Tại sao người Đức không muốn đẻ con dù được chính phủ trợ cấp đến tận 25 năm với mức phí cao ngỡ ngàng

Số tiền bố mẹ có thể nhận được khi sinh 1 đứa con lên tới bằng khoản học bổng toàn phần cho một thạc sĩ/ tiến sĩ trong 3 năm liên tiếp cùng miễn học phí và tiền child benefit tới tận 25 năm. Nhưng tỉ lệ sinh ở Đức vẫn thấp, đặc biệt người Đức thích nuôi cún hơn thay vì sinh con là một sự thật không thể thật hơn.

1 Tai Sao Nguoi Duc Khong Muon De Con Du Duoc Chinh Phu Tro Cap Den Tan 25 Nam Voi Muc Phi Cao Ngo Ngang

Lý do là vì để sinh một đứa trẻ họ cho rằng phải hy sinh quá nhiều nên mọi chính sách của chính phủ không thể bù đắp. Cụ thể:

1. Vấn đề công việc

Đức là một nước công nghiệp hàng đầu châu âu, ngay cả nhìn sang các vị trí then chốt trong các công ty công nghệ của Mỹ thì cũng rất rất nhiều là người Đức nắm giữ. Chất lượng lao động được đào tạo phân tầng phân nghề, ngành giáo dục thực sự làm rất tốt khâu định hướng và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng tốt dồi dào cho thị trường lao động… Chưa kể người Đức có khả năng ngoại ngữ tuyệt vời cả số lượng và chất lượng vì lai chéo, và vì cơ hội được giao tiếp trong môi trường đa văn hóa từ bé . Thêm điểm cộng ngoại hình. Rõ ràng đây là một thị trường lao động cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt. Khắc nghiệt tới mức vì công việc họ sẵn sàng hy sinh hôn nhân và gia đình. Bởi không phải lúc nào hai vợ chồng cũng có thể tìm được công việc cùng trong một thành phố.

Mình nhớ rõ hồi mới tốt nghiệp cô bạn Đức hỏi mình tính kiếm việc ở đâu, mình hồn nhiên trả lời:” ưu tiên cho ông xã, cv ông xã ở đâu thì mình đi tới đó”. Nó đã hết sức ngạc nhiên và lắc đầu: “Không, đừng nên thế chứ”. Mình hơi chựng lại và hỏi ngược lại nó, thì cô nàng phân bua rằng:”tìm được công việc ở đâu thì phải giữ nó thật chặt, nếu là chồng mình sẽ phải chấp nhận và ngược lại”. Lời nó nói đúng là được kiểm chứng luôn bởi những nhân chứng ông bà giáo sư của mình. Một bà giáo sư U60 đã ở vị trí trưởng khoa hàng ngày vẫn lái xe đều đặn tổng từ Bonn tới Siegen cách nhau 150km suốt 40 năm cuộc đời. Chỉ đơn giản chồng cv ở Bonn, còn vợ thì phải giữ cv ở Siegen. Một ông giáo sư U50, vợ là nhà báo ở Berlin , còn chồng thì 10 năm đầu ở Siegen cách nhau 600km, sau này ông đã cố gắng thu hẹp khoảng cách vợ chồng còn 300km và 1 tuần về thăm vợ 1 lần. Còn đồng nghiệp mình quen vợ chồng cũng đa phần chồng một nơi vợ một nẻo. Cứ thử tưởng tượng 2 vợ chồng cách xa nhau vì công việc như vậy thì việc tạo baby còn khó chứ chưa nói chăm sóc kiểu gì khi con ra đời. Trong khi đa phần gia đình Việt vợ/chồng phụ thuộc vào 1 phía, ai có việc và thu nhập tốt hơn thì 1 bên sẽ lùi lại gánh vác việc gia đình.

2. Vấn đề thuê người giúp việc

Người Việt ở bên này thường sẽ đón bố mẹ sang hoặc sử dụng lao động giá rẻ (không trả đúng chế độ lao động và thậm chí dùng lao động chui bất hợp pháp). Thì với người Đức đa số không bao giờ thuê osin. Tại sao? Bởi họ quý trọng sức lao động nên giá thuê người giúp việc vô cùng đắt đỏ. Tính mọi chi phí gồm thuế, bảo hiểm, chế độ nghỉ dưỡng, lương và bao ăn ở cho giúp việc có khi tiền đi làm 2 vợ chồng không đủ trả osin. Tuy nhiên họ có 1 lựa chọn rẻ hơn là Aupair (trả mọi khoản chi phí ăn ở đi lại tiền tiêu vặt như 1 khoản học bổng cho học sinh/sinh viên nước ngoài ở trọ tới học tiếng rồi phụ giúp việc gia đình nhà chủ).

Tuy nhiên thuê Aupair cũng khá rủi ro, như là Aupair ko biết việc, lười biếng mải chơi, bất đồng ngôn ngữ văn hóa, và tệ hơn “mất” luôn ông chồng vào tay các em trẻ muốn chớp cơ hội hưởng thụ và kiếm giấy tờ ở lại Đức. Nên tự lực cánh sinh là điều đa phần các gia đình bên này phải chấp nhận. Với 1 baby còn mệt mỏi lên xuống, nếu 2 đứa con thì thực sự stress kinh khủng. Vc mình từng vì tự chăm con và cuộc sống thích nghi nơi xứ người đã có thời gian thay nhau bị trầm cảm, hôn nhân cũng lục đục sóng gió, nghĩ lại thôi rùng mình không tha thiết có thêm con. Mình còn nhớ kinh khủng nhất là quãng thời gian con dưới 6 tháng.

2 Tai Sao Nguoi Duc Khong Muon De Con Du Duoc Chinh Phu Tro Cap Den Tan 25 Nam Voi Muc Phi Cao Ngo Ngang

Mẹ hoàn toàn không được kiêng cữ dù ngay ngày con chào đời. Đêm khuya hôm sinh trong bệnh viện mình phải thức ôm dỗ con ngủ. Hôm từ viện về tới nhà mới lò dò ra sân phơi đồ thì vật ra ngất lịm đau đớn vì vết khâu tầng sinh môn, vì co bóp tử cung, vì cúm dạ dầy khi cơ thể sức đề kháng yếu. Cứ vật vã ốm đau liên miên như thế trong khi chồng chỉ phụ được 10 ngày sau sinh. Người cứ lịm đi để con trong nôi lâu lâu cố gượng dậy cho con uống sữa thay bỉm còn đâu mặc con khóc dỗi. Chồng cũng bị stress vì vừa đi làm 10 tiếng căng thẳng nhưng đêm về vẫn phải thức thay vợ chăm con. Cứ thế hết 3 tháng khủng khiếp.

3. Dành rất nhiều thời gian chăm con, ít nhất hy sinh trọn vẹn 3 năm công việc của mình và 2-3 tháng/một năm dịp nghỉ của con.

Hầu hết các mẹ ở Đức muốn con cứng cáp phải hy sinh ít nhất 3 năm. Ở Đức rất khó để tìm 1 nhà trẻ hay người trông con bạn dưới 1.5 tuổi. Khi đứa trẻ bắt đầu đi trẻ sẽ mất ít nhất 1 năm để trẻ thích nghi nhất là vấn đề sức khỏe. Ở nhà trẻ, con sẽ nhận đủ mọi mầm bệnh nhằm hoàn thiện hệ thống đề kháng. Cho dù bạn trở lại công việc sau 1.5 năm thì vẫn không thể tập trung vào công việc vì con ốm liên tục buộc phải nghỉ.

Ví dụ mình nhớ khi 2 năm đầu đi trẻ, cứ 3 ngày đi thì 2 tuần con nghỉ ốm. Sau khi chăm con ốm thì mình cũng ốm theo, lại nghỉ. Nó thực sự là cơn ác mộng. Sức ép cạnh tranh công việc thì lớn, nghỉ nhiều không hoàn thành công việc, sếp chưa buồn kêu nghỉ mình cũng tự cảm thấy đuối không thể trườn mặt ngậm thinh ăn tiền. Mới tuần rồi chứng kiến tận mắt cô bạn Hàn một đêm thằng con đầu đi cấp cứu tới 3 giờ sáng mà cả nhà 4 người 2 vc 2 đứa con thức nguyên đêm. Sáng 6h chồng vẫn phải đi làm, còn cô bạn tôi dù ở nhà chuyên việc nội trợ chăm con thì vẫn lờ đờ mệt mỏi. Kết quả stress quá ngay lập tức ngày hôm sau lưng cứng đờ đau đớn không cúi nổi người, bác sĩ ra lệnh pháp y phải đi vật lý trị liệu 01 tháng.

4. Văn hóa đề cao tính độc lập và chủ nghĩa cá nhân,

Ở Đức sẽ thấy gần như đa phần các mẹ buộc phải nghỉ việc ở nhà trông con vì thiên chức và vì lương và vị trí thu nhập thấp hơn chồng. Nhưng liệu sẽ bao nhiêu người Đức chấp nhận sự hy sinh này khi mà văn hóa của họ là đề cao tính tự lập và cá nhân chủ nghĩa. Mẹ hy sinh công việc vì con thì chắc chắn 100 phần nghìn con sau này trưởng thành chả ai hy sinh chăm sóc bố mẹ già yếu. Đấy là chưa kể vì con, bố mẹ sẽ phải đầu tư thời gian và tiền bạc, đồng nghĩa họ sẽ phải hy sinh nhiều thứ vui chơi sở thích đam mê riêng. Điều này người Đức hoàn toàn không thích vì đây là cơ hội để họ có thể tìm được bạn, được giải tỏa và giảm thiểu nhưng nguy cơ dẫn đến các bệnh thần kinh gia tăng trầm trọng tại các nước phương tây.

Trong khi người Việt thì nhu cầu đơn giản hơn, các mẹ Việt thường tụ đông chơi theo gia đình để con cái vui chơi duy trì tiếng, còn bố mẹ gặp nhau để giải tỏa stress và hỗ trợ nhau. Nếu người Việt có câu trẻ cậy cha già cậy con và ngay trong hàng thừa kế thì bố mẹ và con cái luôn ở hàng thừa kế thứ 1, thì ở Đức hoàn toàn ngược lại. Con từ 3 tuổi đi trẻ bố mẹ đã không được áp đặt bất kể điều gì chỉ được khuyên bảo, kể cả ăn kể cả mặc kể cả chơi chứ không nói học hành công việc yêu đương. Bố mẹ ép con theo ý mình tức phạm vào quyền của con sẽ bị cho là ngược đãi từ nhẹ thì bị nhắc nhở tới nặng thì bị luật pháp tước quyền bảo hộ nuôi con. Tới đủ 18 thì đương nhiên có thể rời vòng tay bố mẹ tự lo cuộc sống. Đến khi lập gia đình có con cái mà chẳng may ra đi thì toàn bộ tài sản, bảo hiểm và hưu trí mặc nhiên trao lại cho vợ con, bố mẹ không được hưởng 1 xu vì thuộc hàng thừa kế thứ 2 sau vợ con người mất.

Sau tất cả cho dù nhà nước đã và đang cố gắng khuyến khích bằng nhiều khoản tiền tài trợ hấp dẫn thì nó chỉ thu hút người nhập cư từ nước khác trong khi người Đức ngày càng ngại sinh con.


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày