Quảng trường ở Frankfurt
Tôi và anh xuống sân bay Frankfurt vào lúc 7h sáng ngày mùng 2/7/2017, sau một chuyến bay dài mười mấy tiếng chuyển tiếp qua hai thủ đô: Bankok, Thái Lan và Doha, Quatar. Mỗi chặng nghỉ chúng tôi lại đổi sang một máy bay mới, điều mà đối với những người thường xuyên được bay qua lại giữa các châu lục, sẽ thấy phiền toái, nhưng đối với một đứa lần đầu được đặt chân sang một châu lục mới như tôi thì chẳng hề hấn gì, thậm chí còn thấy khoái chí. Suốt mười mấy tiếng chặng bay dài, tôi dành phần lớn thời gian cày kho phim đầy ắp của hãng bay trong một sự thư giãn trọn vẹn, dù cơ thể tương đối rã rời, tất nhiên.
Sân bay Frankfurt
Frankfurt chào đón hai đứa tôi bằng một cơn mưa nhỏ mùa hè mà vẫn se lạnh như thể những ngày Hà Nội chớm đông. Tôi nhận ra mình đã đang ở giữa một mùa hè ôn đới của Châu Âu rồi.
Suốt cả một chặng đường ngồi trên xe của anh họ Tùng từ sân bay, bon bon theo những xa lộ autobahn kinh điển của Đức, cho tới tận khi về nhà của anh chị sống ở trung tâm Frankfurt, thưởng thức một bữa ăn đậm đà phong cách Đức với xúc xích trắng, các loại cheese, beers và vang táo; đến tận lúc hai đứa đã thảnh thơi đi dạo tha thẩn quanh khu dân cư yên tĩnh, tôi vẫn chưa tin hẳn là mình đã đang ở Châu Âu, cách xa Hà Nội oi bức cả hàng ngàn dặm. Chỉ vừa mới tháng trước đó, tôi vẫn còn đang vật vã xin xỏ, chờ đợi visa mòn mỏi không biết có pass nổi hay không:D
Gia đình anh chị họ của Tùng định cư ở đây, nên chúng tôi may mắn được đến sống cùng trong một ngôi nhà vườn điển hình Châu Âu, có sân vườn, xích đu, bãi cỏ xanh mượt và những khóm hoa rực rỡ, được chăm sóc tỉ mỉ. Xung quanh là khu dân cư tuyệt đối yên tĩnh, toàn những gia đình người Đức sinh sống, cũng trong những căn nhà dáng dấp biệt thự, sơn màu sáng mịn, có những hàng rào trắng thấp bao quanh và những lối vào khu vườn nhỏ xung quanh nhà đầy những hoa cỏ đặc trưng vùng ôn đới.
Ngôi nhà vườn điển hình trong một khu dân cư Châu Âu
Đối với các khách du lịch phổ biến, việc đến một thành phố không mang tính du lịch như Frankfurt và đi loanh quanh những con phố sạch bóng, vắng tanh trong những khuôn viên dân cư như thế này, chắc chắn sẽ nhanh chóng có cảm giác nhàm chán và lãng phí. Họ sẽ thấy cần phải đến những điểm du lịch highlight, những nơi check-in bắt buộc, như một thói quen du lịch cưỡng ép và cấp bách trong một khoảng thời gian ngắn ngủn.
Nhưng tôi thì thích, rất thích, việc được tha thẩn và sống giữa một nơi chỉ toàn người địa phương như thế này, thấy mình được là một phần của nếp sống sinh hoạt thường nhật và bằng lặng: cũng ở trong những căn nhà của người địa phương, cũng tự chuẩn bị những bữa sáng café, bơ và bánh mì nướng, cũng đi những siêu thị, hàng quán, sở thú, công viên mà người địa phương tới hằng ngày… Chỉ riêng việc hít thở cái bầu không khí trong vắt, tràn ngập hương cỏ cây ôn đới hăng mát ấy, cũng đã khiến tôi thấy ngạc nhiên và đã đời. Có lẽ, đây là lần đầu, tôi được biết đến định nghĩa của một không gian sống thực sự trong lành,không một chút khói bụi và một bầu không khí tràn trề oxy tinh khiết. Tôi đã ước, ước ao thực sự chứ không phải chỉ là một cách miêu tả thái quá, giá mình có thể đong được một chút cái không khí và hương vị trong cái khu dân cư Frankfurt trong lành này để mang về làm quà kỉ niệm thì hay biết mấy. Tôi biết, cái không khí và linh khí ấy, không thể tìm thấy ở bất cứ một nơi nào khác ngoài Châu Âu.
Một công viên sở thú ở Frankfurt. Hầu như chỉ thấy người địa phương đưa gia đình tới đây chơi cuối tuần
Những ngày ở Franfurt của hai đứa tôi luôn bắt đầu bằng một bữa sáng hand-made với café hạt A pha bằng một ấm nhỏ chuyên biệt, không phải dùng phin như ở Việt mình, vài lát bánh mì nướng giòn từ chiếc máy nướng một phút, ăn với bơ mềm và cheese tươi dạng yogurt, một đĩa táo kèm ớt chuông bày biện hình hoa đủ màu cam, đỏ, trắng và hai ly sữa mát lạnh; một bản nhạc Jazz làm nền, tất nhiên rồi.
Một góc bữa sáng ở Frankfurt của tôi
Chúng tôi ngồi thưởng thức bữa sáng thơm tho như thế trong một gian phong ăn cũng thơm tho, tràn ngập ánh sáng, và hít thở từng ngụm gió se se rét ngọt của buổi sáng xanh mát, lùa qua màn nắng thủy tinh trong suốt đương phủ lên những tán thông lục thẫm và những khóm hoa vàng, đỏ, hồng xen kẽ ngoài vườn. Từ quá trưa cho đến tối (buổi tối mùa hè Châu Âu phải tám, chín giờ mới tắt nắng hẳn), nếu không đi dạo trong những khuôn viên vườn tược xinh xắn hoặc tha thẩn trong công viên rừng cây khổng lồ của Frankfurt, thì hai đứa tôi sẽ bắt bus và tàu điện ngầm vào giữa trung tâm để đi ăn uống loăng quăng và nhẩn nha nghe những nghệ sĩ đường phố chơi nhạc ở khắp nơi, trên hè phố, trong hội chợ hoặc trong một góc công viên thành phố.
Những ngày ở Frankfurt, tôi gom lượm được cho mình ba câu chuyện ấn tượng nhất làm kỉ niệm.
Câu chuyện thứ nhất là tuần hội chợ ẩm thực tổ chức một năm một lần ở Nhà hát thành phố Alte Oper mà hai đứa tôi lại may mắn đến đúng dịp. Hội chợ họp cả tuần từ sáng đến tối mịt với hàng trăm gian hàng đồ ăn uống đặc trưng của Đức và đủ các châu lục Âu, Á, Mỹ La Tinh. Tôi và anh đã có hẳn một food tour đã đời với các loại steak đúng điệu, doner keybab chuẩn Thổ Nhĩ Kì, xúc xích Đức, French Fries, các món thập cẩm Tây Ban Nha, bánh burito nhân gà và nước sốt đậm đà, cheese burger cắn ngập mồm…và các loại beers Đức uống bằng những cái ly khổng lồ… Một buổi tối bế mạc hội chợ, hai đứa tôi dù mệt lả vẫn cứ thỏa sức quăng mình vào bầu không khí nhảy múa sôi động với những bài hát tiếng Đức lạ tai được trình bày bởi những nghệ sĩ Đức cuồng nhiệt, hóa trang nhiều màu sắc và những điệu nhún nhảy lạ mắt, trong mùi beer tươi thơm ngậy và hương vang táo thanh thanh. Đêm ấy, chúng tôi còn vòng vèo lạc đường, đi tìm bến tàu điện mãi tới khuya mới về tới nhà.
Sân khấu âm nhạc hóa trang rực lửa ở hội chợ
Câu chuyện thứ hai là chuyến dạo chơi trên cây cầu bắc qua dòng sông Main, dòng sông đã mang tới cái tên Frankfurt Am Main cho thành phố và chuyến ghé thăm ngôi nhà tuổi thơ của đại văn hào người Đức Goethe. Ngôi nhà có ba tầng và giờ đã được thiết kế dùng làm viện bảo tàng Goethe. Trong ngôi nhà là rất nhiều căn phòng nhỏ được sơn màu sắc riêng và được đặt tên theo màu nó mang: The Red Room, The Blue Room, The Yellow Room, The Grey Room…tượng trưng cho từng thành viên trong gia đình Goethe hoặc cho mục đích sử dụng căn phòng đó. Trong tất cả các căn phòng, tôi thích nhất phòng bếp với nguyên vẹn cấu trúc gian bếp cổ Châu Âu và nhiều dụng cụ nồi niêu bằng đồng cũ kĩ được bày biện xinh xắn.
Phòng bếp trong nhà Goethe
Tôi dành nhiều thời gian ngắm nghía những bức tranh lớn treo trong phòng khách màu xanh blue dịu mát và những giá sách cũ cổ kính trong gian phòng đọc màu vàng nâu sầm sậm. Một căn phòng nhỏ bày một món đồ chơi cũ của Goethe hồi nhỏ, được làm bởi người bà của Goethe, món đồ chơi đã được coi là một trong những cảm hứng từ thời ấu thơ cho sự nghiệp văn chương vĩ đại của Goethe. Món đồ chơi đó là một cái sân khấu kịch nhỏ, có rèm đỏ và những con rối nho nhỏ làm các nhân vật cho những câu chuyện kể sống động tự sáng tạo bởi người bà và sau này là bởi chính Goethe. Món đồ chơi chỉ còn lưu lại được cái mô hình sân khấu. Những con rối nhỏ đã bị thất lạc và chỉ còn lại những bức họa mô tả chúng. Một đại văn hào đã được nhen nhóm từ một món đồ chơi nho nhỏ như thế.
The Goethe’s puppet theater – Rạp hát rối tí hot thời thơ bé của Goethe
Câu chuyện thứ ba là lần hai đứa tôi vô tình được mời vào khu vườn của một bác già người Đức trong lúc đang di dạo vòng vo trong khuôn viên khu dân cư tĩnh mịch. Bác kể cho chúng tôi đủ các chuyện cỏ cây và nguồn gốc từng cái cây trong khu vườn. Bác dẫn chúng tôi vào xem cái gara ôtô nhỏ trong vườn và chiếc xe Mercedez cổ đã làm bạn với gia đình hàng chục năm. Với người Việt mình, Mercedez là biếu tượng của nhà lầu xe sang, của sự “chảnh chó”; nhưng với người dân Đức ở đây, một chiếc xe Mercedez cũng chỉ bình thường, phổ biến như xe tay ga vậy:D
Bác người Đức mời bọn mình vào thăm vườn nhà
Bác cũng chỉ cho chúng tôi tới cái công viên lớn nhất của thành phố, nơi mà sau đó hai đứa đã phải vòng vèo tìm mãi mới ra. Chúng tôi tìm không ra không phải do bác chỉ đường khó nhớ, hay là đường đi rắc rối, mà là bởi vì chúng tôi đã dễ dàng lạc vào chính công viên đó mà lại không nhận ra. Hóa ra, cái công viên đó lại là một rừng cây khổng lồ ngay trong thành phố, không hề tồn tại những cổng chào hay hàng rào như những công viên thông thường mà tôi vẫn biết. Công viên thành phố Frankfurt, thuần túy là một khu rừng xanh bạt ngàn với những cây cổ thụ lớn và dòng sông, con suối chảy vắt qua. Người Đức qui hoạch khu rừng thành công viên theo cái cách dường như chẳng có qui hoạch gì, chỉ hoàn toàn để tự nhiên, chỉ thêm vào đó những con đường nhỏ vòng vèo làm lối chạy bộ, đạp xe xuyên rừng và những cây cầu xinh xinh bắc qua suối. Ở khúc sông có cây cầu gỗ bắc ngang, những ông bố bà mẹ Đức hay đưa con cái tới chơi, mang kèm theo nhiều táo và cà rốt để cho lũ chuột nước háu ăn, thậm chí là cả những bầy vịt đông đúc cũng tới xin ăn. Chúng chẳng sợ người tí nào, mà cứ thấy người là sán lại gần, chờ đợi các loại hoa quả tươi con người mua tới cho chúng.
Cho vịt và chuột nước ăn
Hai đứa tôi hết đứng ngắm mấy con chuột nước ướt lượt thượt, leo lên bờ nằm lười biếng, rồi lại đi bộ hàng giờ trên những con đường xuyên rừng cây hoặc chạy men theo dòng suối xanh mướt, thi thoảng lại rẽ vào những bãi cỏ rộng mênh mông nằm dài thảnh thơi hoặc ngồi thiền trên những cái ghế gỗ công viên. Những làn gió mát lạnh và trong vắt. Tuy có rất nhiều người dân trong thành phố tới đây để chạy bộ và đạp xe, nhưng mỗi người vẫn có thể thoái mái tận hưởng không gian riêng tĩnh mịch của chính mình vì khoảng không gian xanh rộng mênh mông.
Một con đường dài trong công viên khổng lồ. Trải rộng về phía tay trái là khu rừng và về phía tay phải là bãi cỏ mênh mông
Tôi nghĩ đến cái định nghĩa công viên ở Hà Nội, Sài Gòn hay những thành phố nhỏ tôi đã từng đi qua trong lúc nằm lăn lăn trên bãi cỏ rộng của công viên Frankfurt này. Chợt nhận ra, có những định nghĩa hết sức đơn giản và hiển nhiên, được mặc định trong đầu mỗi người có khi đến hết cả đời nếu người ta không một lần đi xa hơn… Cái công viên ở thành phố Frankfurt này thực sự có thế khiến người ta đi lạc…
© 2024 | Thời báo ĐỨC