Đối với khách du lịch Đức, nước Đức như một thế giới mới lạ đầy màu sắc, là những câu chuyện kể không dứt cho con cháu nghe khi về Việt Nam.
Còn với những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt – Đức bên đất nước châu Âu kia, Việt Nam lại là một nơi quá xa xôi, vì thế việc mang tiếng mẹ đẻ đến trẻ em Việt trên nước Đức cũng là một điều quan trọng.
Việc mang tiếng mẹ đẻ đến cho các trẻ em mang hai dòng máu tại các nước trên thế giới từ lâu đã được đề cập rất nhiều. Tuy nhiên giữa cuộc sống bận rộn, quay cuồng mưu sinh nơi đất khách, đôi khi cha mẹ người Việt không đủ thời gian và khả năng để đảm nhận việc này. Lâu dần, những đứa trẻ ra đời không còn được nghe, được học tiếng Việt nữa.
Tại nước Đức, số lượng người Việt đang sinh sống cũng rất nhiều. Đến những khu dân cư của nước Đức, nếu du khách Việt đi du lịch Đức thấy những khóm trúc, vài ngọn mía… vươn cao sau hàng rào thì đã có đến 90% đó là ngôi nhà có người Việt Nam sinh sống.
Tất nhiên việc mang tiếng Việt đến cho những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt – Đức trong những ngôi nhà ấy cũng là điều cần được quan tâm. Điều đáng mừng đó chính là sắp tới đây sẽ có những quyển sách song ngữ Việt – Đức ra đời, mang tiếng Việt đến gần hơn với trẻ em trên nước Đức.
Mang tiếng Việt đến trẻ em Việt ở Đức là điều quan trọng
Tọa đàm xuất bản sách
Trong tuần vừa qua, tại trụ sở tòa soạn Thoibao.de ở TTTM Đồng Xuân, Berlin đã diễn ra Tọa đàm về việc xuất bản sách song ngữ Đức – Việt cho trẻ em Việt Nam tại Đức. Công việc chịu trách nhiệm xuất bản sẽ do Thoibao.de và Nhà xuất bản sách thiếu nhi Đức – Việt “Horami” phối hợp tổ chức. Cùng đến tham gia tọa đàm còn có có đại diện ba trường, lớp dạy tiếng Việt “Sao Mai”, “Quê hương” và “Thăng Long”, đại diện một số hội đoàn người Việt tại CHLB Đức, cộng sự của NXB.
Trong buổi tọa đàm, chị Hạnh Nguyễn Schwanke – người sáng lập NXB Horami đã giới thiệu Dự án xuất bản sách song ngữ Đức – Việt. Mục tiêu của việc xuất bản sách song ngữ Đức – Việt cho trẻ em Việt Nam là nhằm khơi dậy sự yêu thích tiếng Việt từ nhỏ, qua đó duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt ở các em. Bên cạnh đó nước Đức có một nền văn hóa đọc rất phát triển, ngày 23/11 hàng năm là Ngày đọc sách cho nhau nghe ở Đức nên NXB “Horami” cũng muốn cổ vũ cho văn hóa đọc sách cho trẻ em Việt Nam.
Tọa đàm xuất bản sách song ngữ cho trẻ em tại Đức
Ý tưởng xuất bản sách song ngữ ra đời khi chị Hạnh sinh con, mong muốn được truyền đạt cho con kiến thức và tình cảm, mong con lớn lên trong một môi trường có hai nền văn hóa Đức và Việt. Cho đến nay NXB “Horami” đã xuất bản được 02 cuốn sách tranh song ngữ Đức – Việt cho các cháu bé 2 – 3 tuổi là “Đố ai đếm được…?” và “Đố ai biết con gì?”.
Dự kiến, trong thời gian tới, NXB sẽ cho ra đời một cuốn sách dưới dạng như từ điển tranh dày 48 trang, có 22 mục đề cập tới những chủ đề đời thường trong cuộc sống ở Việt Nam và Đức để so sánh như chợ Việt Nam và siêu thị ở Đức, ăn sáng ở Việt Nam và ăn sáng ở Đức, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán ở Việt Nam và lễ Noel ở Đức… Trong suốt buổi tọa đàm, mọi người đều rất hào hứng với dự án mới này và tích cực trao đổi, góp ý.
Dự án Truyện Kiều song ngữ Đức – Việt
Cũng trong những ngày vừa qua, tại Viethaus (Ngôi nhà Việt) ở trung tâm Berlin, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức đã tổ chức giới thiệu Dự án Truyện Kiều song ngữ Đức – Việt. Đây là một dự án nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Đức và nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du.
Sắp xuất bản Truyện Kiều sang tiếng Đức lần 4
Trước đó vào cuối năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Franz Faber đã có dịp gặp gỡ và nhà báo Franz Faber đã được trao tặng món quà đó là 2 quyển Truyện Kiều được dịch sang tiếng Pháp. Khi về nước, Franz Faber đã hào hứng kể lại câu chuyện và đưa hai cuốn sách cho vợ mình là Irene Faber xem. Hai người bàn nhau và quyết định tìm cách dịch cuốn truyện này ra tiếng Đức. Vợ ông không muốn dịch một tác phẩm lớn như “Truyện Kiều” qua một ngôn ngữ thứ ba như tiếng Pháp, vì sợ rằng mất đi bản sắc nên bà đã quyết định bỏ tiền ra học tiếng Việt. Trải qua 7 năm ròng rã với nhiều khó khăn, họ đã dịch được toàn bộ quyển sách.
Năm 1964, bản dịch “Truyện Kiều” đầu tiên bằng tiếng Đức được ra mắt độc giả và đến năm 1965, quyển sách này đã đến với Việt Nam tại Hà Nội. Từ đó tới nay, “Truyện Kiều” bằng tiếng Đức đã được tái bản 3 lần năm 1976, 1980 và 2000. Và trong lần này, quyển Truyện Kiều sẽ được tái bản dưới dạng sách song ngữ Đức – Việt với bìa sách là tranh của họa sĩ Claudia Việt Đức Borchers. Ý tưởng của bìa sách sẽ là mối tình Thúy Kiều – Kim Trọng, những xiềng xích vùi dập cuộc đời chìm nổi như con thuyền của Thúy Kiều và thanh gươm biểu tượng cho sự bạo hành của giới đàn ông.
Theo vietbao.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC