Nằm cách thủ đô Berlin, Đức khoảng 1 tiếng rưỡi đi xe về phía Nam, ngôi làng nhỏ nhắn, khiêm tốn nhưng được bảo quản tốt này đã tự cung tự cấp năng lượng xanh trong hơn một thập kỷ qua. Có thể nói, người dân nơi đây được hưởng giá điện và khí đốt tự nhiên rẻ nhất ở Đức.
Kể từ giữa những năm 1990, ngôi làng Feldheim đã thử nghiệm bằng việc lắp đặt một số ít các tuabin gió để cung cấp điện cho ngôi làng. Sau đó, những ý tưởng này được nhân rộng, dần xây dựng trở thành một mạng lưới địa phương với hàng loạt các tấm pin mặt trời, bộ lưu trữ pin và nhiều tuabin hơn.
Kể từ những năm 2010, Feldheim đã xây dựng riêng một hệ thống lưới điện thông minh với sự đóng góp khoảng 3.000 euro từ mỗi người dân trong làng. Nhờ vậy, Feldheim vừa tự cung, tự cấp được nguồn năng lượng sạch vừa bán lại cho lưới điện quốc gia. Người dân địa phương cũng tiết kiệm được tới 31% tiền điện và 10% khí đốt sưởi ấm trong mùa đông.
Lợi ích thu được từ nguồn điện phong phú đã thôi thúc người dân Feldheim bắt tay xây dựng một nhà máy khí sinh học để tận dụng nguồn nhiệt khi đốt cây bắp khô và phân lợn. Vì các trang trại ở Feldheim chuyên trồng bắp và nuôi heo nên nhà máy khí sinh học cũng đem lại nhiều lợi ích cho nông dân địa phương. Hiện Feldheim đã có nhà máy khí sinh học trị giá 1,7 triệu euro.
Ngoài ra, ngôi làng Feldheim dự định nghiên cứu xây lên một cơ sở sản xuất khí xanh hydro. Theo AP đưa tin, hiện có khoảng 55 tuabin gió phủ quanh các vùng đất nông nghiệp tại làng Feldheim.
Kathleen Thompson, người làm việc cho một tổ chức giáo dục địa phương, Diễn đàn Năng lượng Mới, cho hay: “Tất cả chúng đều có thể ngủ ngon vào ban đêm”, “nỗi lo giá tiền điện, khí đốt không còn thường trực”.
Không giống như một điểm du lịch thông thường, nơi đây nổi tiếng với không khách sạn, nhà hàng, không quán rượu, nhà bảo tàng hay bất kỳ một danh lam thắng cảnh nào khác. Nổi lên như một “thủ phủ” của năng lượng xanh, dần dần Feldheim bỗng trở thành tâm điểm của du khách.
Vào thời điểm nhiều người châu Âu đều “lo lắng” về việc các hoá đơn năng lượng tăng vọt từng ngày, các quốc gia trong khu vực “đau đáu” nỗi lo khan hiếm nguồn cung khí đốt sẽ gây hại đến các lĩnh vực trọng điểm, đời sống nhân dân dần vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Kể từ khi Nga tấncông Ukraine, đã khiến Đức và các nước châu Âu mất dần nguồn cung lâu năm, tạo ra thế “chênh vênh” trong nỗ lực thoát phụ thuộc khỏi than, dầu và khí đốt tự nhiên của Moscow.
Mặc dù Đức bơm hàng tỷ USD vào tăng trưởng năng lượng tái tạo để giảm lượng khí thải do biến đổi khí hậu, nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân vẫn đóng vai trò quan trọng trong hơn một nửa tổng sản lượng điện của quốc gia này trong sáu tháng đầu năm nay.
Thiếu công suất truyền tải, phủ sóng đồng bộ dẫn đến việc các “công viên gió” ở miền Bắc nước Đức thường xuyên phải đóng cửa, trong khi đó các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch được đốt cháy để cung cấp điện cho các nhà máy ở miền Nam.
Michael Knape, thị trưởng của Treuenbrietzen, khu đô thị trực thuộc Feldheim cho biết điều thành công biến Feldheim thành “thánh địa” của năng lượng xanh là nhờ người dân địa phương hưởng ứng và tích cực tham gia mọi dự án được địa phương phát động.
Làng Feldheim và những chiếc tuabin gió. Ảnh: AP.
Trong khi các công viên gió ở nhiều nơi trên nước Đức thường xuyên vấp phải sự phản đối (bao gồm một số làng lân cận suy thoái về kinh tế), cộng đồng người dân tại ngôi làng Feldheim đã chấp thuận việc “trồng” nhiều tuabin đến mức nơi đây có thể xuất khẩu lượng điện gấp khoảng 250 lần lượng điện tiêu thụ.
Phương pháp tiếp cận cơ sở của làng Feldheim để tạo ra năng lượng sạch hoàn toàn trái ngược với thực tiễn phổ biến ở Đức, nơi các công ty năng lượng lớn có xu hướng xây dựng và kiểm soát các dự án điện lớn. Trong khi đó, các nỗ lực quy mô nhỏ thường phải đối mặt với các rào cản pháp lý cao.
Ông Knape hy vọng rằng quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức có thể bắt kịp làng Feldheim để vượt qua áp lực hiện tại ở châu Âu và sống xanh, sống sạch là một cách hữu hiệu cứu Mẹ thiên nhiên.
Siegfried Kappert, 83 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Feldheim, ông đã nhiệt tình trả khoản phí 3.000 euro để kết nối hệ thống điện của nhà của mình với hệ thống điện và lưới sưởi khi chúng được xây dựng.
Tích tiểu thành đại, từ các khoản đầu tư nhỏ dần đến lớn đã mang lại hiệu quả hiệu quả cho ngành năng lượng xanh. Trong đó, người dân tại Feldheim sẽ sống với mức giá năng lượng thấp, sẽ không còn tình trạng thất nghiệp, những con phố không còn tối đèn, cuộc sống người dân sẽ trở nên tươi sáng hơn.
“Chúng tôi đã tìm kiếm ánh sáng đúng đắn cho con đường mình đã chọn, thành thật mà nói, người dân làng Feldheim tự hào khi được biết đến với tên gọi “thủ phủ” năng lượng tái sinh”, ông Kappert bày tỏ.
Theo AP
© 2024 | Thời báo ĐỨC