Không hiểu sao, tỉ lệ phụ nữ Việt Nam độc thân nuôi con ở Đức khá cao.
Có lẽ sau khi hạnh phúc gia đình tan vỡ, người đàn ông có nhiều cơ hội hơn để kiếm „tập 2“, thậm chí „tập 3“, nên bất hạnh lại thường rơi vào phụ nữ.
Ảnh mang tính minh họa.
Không có công trình nghiên cứu nào về tỉ lệ đó trên toàn CHLB Đức, nhưng theo con số thống kê ở quận Marzahn, Berlin, một trong những quận có đông người Việt Nam sinh sống thì trong tổng số trên 3.000 người Việt và gốc Việt sinh sống ở quận này thì đã có tới gần 700 phụ nữ độc thân nuôi con.
Trong số những phụ nữ Việt Nam độc thân nuôi con, cũng có nhiều người có bản lĩnh, tự lập làm ăn đủ sống, thậm chí khá giả, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm thơ, ca hát, làm chủ được cuộc sống của mình. Nhưng cũng có nhiều người thu nhập không đủ sống phải dựa vào trợ cấp của nhà nước. Trong số gần 700 phụ nữ Việt Nam độc thân nuôi con ở Marzahn thì có tới 400 người phải nhận Hartz IV. Có nghĩa là khoảng 2/3 phụ nữ Việt Nam độc thân phải sống trong nghèo khổ.
Không chỉ người Việt, mà tính chung ở riêng Berlin đã có trên 100.000 người độc thân nuôi con, chiếm tới 31,9 % số hộ gia đình, trong đó có tới 90% là phụ nữ độc thân nuôi con, trong khi tính bình quân trên toàn nước Đức chỉ có khoảng 20% người độc thân nuôi con.
Nếu so sánh, tỉ lệ phụ nữ Việt Nam độc thân nuôi con ở Đức có lẽ hiện thời cao hơn tỉ lệ phụ nữ Đức độc thân nuôi con. Trong tổng số 8,1 triệu gia đình người Đức hiện nay, có tới 1,6 triệu gia đình là các bà mẹ độc thân nuôi con. Họ phải sống trong những điều kiện khó khăn, bởi vì họ thiếu nhiều thứ: Thiếu tiền, thiếu thời gian, thiếu diện tích ở, vì chẳng ai độc thân nuôi con lại có nhiều tiền để thuê căn hộ lớn. Trong khi đó họ phải làm đủ thứ, từ đi làm kiếm tiền, giặt giũ, rửa bát, chữa xe đạp cho con, tổ chức sinh nhật cho con…
Vì vậy, các bà mẹ độc thân nuôi con tuổi từ 40 tới 49 tuổi thường phải làm việc tới 60 giờ một tuần, trong khi nguy cơ nghèo túng lên tới 40%.
Ngoài những khó khăn, vất vả kể trên, phụ nữ Việt độc thân nuôi con do hai vợ chồng li dị còn gặp nhiều phức tạp trong việc nuôi dạy con cái. Nhiều ông chồng cũ hay tỏ ra hào phóng, chiều con để kéo con về „phe“ mình, đó là chưa kể những người xấu tính còn kiếm cơ hội để nói xấu vợ cũ với con.
Tôi biết có trường hợp người mẹ chưa muốn cho con đi học lái xe để tập trung làm Abitur, nên không cho tiền và dặn chồng cũ không nên cho con tiền để đi học lái xe.
Khi con chạy về xin bố, bố lại nói là bố sẵn sàng cho con tiền để học, nhưng mẹ con dặn không cho. Thế là nảy sinh mâu thuẫn mẹ con. Con giận mẹ làm mẹ rất khổ tâm.
Đó là chưa kể tới một số cô gái trẻ sang Đức, tìm mọi cách để có một đứa con, không cần có chồng vì những toan tính riêng. Có một bến tàu ở Berlin mà khi đi ngang qua, người ta chỉ thấy các bà mẹ Việt trẻ đẩy xe chở con đi, không thấy bóng dáng đàn ông nên người Việt thường nói đùa với nhau là „Bến không chồng“.
Nhằm hỗ trợ phần nào cho những người độc thân nuôi con, theo đề nghị của Bộ trưởng Thanh thiếu niên bang Berlin Sandra Scheeres, ngày 03/5/2016, Chính quyền bang Berlin đã quyết định đưa ra một sáng kiến để trình lên Hội đồng liên bang, trong đó có hai yêu cầu cơ bản đối với Chính phủ liên bang:
- Mỗi tháng hỗ trợ 50 Euro cho tất cả những người độc thân nuôi con có thu nhập dưới 28.000 Euro một năm.
- Nếu người cha (hoặc mẹ) không trả tiền nuôi con, nhà nước sẽ hỗ trợ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc hỗ trợ tài chính như vậy là quá ít, vì 50,00 Euro có lẽ chỉ đủ cho một lần đi chợ, nếu người ta muốn mua thức ăn ngon, lành mạnh. Trong khi đó, có tới 65,5% những người độc thân nuôi con là thất nghiệp.
Giai đoạn độc thân trong phần lớn các trường hợp kéo dài tới 5 năm, đối với khoảng 25% thì thời gian kéo dài trên 13 năm.
Theo Vũ Văn - VOV.VN
© 2024 | Thời báo ĐỨC