Trẻ em Việt Nam và Trung Quốc được dạy nói dối. Giáo dục Đức hoàn toàn khác với giáo dục Việt Nam. Ở Đức, trẻ em có quyền nói tất cả những gì mà chúng nghĩ và không bị phê phán, chỉ trích.
Wang Chong, phóng viên đầu tiên của Trung Quốc đã phỏng vấn cựu Tổng thống Barack Obama năm 2004, có bài viết trên blog cá nhân phản ánh về tình trạng trẻ em Trung Quốc được dạy nói dối.
Đây cũng là một thực trạng nhức nhối trong học đường của trẻ em người Việt chúng ta.
Trẻ em Việt Nam và Trung Quốc được dạy nói dối
Theo bài viết của Wang Chong, trong một cuộc khảo sát vài năm trước đây, khi người tham gia được hỏi liệu họ có sẵn sàng chiến đấu cho đất nước mình trong thời chiến tranh hay không?
Chỉ có 11% người Nhật trả lời là “có”, trong khi 71% người Trung Quốc nói “có”.
Điều này có phải cho thấy người Trung Quốc có lòng yêu nước hơn người Nhật, hay người Trung Quốc không trung thực như người Nhật? Liệu có nhiều người thực sự chiến đấu cho đất nước nếu thật sự có chiến tranh xảy ra?
Ngày 8/4/2010, Viện Nghiên cứu Thanh niên Nhật Bản đã công bố một cuộc khảo sát, được thực hiện với các học sinh trung học phổ thông từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Kết quả cho thấy có đến 45% học sinh trung học Nhật Bản ngủ lơ mơ trong lớp học, cao nhất trong số 4 quốc gia, trong khi tỷ lệ này chỉ là 4,7% cho học sinh Trung Quốc.
Nếu có 50 học sinh trong một lớp học, thì có 22 học sinh Nhật Bản ngủ lơ mơ, trong khi Trung Quốc chỉ có 2 học sinh.
Như vậy thật dễ dàng để rút ra kết luận rằng học sinh trung học Trung Quốc thích học tập và đây là cuộc khảo sát phản ánh thái độ tiêu cực của học sinh Nhật đối với việc học tập, trong khi hành vi học tập của sinh viên Trung Quốc dường như là tích cực nhất.
“Tuy nhiên, kết luận này là khác hẳn với thực tế mà tất cả chúng ta, những người Trung Quốc, đều biết,” tác giả viết. “Tất cả những ai đã học hết trung học phổ thông, đều nhớ rất rõ rằng một lớp học chỉ có 2 hoặc 3 học sinh ngủ lơ mơ, là rất hiếm có, cho dù đó là lớp học thông thường hay lớp năng khiếu.”
“Có hai lý do cho tỷ lệ “ngủ gật” cực kỳ thấp này. Một là lấy mẫu khảo sát không khoa học, tức là phần lớn các học sinh tham gia cuộc khảo sát là những học sinh xuất sắc, những người không ngủ gật trong lớp. Hoặc các học sinh viên Trung Quốc đã nói dối trong cuộc khảo sát.”
“Ở Trung Quốc, mỗi học sinh đều có một câu trả lời “chuẩn” (câu trả lời được mong đợi) và một câu trả lời “thành thực” khi trả lời một cuộc khảo sát. “Chăm chú lắng nghe trong lớp học” là câu trả lời chuẩn, và “ngủ chợp mắt” có thể là câu trả lời thành thực. Trẻ em Trung Quốc thường hay chọn câu trả lời chuẩn. Nhưng tại sao trẻ em Nhật lại trả lời thành thực? Nó có liên quan đến các giá trị xã hội và văn hoá, được phản ánh trong môi trường gia đình và hệ thống giáo dục.
Còn tại Việt Nam, kết quả điều tra về hành vi lệch chuẩn ở 532 học sinh của một số trường THCS trên địa bàn Hà Nội năm 2012 cho kết quả, hành vi nói dối là lỗi mà nhiều học sinh mắc phải nhất, có tới 82,3% số trẻ em được hỏi thừa nhận, trong khi đó, con số này của cuộc điều tra trước đó là 79,5%.
Nói về thực trạng dạy nói dối trong môi trường giáo dục tại Việt Nam, báo chí trong nước đã tốn rất nhiều “bút mực”.
Mặc dù trong mỗi lớp học, nhà trường đã “cẩn thận” treo bảng “5 điều bác Hồ dạy”, trong đó có “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Thế nhưng thực tế đau lòng rằng trẻ con lại bị chính thầy cô giáo dạy cho nói dối.
