy nhiên, chỉ có rất ít người Đức nghe theo lời khuyên này.
Theo khảo sát được Hiệp hội ngân hàng Đức thực hiện năm 2011:
- 30% người Đức cho biết họ tiết kiệm tiền "cho tuổi già"
- 27% cho "trường hợp khẩn cấp"
- và 27% để "mua các tài sản lớn".
- Chỉ có 7% nhắc đến việc "đầu tư làm giàu".
Khi được hỏi nhân tố nào ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định đầu tư, 60% có câu trả lời là "an toàn", chỉ có 15% quan tâm đến lợi nhuận.
Thay vì chuyển sang các tài sản đầu tư sinh lợi nhiều hơn, người Đức phản ứng với lãi suất thấp bằng cách giảm tiết kiệm.
Trong giai đoạn 2000 - 2008, lượng tiền tiết kiệm của các hộ gia đình Đức tăng lên đều đặn, lên đến 11,5% thu nhập.
Tuy nhiên, tỷ lệ giảm xuống chỉ còn 10,3% trong năm ngoái. Ngân hàng bán lẻ Postbank nhận định tỷ lệ sẽ còn giảm mạnh hơn nữa trong tương lai.
Các chính sách công cũng coi chứng khoán là tài sản đầu tư chứa đầy rủi ro, hoặc thậm chí là trái phép. Chính phủ duy trì chế độ theo dõi các nhân viên tư vấn một cách chặt chẽ, có hệ thống ghi lại bất cứ lời phàn nàn nào từ khách hàng.
Thêm vào đó, luật bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu nhân viên tư vấn phải đọc lời khuyên bắt buộc (giá cổ phiếu có thể đi lên cũng như đi xuống) bất cứ khi nào họ gặp gỡ khách hàng.
Kết quả là, mặc dù người Đức có thu nhập khá cao nhưng tài sản ròng trung bình chỉ ở mức 51.400 euro - tương đương 69.221 USD.
Đây là mức không chỉ thấp hơn của Pháp (115.800 euro), Hà Lan (103.600 euro) mà còn thấp hơn cả Hy Lạp (101.900 euro) và Slovakia (61.200 euro).
Tỷ lệ sở hữu nhà ở mức thấp là lý do chính, nhưng người Đức chỉ kiếm được quá ít lợi nhuận từ những khoản tiết kiệm là lý do quan trọng hơn. Trong khi đó, chỉ số DAX Index vừa lập kỷ lục.
Theo Trí Thức Trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC