"Ở Đức không có chuyện mỗi năm tăng giá điện, nước một lần để bù lỗ"

 “Ở Đức không có chuyện mỗi năm tăng giá điện, giá nước một lần để bù lỗ, bắt người dân phải chịu. Không kinh doanh có lãi thì tự động đóng cửa để doanh nghiệp khác làm”.

 

 

Tại sao có doanh nghiệp Việt mang hồ sơ đi gõ cửa hết ngân hàng này đến ngân hàng khác mà không được cho vay, trong khi có doanh nghiệp chẳng có nhu cầu cũng có nơi đề xuất cho vay?”, bà Gunda Roestel, Ủy viên hội đồng quản trị tập đoàn Gelsenwasser củaĐức, đặt câu hỏi trong tọa đàm “Những điều cần biết khi tiếp cận vốnvay ODAvàtín dụng ngân hàng”.

Ở Đức không có chuyện mỗi năm tăng giá điện, nước một lần để bù lỗ - 0

Gunda Roestel, Ủy viên hội đồng quản trị tập đoàn Gelsenwasser củaĐức

Cuộc tọa đàm do Hiệp hội doanh nghiệpđầu tư nước ngoài(VAFIE) phối hợp với Văn phòng dự án DEVIWAS của Hiệp hội hợp tác ngành nước Đức tổ chức.

Với kinh nghiệm từ vị trí lãnh đạo tập đoàn lớn nhất của Đức trong ngành nước, đồng thời là một chính trị gia trong chính quyền Berlin, bà Roestel khẳng định hiệu quả và năng lực tận dụng nguồn vốn của tập đoàn chính là chìa khóa.

Xử lý 99% nước thải thành phố

Công ty thoát nước Dresden do bà Roestel điều hành là công ty duy nhất ở thành phố Dresden có hệ thống chiếu sáng kênh dài tới 1.800km.Nhà máy xử lý nước thảicho 740.000 hộ dân đấu nối trực tiếp vào đường ống, chiếm 99% hộ dân thành phố. Nước đã qua xử lý của nhà máy có thể uống ngay tại vòi ra.

Riêng doanh thu một năm từ xử lý nước thải của công ty là 75 triệu euro/năm, tổng tài sản là 614 triệu euro. Mức doanh thu lớn như vậy nhưng công ty chỉ có 409 cán bộ nhân viên.

Ở Đức không có chuyện mỗi năm tăng giá điện, nước một lần để bù lỗ - 1

Công ty thoát nước Dresden.

Đường ống lớn nhất của công ty có đường kính lên tới 2 mét, đủ để một chiếc xe buýt đi vào. Để vận hành một hệ thống quy mô ngoại cỡ như vậy, lượng điện tiêu thụ của công ty bằng tổng tiêu thụ của toàn bộ công trình chiếu sáng công cộng trong toàn thành phố, kéo theo chi phí điện năng ở mức khổng lồ.

"Giải pháp của chúng tôi là năng lượng tái chế. Công ty thu gom hầu như toàn bộ dầu mỡ của thành phố, ủ thành bùn thải, từ đó sản xuất ra gas sinh học, đáp ứng được 75% nhu cầu điện năng của công ty, còn lại chúng tôi chi khoảng 25 triệu euro tiền điện mỗi năm“, bà Roestel cho hay.

Phiên bản “sông Tô Lịch” của Đức

Nhiều người cho rằng người Đức sinh ra “sướng từ trong trứng” với “chiếc thìa vàng trong miệng”, họ không biết đến thế nào làô nhiễm, nhưng thực tế không phải vậy, bà tiết lộ.

Ví dụ điển hình là dòng sông Elbe biểu tượng thường xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích của Đức.

Ở Đức không có chuyện mỗi năm tăng giá điện, nước một lần để bù lỗ - 2

Sông Elbe 20 năm trước.

“20 năm về trước, nó được xem là một dòng sông chết vì độ ô nhiễm. Có thể coi đây là phiên bản 'sông Tô Lịch' của Đức”, bà cho biết.

Một phần nguyên nhân là do ý thức của người dân.

Những năm 1989, phí xử lý nước thải chỉ tính vào 10% giá nước, gần như là cho không. Người dân Đức mặc định nước là điều mà chính phủ phải lo với giá rẻ, nên sử dụng một cách vô cùng phung phí, trung bình mỗi người dùng tới hơn 260 lít nước mỗi ngày.

Đầu những năm 90, khi Đức thống nhất, chính phủ bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, trong đó có chính sách “thu bù chi” đối với giá nước. Theo đó, các doanh nghiệp có quyền tăng chi phí bán nước sạch để trang trải chi phí xử lý và cung ứng nước.