Có thể liệt kê một số trường hợp phổ biến như: Nhiều phụ huynh “tá hỏa” khi nghe con kể rằng cô giáo dặn “nếu sao đỏ hỏi có ăn quà vặt không, các con phải trả lời là không”. “Nếu có ai hỏi lớp mình có ai đi học thêm không thì các con phải trả lời là không” mặc dù cô giáo có dạy thêm ở nhà.
Không dừng lại ở việc dạy trẻ con nói dối, nhà trường còn dạy luôn cả phụ huynh “nếu bên thanh tra sở có hỏi về tiền đóng góp mua máy chiếu, nhờ quý phụ huynh trả lời là do tự nguyện”.
Bên cạnh đó, tiết dự giờ thay vì để đánh giá thực tế khả năng dạy của giáo viên và khả năng tiếp thu của học sinh, lại không giống một lớp học mà giống như một vở diễn thì đúng hơn.
Vì trước đó, thầy trò đã cùng nhau diễn tập nhiều lần rồi và dĩ nhiên, tỷ lệ học sinh giơ tay phát biểu vì biết trước câu hỏi là rất nhiều, và hầu hết đều trả lời đúng.
Để chạy theo thành tích thi đua các trường đạt tỷ lệ học sinh tốt nghiệp 100%, trước đó nhà trường và giáo viên đã phải đi vận động, thậm chí khủng bố tinh thần khiến học sinh nào yếu kém có khả năng nếu đi thi thì sẽ rớt xin nghỉ học, học lại và chờ năm khác hẳn thi để không ảnh hưởng đến kết quả thi đua và danh tiếng của trường.
Đó là còn chưa đề cập đến thực trạng việc dạy và học văn mẫu mà xã hội đã phản ánh quá nhiều.
Không ít những bài văn “chết cười” của học sinh được chia sẻ trên mạng xã hội về việc ông em, bà em, bố mẹ em, cô giáo em cho đến con mèo, con heo nhà em này giống hệt nhà em kia vì học theo văn mẫu.
Anh Nguyễn Văn H, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh đã kể rằng
: “Hôm nọ cô giáo của con tôi ra bài tập làm văn tả về ông nội, cháu nó hý hoáy làm.
Trái với thực tế sống động trước mắt, cháu bị cô bắt phải tả một người ông “râu tóc bạc phơ, ánh mắt hiền từ”. Mà hiện tại, ông nội của cháu mới hơn 50 tuổi thì sao mà mang được những đặc điểm “khuôn mẫu người già” như cô giáo yêu cầu.
Khi tôi bảo, con cứ viết đúng như sự thật con thấy ông thế nào thì viết ra như thế nhưng cháu lại nói cô giáo bảo phải viết giống văn mẫu. Tôi khuyên thế nào cháu cũng không chịu, vậy là ngoài chuyện chỉnh sửa câu cú, đoạn văn sao cho đúng ngữ pháp, đúng chính tả thì tôi không thiết tha đọc bài văn ấy”.
Trẻ em Trung Quốc cũng gặp phải trường hợp tương tự. Wang Chong kể:
“Tuần báo Phương nam (Southern Weekly) của Trung Quốc đã từng xuất bản một bài viết có tiêu đề “Bài luận nói dối”, phản ánh cách mà học sinh Trung Quốc lần đầu được dạy nói dối khi viết bài luận văn. Bài viết trích dẫn lời của một giáo viên, nói rằng: “Tôi đã cho học sinh một bài tập để viết một bài luận văn có tựa đề “Cô giáo trong trái tim tôi”.
Tất cả học sinh đều viết về một cô giáo tên là Ye. Họ liệt kê những chiến công anh hùng của cô giáo, thậm chí còn vượt trội hơn Khổng Tử.
Tôi là đồng nghiệp của cô giáo Ye trong nhiều năm, sao tôi không bao giờ nghe nói về điều này?Các bài luận văn của họ ngày càng trở nên thái quá hơn, và tràn ngập những điều dối trá năm này qua năm khác, từ việc cô giáo bị ung thư cho đến việc cha mẹ cô qua đời “. “
Tại Việt Nam, rất nhiều học sinh khi được hỏi tỏ ra ngán ngẩm vì phải khen các tác phẩm có tính tuyên truyền trong sách giáo khoa, mặc dù các em không thực sự cảm thấy hay.
Vậy nên cách tốt nhất là cứ theo văn mẫu khen thế nào thì chép ra thế nấy để lấy điểm.
Trước đây có nhận xét của em Phi Thanh về đề thi “Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” đã được báo chí trong và ngoài nước đăng tải khá nhiều:
“Em nghĩ, đứng trước một tác phẩm văn học bao giờ cũng có ý kiến trái ngược khen–chê, hay-dở nhưng dường như học sinh bọn em chỉ có quyền thích, chỉ có quyền khen hay mà không có quyền nói lên chính kiến của mình, và việc phê bình văn học hình như chỉ là việc của các nhà phê bình.
Phải chăng vì tư tưởng bảo thủ này mà suốt 63 năm qua, văn thơ của chúng ta chưa được “mới”? Nhìn ra, chỉ ra cái hay của một tác phẩm văn học đã khó, nhưng chỉ ra cái hạn chế, thiếu sót của tác phẩm ấy còn khó hơn nữa, vậy mà chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một bài thi cả, tất cả chỉ vì áp lực điểm số.”
Giáo dục Đức hoàn toàn khác với giáo dục Việt Nam.
Ở Đức, trẻ em có quyền nói tất cả những gì mà chúng nghĩ và không bị phê phán, chỉ trích.
Chúng chỉ được dạy dỗ để làm một người lịch sự, có giáo dục, nhưng không ai bắt chúng phải lễ độ theo kiểu nói những gì thầy cô muốn được nghe.
Tại Mỹ, sinh viên không quay cóp bài, nếu không biết thì họ để giấy trắng.
Nước Mỹ cũng có những phần tử lừa đảo và trái pháp luật đủ loại, nhưng nói chung, nước Mỹ là một đất nước rất coi trọng danh dự.
Mọi người hầu hết tin tưởng lẫn nhau và cả xã hội được xây dựng trên cơ sở tín nhiệm, bởi vì trong con mắt của người dân Mỹ thì những hành vi lừa đảo, nói dối còn xấu xa và tồi tệ hơn cả trộm cắp.
Bởi vì trộm cắp có thể là hành vi nhất thời nhưng lừa gạt, nói dối là bộc lộ rõ bản tính của một người. Một người một khi đã đánh mất lòng tin ở người khác thì sẽ rất khó khăn để xây dựng lại danh dự của mình.
Còn phụ huynh Nhật Bản thường rất coi trọng việc nuôi dưỡng tính trung thực của trẻ.
Nếu một đứa trẻ 3 hoặc 4 tuổi vô tình làm vỡ một lọ hoa ở nhà, nó sẽ được khen ngợi nếu nói sự thật, thay vì bị trừng phạt. Nếu nó không nói sự thật, và đổ lỗi cho người khác, nó có thể bị trừng phạt nặng, và thậm chí buộc phải sử dụng tiền túi của mình để bù lại.
Một hệ thống khen thưởng và trừng phạt rõ ràng giúp thiết lập sự lương thiện ngay từ khi còn nhỏ. Nếu một đứa trẻ Nhật nói rằng nó muốn trở thành một người làm bánh khi lớn lên, người lớn sẽ lắng nghe và gật đầu đồng ý.
Trẻ em Việt Nam và Trung Quốc thường có khát vọng thiếu thực tế vì nếu không thì chúng sẽ bị người lớn chỉ trích. Theo thời gian, các câu trả lời “chuẩn” trở nên cắm rễ sâu vào tâm trí của trẻ.
Ở Nhật, giáo dục về tính chính trực được thực hiện trong suốt cả cuộc đời. Ở nhà, bố mẹ bảo con mình không nói dối. Ở trường, trẻ em cũng học cách trung thực.
Trong công việc, tính chính trực gần như được coi là một triết lý kinh doanh toàn cầu.
Wang Chong từng tham gia một cuộc hội thảo trao đổi giáo dục Trung-Nhật. Anh kể:
“Nhà tổ chức yêu cầu cả hai bên liệt kê những thiếu sót của hệ thống giáo dục của mình. Các đại biểu Trung Quốc thảo luận về những vấn đề nào sẽ được đưa ra. Một số người đề cập đến bạo lực ở trường, sự thiếu tôn trọng giáo viên, v.v.. nhưng ngay lập tức bị bác bỏ vì hình ảnh của Trung Quốc trong các cuộc trao đổi quốc tế phải được bảo vệ, và mọi người không nên nói sự thật.”
Thực tế nói dối đã trở thành căn bệnh trầm kha của xã hội Trung Quốc lẫn Việt Nam.
“Vì người ta đồng lòng nói dối, rủ nhau nói dối. Một cá nhân nói dối thì lương tâm còn nhúc nhích nhưng cả tập thể nói dối thì lại là sự đoàn kết nhất trí cao. Mọi giá trị bị đảo lộn, mọi khái niệm đều bị đánh tráo. Chúng ta không còn niềm tin vào bất cứ điều gì, bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình. Trong một xã hội dối trá, người nói thật sẽ bị coi là kẻ phản bội.”
Tuy nhiên những lời nói dối không trở thành sự thật ngay cả khi lặp đi lặp lại một nghìn lần. Tốt hơn là đừng nói dối hoặc chí ít thì nói dối ít hơn, ngay cả khi chúng có vẻ vô hại.
Nguồn: Trí Thức Trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC