Vì trình độ ngoại ngữ có hạn mà giữa người Việt và người Đức bản xứ bất đồng chính kiến, không hiểu được nhau, hoặc có khi còn bị khinh khi, khi gặp những nhân vật không có thiện cảm với người nước ngoài…
Mỗi người Việt ở nước ngoài có một hoàn cảnh sống khác nhau, một nỗi niềm riêng, nhưng nỗi niềm xa xứ là điều ray rứt nhất trong mỗi tâm hồn từng con người.
Vì cuộc sống buộc con người ta phải xa xứ.
Nhưng ai trong mỗi chúng ta cũng đều hiểu được nơi mình đến, nơi mình ở không phải là cội nguồn và nơi đó cũng chẳng phải là bồng lai tiên cảnh hoặc là thiên đường.
Từ những nỗi niềm trên mỗi một con người không nhiều thì ít cũng mang trong mình mơ ước có một ngày trở về quê hương xứ sở của mình… Nhưng mơ ước này không phải là ai cũng thực hiện được. Mỗi một con người khi bước chân ra đi đều muốn tìm cho mình một kết quả trong tương lai và cho cả mai sau.
Kết quả đó không dễ gì đạt được một cách suôn sẻ hay nói một cách khác là rất ít người đạt được điều đó.
Để đạt được kết quả trong ước vọng của mình, tất cả những người Việt ở nước ngoài đều phải lao động cật lực để kiếm cho mình một khoản thu nhập nhằm trang trải cuộc sống và dành dụm chắt bóp cho tương lai.
Ở Đức, nhiều người Việt đều phải lao động rất vất vả để kiếm cho mình miếng cơm manh áo.
Số đông người Việt trước là công nhân lao động thời Đông Đức và số mới sau này nhập cư bằng nhiều con đường vào Đức cũng đều không tránh khỏi 2 điều: một là tự kinh doanh và hai là làm thuê.
Người Việt có rất ít cơ may để vào làm những cơ quan nhà nước hay xí nghiệp có đồng lương cao và ổn định. Bởi vì họ không được đào tạo cơ bản, không có nghề nghiệp vững chắc, tuổi đời tương đối cao, trình độ ngoại ngữ có hạn.
Chính vì trình độ ngoại ngữ có hạn mà không ít người gặp phải nhiều trường hợp khó khăn.
Chẳng hạn khi ra công sở họ cần phải có một người đi kèm, tất cả những giấy tờ liên quan đến bản thân cũng phải nhờ hoặc thuê người dịch, quyết toán thuế má cũng thế… Ngoài ra trong đời sống thường nhật khi quan hệ với người Đức, vì trình độ ngoại ngữ có hạn mà bất đồng chính kiến, không hiểu được nhau, hoặc có khi còn bị khinh khi, khi gặp những nhân vật không có thiện cảm với người nước ngoài…
Đến việc dạy con cái cũng khó, vì con cái sinh ra ở đây, đi nhà trẻ Đức, học trường Đức, tiếng Đức xem như là tiếng mẹ đẻ của các cháu chứ không phải là tiếng Việt. Nếu con đã nói tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ mà bố mẹ không hiểu được thì giữa cha mẹ và con cái sẽ có một khoảng ngăn cách rất lớn.
Nhất là khi những đứa trẻ đã lớn và bất đầu có nhận thức, chúng nhận thức bắt đầu từ văn hóa Đức, chúng so sánh giữa bố mẹ chúng và những bậc cha mẹ người Đức.
Điều chúng thấy là tại sao lại có sự khác biệt lớn đến thế.
Các cháu lúc đó không thể hiểu được là tại sao lại có sự khác biệt đó. Dần dần các cháu càng lớn càng thâm nhập sâu vào văn hóa Đức ở trường học, ở bạn bè trong khi bố mẹ, gia đình không có nhiều thời gian dành cho con cái, dạy dỗ con cái thì khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng ngày càng xa.
Khi các cháu bắt đầu là người trưởng thành, các cháu hiểu được thì ra mình là người da vàng tóc đen, khi ấy các cháu muốn khẳng định mình về nguồn gốc bằng văn hóa và ngôn ngữ tiếng Việt thì đã hơi muộn.
Lúc ấy trường đại học, trường học nghề, công việc làm sẽ chi phối các cháu… Nếu những bậc cha mẹ muốn dạy con cái tiếng Việt thì bố mẹ dùng cái gì để giải thích cho con cái khi chúng không hiểu nghĩa của từ. Còn giải thích bằng tiếng Việt thì chúng lại không thể hiểu được.
Hoặc các cháu hiểu rất chậm, thậm chí có cháu còn hoài nghi về thứ ngôn ngữ mà bố mẹ dạy. Không biết tại sao thứ ngôn ngữ ấy rất khó phát âm và không thể nói suôn sẻ được.
Người xưa nói “Dạy con từ thuở còn thơ”.
Nhưng khốn nỗi bố mẹ biết vậy mà không làm được, có chăng thì rất ít người làm được điều đó. Bao nhiêu điều lo toan của cuộc sống đang chờ họ ở ngày mai. Hàng loạt những giấy tờ hóa đơn đang chờ họ thanh toán. Hàng hóa bán không được, tiền nhà, tiền điện nước lại đang tăng…
Thành ra rất nhiều trẻ nói được tiếng Việt mà không hiểu nghĩa của nó là gì, có chăng chúng chỉ nói theo bản năng. Có nhiều đứa không muốn dùng tiếng Việt vì thấy tiếng Việt nói không thuận miệng, nói tiếng Đức dễ hơn.
Chung quy vấn đề này không phải chỉ tại môi trường sống, không chỉ bởi các cháu, mà có lỗi lớn của cha mẹ khi cha mẹ không có nhiều thời gian dành cho con cái.
Có những gia đình chỉ ngày cuối tuần mới thấy mặt con cái, rồi có khi cũng không nốt vì cuối tuần còn nhiều lễ lạt của bạn bè mà phải đi tham dự… Cha mẹ không có nhiều thời gian dành cho con cái đã đành, thời gian dành cho mình cũng không có nốt.
Sức khỏe đối với cuộc sống là điều rất quan trọng vậy mà không ai để tâm đến vấn đề này, chỉ khi ốm ngã xuống thì mới biết là mình bệnh nặng, như thế nhiều bệnh đã trễ mất rồi. Nguyên nhân của vấn đề này là do không có thời gian, do lao động quần quật quá, do ngại đi khám bệnh vì trình độ ngoại ngữ, lo phải điều trị không đi kiếm tiền được, mặc dù bảo hiểm y tế vẫn phải đóng mà không phải là rẻ.
Câu phòng bệnh hơn chữa bệnh tạm thời bị lãng quên một cách có ý thức.
Cuộc sống vốn có hàng trăm hàng nghìn vấn đề tưởng chừng như chúng ta có thể giải quyết ổn thỏa hết, nhưng không đâu, trăm việc nhỏ biến thành việc lớn. Vài việc lớn biến thành vấn đề nan giải.
Hiện thời cuộc sống của người Việt trên đất Đức đã tạm ổn định.
Tuy kinh tế nhìn toàn cục vẫn còn khó khăn, song có nhiều người đã bắt đầu có ý thức suy nghĩ và dành dụm chút thời gian ít ỏi của mình cho con cái.
Theo: Tiền Phong
© 2024 | Thời báo ĐỨC