Chính quyền các địa phương mất 4 năm trời để đi đàm phán với người dân trong việc tăng chi phí xử lý nước thải tính vào giá nước. Tăng thu phí sẽ thay đổi cách suy nghĩ của người dân, khiến họ sử dụng nước hợp lý hơn, môi trường đỡ ảnh hưởng hơn. Ngoài ra chính phủ cũng có thêm một nguồn tài chính để đầu tư.

Sự “xuẩn ngốc” của người Đức

Dưới đây là bảng so sánh chi phí xử lý nước thải của các thành phố lớn ở Đức.

Màu xanh là chi phí xử lý nước thải, và màu đỏ là chi phí xử lý nước mưa. Người dân thành phố Dresden chỉ chi trả 1,81EUR cho mỗi mét khối nước thải được xử lý, thuộc mức trung bình thấp.

Ở Đức không có chuyện mỗi năm tăng giá điện, nước một lần để bù lỗ - 3

Nhưng ngược lại, chi phí xử lý nước mưa tại thành phố lại cao gần nhất Đức tại 1,69EUR/m3.

“Đây là một sự xuẩn ngốc của Đức mà Việt Nam cần tránh. Đức đã phải trả giá cho điều này gần 100 năm nay”, bà cho biết.

Nguyên nhân là do tỷ lệ bê tông hóa tại thành phố Dresden quá cao. Nước mưa chảy xuống mái hiên, bê tông, ngấm các chất độc hại sau đó mới chảy vào hệ thống cống rãnh, hồ. Đây là lượng nước phải xử lý qua nhà máy. Nước mưa thấm qua lớp đất tự nhiên sẽ không mất chi phí xử lý.

“Thành phố Dresden và thành phố Hà Nội có một điểm chung, đó là tỷ lệ bê tông hóa cao. Đây là ‘tội’ của các nhà kiến trúc đô thị, không chỉ làm gia tăng chi phí xử lý nước thải, nó còn gây ra tình trạng úng ngập vì nước đổ ào ạt vào cống khi mưa và không thoát kịp”, bà nói.

Đây cũng là bài học cho các nhà kiến trúc sau này, họ cần tìm cách “lật bê tông” trong các kiến trúc, để hở ra đất tự nhiên để nước thấm. Không chỉ khiến không gian xanh hơn, nó còn giảm chi phí nước sạch của chính người dân, bà nói.

“Từ giờ tới năm 2020, chính phủ Việt Nam cần khoảng 20 tỷ USD để xử lý nước sạch. Trong những năm tới chính phủ sẽ đầu tư khoảng 40 nhà máy xử lý nước thải, vậy các bạn sẽ lấy đâu ra tiền? Liệu Việt Nam có thể áp dụng chính sách ‘thu bù chi’ như Đức hay không, đó đều là các câu hỏi hóc búa cần câu trả lời”, nữ doanh nhân chỉ ra.

Làm ăn không lãi thì tự đóng cửa

Khi công ty các bạn sử dụng nguồn vốn hiệu quả, các ngân hàng sẽ tự tìm đến các bạn thay vì các bạn phải chạy theo vay tiền họ”, bà nói.

Trong bản mô tả phân phối chi phí của công ty Dresden, chỉ 25% chi phí dành cho nhân sự, khấu hao chỉ chiếm 29%, còn lại là để đầu tư. Tỷ lệ ứng dụng vốn cao của Dresden khiến các ngân hàng cho vay tự tin về mức độ hiệu quả của nguồn vốn đầu tư.

Ở Đức không có chuyện mỗi năm tăng giá điện, nước một lần để bù lỗ - 4

“Ở Đức không có chuyện mỗi năm tăng giá điện, giá nước một lần để bù lỗ, bắt người tiêu dùng phải chịu. Không kinh doanh có lãi thì tự động đóng cửa để doanh nghiệp khác làm”, bà Roestel kết luận.

“Hãy suy nghĩ về một vấn đề đơn giản. Người dân không trông chờ vào chính phủ mà tự chi trả cước điện thoại di động, vậy tại sao họ lại trông chờ chính phủ trả tiền nước?

Về phần chúng tôi, chúng tôi có câu trả lời sống động nhất, đó là dòng sông Elbe 20 năm sau khi nhà máy Dresden đi vào hoạt động. Nó đã được trả lại vẻ đẹp nguyên thủy, trẻ em chơi đùa, cá tôm bơi lội”, bà khẳng định.

Ở Đức không có chuyện mỗi năm tăng giá điện, nước một lần để bù lỗ - 5

Dòng sông Elbe 20 năm sau khi nhà máy Dresden đi vào hoạt động.

 

Theo Lê Phương - BizLIVE


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày