Khi Anh ghi nhận mức nhiệt cao nhất mọi thời đại hồi tháng 7 năm ngoái, một số người dân nước này vẫn sử dụng những cách giải nhiệt "cổ điển" như quạt giấy, khăn ướt và sử dụng nhiều đá lạnh.
Số còn lại cho rằng đã đến lúc nước Anh cần thay đổi. Giữa nắng nóng kỷ lục, họ sẵn sàng lắp điều hòa, thứ mà nhiều người châu Âu từ lâu coi là xa xỉ phẩm, không thiết yếu và đe đọa tới môi trường ở xứ ôn đới.
Công ty bán lẻ Sainsbury ở Anh hồi tháng 7/2022 ghi nhận doanh số bán điều hòa tăng 2.420% trong một tuần nắng nóng. Nhu cầu điều hòa cũng tăng mạnh ở London, đến mức danh sách chờ của các đơn vị lắp đặt kéo dài đến mùa thu.
Một phụ nữ sử dụng quạt giấy khi di chuyển bằng tàu điện ngầm ở London trong ngày nắng nóng 17/7/2022. Ảnh: Reuters
Điều hòa phổ biến tại các văn phòng châu Âu, nhưng lại cực kỳ hiếm thấy ở nhà dân. Trong khi đó, 90% nhà dân ở Mỹ lắp các loại điều hòa khác nhau, theo dữ liệu điều tra dân số Mỹ. Giới chuyên gia, lãnh đạo châu Âu nhiều thập kỷ qua đã coi sự phụ thuộc vào điều hòa của Mỹ như "một ví dụ về thói tiêu xài hoang phí".
"Nghiện điều hòa là căn bệnh phổ biến nhất và ít được chú ý nhất ở nước Mỹ hiện đại", nhà kinh tế học Gwyn Prins ở Đại học Cambridge, Anh, từng cảnh báo trong một nghiên cứu năm 1992.
Theo khảo sát của tập đoàn điều hòa Inaba Denko, Nhật Bản, chỉ 3% hộ gia đình Đức có điều hòa, còn tỷ lệ ở Pháp và Đức là dưới 5%. Một lý do khác khiến mức độ sử dụng điều hòa ở châu Âu thấp là do khu vực này trong hàng chục năm qua hiếm khi trải qua những đợt nắng nóng khốc liệt và kéo dài như một số vùng của Mỹ.
Ngay cả trong những ngày nhiệt độ nhất, khí hậu ở Rome cũng không nóng ẩm như Seoul, Tokyo hay Washington. Ở Anh, nơi ngày mưa nhiều hơn ngày nắng, các ngôi nhà thường được xây để giữ ấm hơn là làm mát.
Một phụ nữ trùm áo che đầu dưới nắng nóng ở cầu Millennium, London, Anh hôm 18/7/2022. Ảnh: Reuters
Nhưng trong hai thập kỷ qua, châu Âu trải qua những mùa hè ngày càng nóng, khi tình trạng biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn. Những đợt nắng nóng dữ dội hơn, kéo dài và xuất hiện thường xuyên hơn khiến người dân, giới chức châu Âu trở nên cởi mở hơn với điều hòa, đặc biệt là khu vực phía nam.
Năm 2018, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ghi nhận số gia đình lắp điều hòa tăng vọt ở Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp cũng như khu vực miền nam nước Pháp. IEA khi đó dự đoán lượng điều hòa ở châu Âu tăng hơn gấp đôi, từ 110 triệu máy năm 2019 lên 275 triệu máy năm 2020.
Người châu Âu cũng dần chấp nhận thực tế rằng từ một sản phẩm bị coi là xa xỉ, điều hòa giờ đây có thể "cứu mạng người". Năm 2003, đợt nắng nóng quét qua nước Pháp đã khiến khoảng 15.000 người thiệt mạng, chủ yếu là người cao tuổi. Điều hòa sau đó được lắp đặt tại nhiều viện dưỡng lão để bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương nhất.
"Mọi người bắt đầu nghĩ mùa hè sẽ nóng thường xuyên hơn, nên đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp lâu dài cho tương lai", Mark Salmon, quản lý bán lẻ của Sainsbury, Anh, cho biết trong đợt cao điểm nắng nóng hồi năm ngoái, thêm rằng công ty đã nhận khoảng 300 cuộc gọi yêu cầu tư vấn mỗi ngày, so với 20 cuộc/ngày trong "mùa hè bình thường".
Ông Salmon cho hay điều hòa khó lắp đặt ở các căn hộ thiên về giữ ấm ở Anh, nhưng không phải là bất khả thi. Các căn nhà ở Anh vẫn có thể lắp điều hòa tổng "với độ ồn tối thiểu". Tuy nhiên, nếu căn hộ nằm trong khu vực "cần bảo tồn" hoặc nhà chung cư, chủ nhà sẽ phải xin rất nhiều loại giấy phép để có thể lắp điều hòa.
Trước khi lắp điều hòa ở những căn hộ kiểu này, chủ nhà phải xin giấy phép quy hoạch từ chính quyền địa phương. Giới chức sẽ phê duyệt tùy vào vị trí căn hộ và kích thước của điều hòa, cũng như xem xét về nguy cơ gây ô nhiễm tiếng ồn ở khu vực đông dân cư.
Sau khi lắp đặt, điều hòa cũng thường xuyên được giới chức kiểm tra về mức độ tiết kiệm năng lượng, khả năng vận hành và khuyến cáo của nhà chức trách. Nếu chủ nhà không xuất trình được biên bản kiểm tra khi có yêu cầu, họ có thể đối mặt mức phạt 300 bảng (375 USD).
Tuy nhiên, việc người dân châu Âu lắp ngày càng nhiều điều hòa cũng đặt ra những câu hỏi về tính bền vững.
Điều hòa được lắp tại một số căn hộ ở Madrid, Tây Ban Nha năm 2022. Ảnh: Reuters
IEA đã cảnh báo về "cuộc khủng hoảng giải nhiệt" tiềm ẩn khi nhu cầu điều hòa vượt khả năng đáp ứng của lưới điện và các nguồn cung năng lượng khác. Trong đợt nắng nóng ở châu Âu năm ngoái, giới chức các nước đã yêu cầu người dân sử dụng ít năng lượng hơn do lo ngại về nguồn cung khí đốt từ Nga.
Điều hòa có thể tạo áp lực lên lưới điện bởi chúng có xu hướng được bật đồng loạt vào cùng một thời điểm, như lúc nóng nhất trong ngày. 10% lượng điện tiêu thụ toàn cầu đến từ các thiết bị làm mát như điều hòa, phần lớn điện năng này đến từ nhiên liệu hóa thạch.
"Điều hòa mang tiếng xấu vì lý do này", Kevin Lane, chuyên gia phân tích năng lượng ở IEA, cho biết.
Có những lựa chọn mới hiệu quả và tiết kiệm năng lượng thay thế điều hòa, như máy bơm nhiệt. Ở các khu vực khí hậu mát mẻ, sóng nhiệt ngắn, những biện pháp như dùng mái nhà phản chiếu ánh nắng, cải thiện hệ thống thông gió có thể giảm nhu cầu dùng điều hòa.
Tuy nhiên, điều hòa được dự báo vẫn là một phần trong tương lai ở châu Âu. Cox, cư dân Pháp, cho rằng không thể đổ lỗi cho người châu Âu vì đổ xô mua sắm điều hòa khi nắng nóng. "Nhiều người nói đợt nắng nóng khủng khiếp năm 2003 chỉ xảy ra một lần trong vài thế kỷ. Nhưng 19 năm sau, nó đã quay lại", cô nói.
Đức Trung (Theo Washington Post, Technology Review)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC