Để hạn chế hiện tượng tắc đường khi có nhiều phương tiện cùng tham gia giao thông và hiện tượng chen chúc, ứ đọng người ở các bến tàu, sân bay… thời gian nghỉ hè ở các tiểu bang Đức không đồng loạt như ở Việt Nam.
Thời gian nghỉ hè ở Đức được nhà nước phân chia theo các khoảng thời gian khác nhau.
Lịch nghỉ hè của toàn nước Đức đã được in sẵn khi xuất bản lịch mới hàng năm. Để được nghỉ cùng con cái, cha mẹ của học sinh cũng phải đăng ký xin nghỉ phép ngay từ đầu năm tại vị trí làm việc của họ.
Tùy theo kinh tế mỗi gia đình mà kỳ nghỉ hè của học sinh ở Đức rất đa dạng và phong phú. Phần lớn các em được cha mẹ đưa đi du lịch ở trong nước hoặc nước ngoài. Phần còn lại các em được cha mẹ đưa về thăm ông bà, nghỉ hè ở quê hoặc nghỉ hè tại nhà, nơi gia đình các em sinh sống.
Theo luật hiện hành của Đức, học sinh từ 16 tuổi trở lên mới được phép đi nghỉ hè độc lập cùng bạn bè, với sự cho phép của cha mẹ.
Mùa hè từ khoảng đầu tháng 6 đến cuối tháng 8, đây là khoảng thời gian có thời tiết đẹp nhất ở Đức. Đây cũng là thời gian thoải mái nhất để mọi người được hưởng thụ ánh nắng mặt trời và hòa mình với thiên nhiên.
Vào dịp nghỉ hè, không phân biệt tuổi tác, ai cũng tranh thủ cơ hội để tự do tắm nắng, tắm biển hoặc làm mọi điều theo ý thích. Thậm chí, ở toàn bộ lãnh thổ Đức có những chỗ quy định ở ven hồ hoặc ven biển, dành cho mọi người được phép vào tắm hoặc phơi nắng khỏa thân. Hình thức này được gọi là “Văn hóa thân thể tự do”.
Mặt khác, những ai có dự định hoặc mơ ước ấp ủ đã lâu nhưng chưa có thời gian để thực hiện thì đây là cơ hội thích hợp nhất để họ biến giấc mơ thành hiện thực. Không có gì thú vị hơn là một chuyến đi du lịch và nghỉ ngơi với nhiều trải nghiệm và khám phá.
Vào mùa hè, ở nơi làm việc, công sở, trường học… chủ đề trong các cuộc trò chuyện sẽ là: Bao giờ nghỉ hè? Đi nghỉ ở đâu? Đi nghỉ bao lâu?...
Lễ hội Rồng giấy đầy sức hấp dẫn ở bãi biển Nordsee - Biển Bắc của Đức, mùa hè 2017 (Ảnh: tác giả cung cấp)
Du lịch toàn gia đình: Hình thức du lịch này thường áp dụng cho các gia đình có con chưa đầy 16 tuổi. Đây là thời gian để cha mẹ tiếp xúc với các con nhiều hơn, có điều kiện tìm hiểu, phát hiện thêm các điểm mạnh và hạn chế của con cái mình.
Dù là đi tắm biển ở nước ngoài hoặc tắm biển ở miền bắc nước Đức, các bà mẹ sẽ được giải phóng khỏi công việc nội trợ, nấu ăn. Họ có thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi, mua sắm và chăm sóc cho sắc đẹp của mình.
Các học sinh nào chưa biết bơi thì đây là cơ hội tốt để cha mẹ dạy con học bơi. Ở Đức, biết bơi là điều kiện bắt buộc cho mỗi học sinh.
Sau kỳ nghỉ hè, tất cả học sinh phấn khởi đến trường để được gặp lại bạn bè và thầy cô giáo. Trong buổi học đầu tiên, các thầy cô giáo ở trường tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 4) sẽ có 2 tiết học để các em kể chuyện, tường thuật về kỳ nghỉ hè của mình.
Ở trường trung học cơ sở (từ lớp 5 đến lớp 10) và trường Gymnasium (phổ thông trung học chất lượng cao - từ lớp 5 đến lớp 12), học sinh sẽ viết một bài văn tường thuật về kỳ nghỉ hè của mình.
Sau 6 tuần nghỉ hè, cha mẹ và con cái được hồi phục sức khỏe. Các em học sinh sẽ sảng khoái đến trường để bắt đầu một năm học mới với nhiều niềm vui và động lực mới.
Du lịch cùng bạn bè, không có giám sát của cha mẹ: Hình thức du lịch này ở Việt Nam gọi là “du lịch mạo hiểm”. Điều kiện để học sinh đi du lịch mạo hiểm ở Đức là phải trên 16 tuổi và có giấy phép đồng ý của cha mẹ với số điện thoại liên lạc kèm theo.
Theo Luật hiện hành của Đức, từ 16 tuổi trở lên, các em được phép uống rượu. Đây là nguyên nhân tại sao rất nhiều bậc cha mẹ không cho con cái dưới 18 tuổi đi du lịch mạo hiểm. Bởi, khi các em chưa đến tuổi vị thành niên (18 tuổi), nếu không có sự kiềm chế, giám sát của cha mẹ, sẽ uống vượt quá giới hạn cho phép.
Tình trạng say rượu ở độ tuổi dưới 18 thường dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm không thể cứu vãn được, thậm chí đã có hiện tượng tử vong. Để khắc phục hiện tượng này, ở Đức đã có truyền thống tổ chức cho học sinh từ lớp 7 trở lên đi du lịch theo hình thức "đi du lịch cả lớp".
Đi du lịch cả lớp: là một hình thức du lịch rất đa dạng và phong phú của các nhà trường. Thời gian đi du lịch cả lớp thường từ 1 đến 2 tuần.
Trước khi các em tiến hành đi du lịch, đích đến ở đâu? đi mấy tuần? là tùy thuộc vào thỏa thuận giữa nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm và ban phụ huynh học sinh.
Cùng đi du lịch để quản lý và giám sát học sinh là thầy hoặc cô giáo chủ nhiệm và một giáo viên khác kèm theo. Trong số hai giáo viên chịu trách nhiệm cho chuyến du lịch này, bắt buộc phải có ít nhất 1 cô giáo.
Học sinh muốn được tham gia chuyến du lịch cả lớp, phải có giấy ủy quyền và đóng góp kinh phí của cha mẹ. Các thầy cô giáo thường đưa học sinh đi du lịch mạo hiểm ở nước ngoài để các em có cơ hội luyện tập và sử dụng tiếng Anh. Qua những kỳ du lịch mạo hiểm như vậy, các em trưởng thành rất nhanh, có tính tự lập và tổ chức cao.
Cộng đồng người Việt ở Đức đã tận dụng điều kiện tự do đi lại trong khu vực các nước thuộc Liên minh Châu Âu với phương tiện giao thông thuận tiện, giá cả phải chăng để đưa gia đình đi du lịch khắp châu Âu vào mùa hè. Họ sống theo phương châm là: “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Mặc dù, kinh tế của các gia đình người Việt sống ở Đức không cao như của người Đức, song, học sinh gốc Việt năm nào cũng được cha mẹ đóng góp kinh phí cho đi du lịch cùng cả lớp.
Trong khi đó, học sinh có nguồn gốc xuất thân từ các nước khác như: Thổ Nhĩ Kỳ, các nước nói tiếng Ả rập, Ý và các nước bắc Phi... được tham gia rất ít những hoạt động hay và đầy thú vị như vậy của nhà trường.
Hàng năm đến kỳ nghỉ hè, cộng đồng người Việt tại Đức đi nghỉ theo 2 hình thức như sau: 1 là về Việt Nam thăm ông bà, cha mẹ và họ hàng; 2 là đi du lịch toàn bộ gia đình.
Phần lớn các gia đình đi du lịch độc lập. Phần còn lại sẽ đi thăm họ hàng và bạn bè là người gốc Việt sống tại Đức, hoặc đi thăm bà con, họ hàng sống ở các nước khác.
Hình ảnh 3 mẹ con chị Dung cùng đi du lịch ở Bồ Đào Nha (Ảnh: tác giả cung cấp) |
Khi đi du lịch ở Bồ Đào Nha, tôi đã được làm quen với mẹ con chị Dung xuất thân từ miền Bắc - Việt Nam. Chị Dung sang Đức từ năm 1987 theo "Hợp đồng xuất khẩu lao động".
Sau khi thống nhất hai nước Đức vào năm 1990, chị đã không nhận tiền bồi thường và tiếp tục ở lại Đức để sinh sống. Hiện nay, chị là thợ cắt tóc ở Chemnitz (tiểu bang Sachsen). Con gái và con trai của chị đều được sinh ra và lớn lên ở thành phố Chemnitz (Đông Đức cũ).
Con gái Thùy Dương vừa tốt nghiệp đại học ở Berlin. Con trai Tuấn Hải vừa tròn 16 tuổi, sau nghỉ hè cháu sẽ vào học lớp 10 tại Trường phổ thông trung học Chemnitz và cả hai cháu đều nói tiếng Việt rất tốt.
Tục ngữ Việt Nam có câu “nhập gia tùy tục”. Người Việt chúng tôi ở đây đã vận dụng phương châm sống này rất hợp lý. Nếu điều kiện kinh tế cho phép, người Việt rất cố gắng sống theo những điều hay, thói quen tốt đẹp và văn minh của người Đức, đặc biệt rất tuân thủ theo luật pháp Đức.
Do vậy, người Đức đã đánh giá rất cao về sự hòa hợp dân tộc của người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam được sinh ra và lớn lên tại Đức.
Về chủ đề hòa hợp dân tộc này, người Việt hoàn toàn trái ngược với người Thổ Nhĩ Kỳ. Người Thổ mặc dù đã sống khoảng trên 70 năm ở nước Đức, song họ vẫn giữ mọi thói quen và tập quán dân tộc của mình. Họ sống và quan hệ xã hội bó buộc giống hệt như ở trong nước.
Mặc dù, con cái họ được sinh ra và đi học phổ thông ở trường Đức, song nhiều bậc cha mẹ thường ngăn cấm con cái mình sinh hoạt theo văn hóa Đức. Biểu hiện không tốt này đã bị phê phán rất nhiều trên báo chí và vô tuyến Đức.
Đinh Tuyết Mai
© 2024 | Thời báo ĐỨC