Sinh viên ở Đức đối mặt với cuộc sống kham khổ

Trung bình cứ ba sinh viên ở Đức thì có một sinh viên sống dưới mức nghèo khổ. Các khoản trợ cấp của Nhà nước để trang trải chi phí thực phẩm, khí đốt và điện hiện là không đủ để chi trả cho nhu cầu thiết yếu.

1 Sinh Vien O Duc Doi Mat Voi Cuoc Song Kham Kho

Lạm phát và khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng đến giới trẻ

Đối với Melissa, việc tự nấu ăn giờ đây là một điều xa xỉ. Cô sinh viên tâm lý 23 tuổi ở Bonn cho hay: “Tôi có thể ăn trưa ở trường với giá chỉ 2-3 euro”. Melissa không phải là người sống đạm bạc. Trong những năm học, ngân sách mua sắm hàng tuần là 25 euro. Nhưng giá cả tăng cao khiến điều đó không còn khả thi. “Tôi sẽ phải chi khoảng 40 euro nếu muốn tự nấu ăn tại nhà”, cô cho biết.

Cô nhận được trợ cấp sinh viên liên bang (BAföG) lên tới 750 euro một tháng và cha mẹ của cô ấy chuyển khoản thêm cho cô 219 euro mỗi tháng. Nhưng trong số gần 1.000 euro đó, việc thuê căn phòng 15 mét vuông ở Bonn đã tiêu tốn 400 euro. “Thức ăn là thứ đầu tiên tôi tiết kiệm. Tôi chỉ có khoai tây, pho mát và bánh mì”, cô nói với DW.

Theo báo cáo tình trạng nghèo đói năm nay, gần một phần ba học sinh ở Đức sống dưới mức nghèo khổ. Ông Andreas Aust, một nhân viên xã hội từ Hiệp hội Phúc lợi Bình đẳng Đức, cho biết tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn với tỷ lệ lạm phát hiện tại và cuộc khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra.

Ông nói: “Các bậc cha mẹ giờ đây cũng sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc tài trợ cho con cái của họ. Các khoản trợ cấp của liên bang dành cho sinh viên không chỉ quá thấp, mà trên tất cả, nhiều sinh viên còn không nhận được những lợi ích này”.

Trên thực tế, chỉ 1/9 trong số gần 3 triệu sinh viên ở Đức nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước.

Mức trợ cấp tối đa vẫn dưới chuẩn nghèo

Chính phủ Đức hiện đã áp dụng mức hỗ trợ cơ bản tăng 5,75% cho sinh viên bắt đầu từ học kỳ mùa đông năm 2022/23, cũng như điều chỉnh giới hạn thu nhập cho phụ huynh. Từ tháng 10/2022, trợ cấp tối đa là 934 euro một tháng, với điều kiện sinh viên không sống cùng nhà với cha mẹ của họ.

Nhưng điều đó không giải quyết được vấn đề, ông Aust nói, bởi vì tỷ lệ lạm phát 10% hiện tại sẽ “nuốt chửng” mức tăng này. Bà Rahel Schüssler của Hiệp hội Sinh viên Tự do, đại diện cho gần một phần ba tổng số những người đang học tập tại Đức, cũng tin rằng mức tăng là chưa đủ. Bà nói: “Mức trợ cấp tối đa cho sinh viên vẫn dưới ngưỡng nghèo ở Đức”.

Ở Đức, một người được coi là có nguy cơ nghèo khổ nếu họ sống dưới 1.251 euro mỗi tháng. Do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, hiện nay không hiếm sinh viên phải làm đến hai công việc bán thời gian để trang trải cho việc học của mình.

Không có số liệu thống kê chính thức về số lượng sinh viên đã bỏ học trong hai năm gần đây, nhưng bà Schüssler đã nghe từ nhiều sinh viên rằng vấn đề tài chính đóng một vai trò quyết định. “Sinh viên cũng quyết định bỏ học vì giá cả tăng cao”, bà cho hay.

Các chuyên gia cũng coi khoản trợ cấp năng lượng cố định 200 euro, được Chính phủ liên bang chi trả một lần cho sinh viên, chỉ là một hành động mang ý nghĩa “tượng trưng”. Một nửa số sinh viên phải nhận được hỗ trợ tài chính từ cha mẹ, theo một nghiên cứu của Hiệp hội Quốc gia về Các vấn đề Sinh viên của Đức.

Đối với ông Aust, rõ ràng là giá thực phẩm và năng lượng tăng cũng sẽ có tác động đến các cơ hội giáo dục ở Đức trong trung hạn. Ông nói: “Những người thiếu tiền sẽ suy nghĩ gấp đôi, thậm chí gấp ba lần trước khi cho con đi học”.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang, số lượng sinh viên năm thứ nhất tiếp tục giảm vào năm 2021. Các trường đại học là nơi công cộng đầu tiên đóng cửa khi đại dịch bắt đầu vào mùa xuân năm 2020. Và là nơi cuối cùng mở cửa trở lại. Sau một thời gian ngắn trở lại giảng đường, sinh viên một lần nữa có thể bị buộc phải học ở nhà, nhưng lần này là do giá năng lượng tăng.

Theo Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, các trường đại học được coi là một phần của cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước và do đó được ưu tiên khi cung cấp năng lượng vào mùa đông. Tuy nhiên, một số trường đại học đã cân nhắc xem có nên rút ngắn giờ mở cửa hay kéo dài kỳ nghỉ Giáng sinh do chi phí năng lượng cao.

Ví dụ, Đại học Kỹ thuật Berlin đang lên kế hoạch “đóng cửa cuối năm” từ ngày 19/12 đến ngày 4/1, trong đó tất cả các lò sưởi sẽ bị tắt và cửa sẽ bị khoá. “Nếu trường đại học ngừng hoạt động, điều đó đơn giản là chuyển vấn đề từ nhà trường sang học sinh. Tiền điện vẫn phải trả ở đâu đó và cuối cùng, sinh viên sẽ phải trả nhiều hơn vì họ học ở nhà”, bà Rahel cho hay.

Theo DW


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày