Mẹ Việt nuôi con ở châu Âu: Tôi phải học từ con mình

Một bà mẹ gốc Á nuôi con ở châu Âu như tôi phải tiếp nhận nhiều khác biệt về lối sống, văn hóa và những thứ khác. Và tôi học từ chính con mình.

 

Mẹ Việt nuôi con ở châu Âu: Tôi phải học từ con mình - 0

 Học sinh được khuyến khích chia sẻ sở thích, ảnh đẹp gia đình, các món ăn ngon, những chuyến du lịch thú vị... trên bảng tin của lớp - Ảnh: Kiều Bích Hương 

Kate là con gái lớn của gia đình tôi, 13 tuổi, vừa mang bảng điểm học kỳ hai về. Thấy các môn Toán, tiếng Hà Lan, tiếng Pháp chỉ đạt hơn 60 % và thấp hơn điểm trung bình cả khối lớp 7, tôi thất vọng “Thế bạn nào xuất sắc nhất lớp?”. 

Đến lượt Kate thất vọng “Sao mẹ cứ so sánh ai giỏi hơn? Giáo viên không xếp hạng học sinh đâu mẹ ạ, ai biết điểm người ấy và cô nói mỗi chúng con đều có thế mạnh riêng. Đây này, Âm nhạc con đạt 90 %, Tôn giáo 83%, Kỹ thuật 79%...”. 

Hãy để con mắc lỗi 

Một bà mẹ gốc Á nuôi con ở châu Âu như tôi phải tiếp nhận nhiều khác biệt về lối sống, văn hóa như vậy đấy. Và học từ chính con mình. Mấy hôm trước xếp hàng mua bánh pizza ủng hộ bếp trường, tôi thấy trên hành lang trường mẫu giáo và tiểu học của bé Tô- con trai thứ hai ghi khẩu hiệu “Mỗi học sinh là một người đặc biệt”. 

Còn cách đây ba tháng, tôi xin cô giáo cho bé Tô nghỉ học hai tuần về Việt Nam đón Tết cổ truyền kẻo từ tháng Chín tới vào lớp Một không được phép nghỉ tùy tiện nữa. 

Nhân thể tôi xin cô giáo bài học của hai tuần đó tranh thủ dạy kèm cho con theo kịp bạn bè. Đưa cho tôi tập bài mỏng, cô giáo tươi cười “Nếu con không chịu học thì cứ cho chơi thoải mái, đừng ép. Chúc mấy mẹ con có chuyến đi vui và mang nắng nhiệt đới sang đây cho chúng tôi nhé.” 

Đây cũng là ngôi trường niên học năm ngoái Kate vừa tốt nghiệp bậc tiểu học. Và đó cũng là giáo viên từng dạy Kate. 

Không nên sửa từ sai ngay khi con vừa nói mà tốt hơn nên lặp lại câu nói của con theo cách đúng. Ví dụ con nói: Mẹ nhìn kìa, có hai con chiền chiền đậu trên bông hoa. Mẹ đáp lại: Đúng rồi, có hai con chuồn chuồn đậu trên bông hoa, đẹp quá con nhỉ. Như vậy con sẽ thấy mẹ thực sự nghe mình nói chứ không phải chăm chăm xem con nói như thế nào để sửa lỗi.” 

Được nuôi dưỡng, dạy dỗ trong môi trường nhấn mạnh về cảm hứng sáng tạo, đề cao thiên hướng cá nhân nên Kate vẫn thích đi học, lạc quan với bảng điểm dù nhiều môn chính thấp hơn điểm trung bình cả khối. 

Quan sát lớp Tô có bé Mathias biết đọc từ rất sớm và tỏ ra hiểu biết hơn bạn cùng lứa, tôi hỏi con “Bạn Mathias có được cô chọn làm lớp trưởng không?”, bé Tô dõng dạc “Làm gì có lớp trưởng, bình đẳng mà mẹ. Nhưng vào dịp Giáng sinh bạn Mathias được chọn đóng vai ông già Noel.” 

Đầu học kỳ họp phụ huynh cả lớp để giáo viên thông báo tình hình chung. Cuối học kỳ từng phụ huynh đăng ký giờ họp riêng với giáo viên chủ nhiệm, đơn giản bởi đây là lúc thông báo kết quả học tập và hạnh kiểm từng học sinh: không ai phải ngồi nghe giáo viên phê bình hoặc nhận xét về điểm kém của con mình trước mặt các phụ huynh khác. Lại tế nhị. 

Một người bạn ở Việt Nam nghe kể vậy, cười “Ở mình chỉ khi con hư, quậy phá ở trường mới họp phụ huynh riêng.”

“Con có thể mắc lỗi. Đó là một phần của quá trình học tập!” Khẩu hiệu này nhắc đi nhắc lại trong tài liệu giáo viên phát cho chúng tôi ở buổi họp phụ huynh chung đầu kỳ của các bé sắp bước vào lớp Một.

 

Đọc vài trang đầu đã ngập tràn sự khơi gợi cảm hứng và tế nhị yêu thương: Con lên 5 tuổi đã biết nhiều từ rồi. Có thể nói câu dài, câu ghép. Thỉnh thoảng các bé vẫn nói sai.

 

Không nên sửa từ sai ngay khi con vừa nói mà tốt hơn nên lặp lại câu nói của con theo cách đúng. Ví dụ con nói: Mẹ nhìn kìa, có hai con chiền chiền đậu trên bông hoa. Mẹ đáp lại: Đúng rồi, có hai con chuồn chuồn đậu trên bông hoa, đẹp quá con nhỉ. Như vậy con sẽ thấy mẹ thực sự nghe mình nói chứ không phải chăm chăm xem con nói như thế nào để sửa lỗi.”

 

Về VN chắc học “đúp”

 

Một đồng nghiệp cũ sang châu Âu công tác, ghé Bỉ thăm nhà tôi, nhận xét “Sao chị thấy trẻ con bên này đến trường vui vẻ thế nhỉ. Mặt mũi chúng rất thoải mái tự tin, khác hẳn trẻ con ở mình sớm căng thẳng lo âu vì phải học sớm, học nhiều và lắm kiểu cạnh tranh thành tích.”

 

Tôi trả lời “Nhưng con nhà này chuyển về Việt Nam học chắc đúp sớm vì đã học chậm lại không học thêm.” Nghe đến đây bạn tôi phá lên cười “Không những bị đúp mà còn bị đánh ấy chứ. Bọn trẻ bên này được phép tranh luận với cha mẹ, thầy cô quá thoải mái.”

 

Mẹ Việt nuôi con ở châu Âu: Tôi phải học từ con mình - 1

Cha mẹ và con cái cùng hóa trang để dự lễ hội Carnaval của trường- Ảnh: Kiều Bích Hương 

Nhưng giáo dục còn liên quan văn hóa, tập quán, lối sống. Rất khó so sánh. Ở nhiều trường lớp tại Việt Nam áp dụng cách luân phiên lớp trưởng 3 tháng/lần để bọn trẻ học cách có trách nhiệm khi được giáo viên giao việc.

Và duy trì xếp hạng trong lớp mới có căn cứ để đánh giá, động lực để học sinh phấn đấu. Nói cách khác, trong môi trường giáo dục ở Việt Nam, trẻ em sẽ mạnh về cạnh tranh hơn chăng? 

Ở châu Âu đã lâu nhưng tôi chưa đi được nhiều nước trong châu lục bởi đơn giản có bao nhiêu tiền đều dành dụm mua vé đường xa cho con về thăm quê ngoại. Một đứa trẻ lên 5 tuổi như bé Tô mà 6 lần về Việt Nam kể cũng là nhiều. 

Nhưng với vợ chồng tôi, về quê cũng là một cách vừa học vừa chơi ý nghĩa cho con cái. Và từ những chuyến đi ấy, tôi thấy cách bạn bè ở lứa tuổi U40 của mình giáo dục con cũng dần khác xưa.

Từng tốt nghiệp chuyên ngành Ngoại giao, giỏi ngoại ngữ, nhưng bạn tôi không dạy kèm con tiếng Anh mà cuối tuần cặm cụi xe ôm chở con đi học giáo viên bản địa “Họ dạy phát âm chắc chắn chuẩn hơn mình, còn ngữ pháp tiếng Anh con phải tự học lấy nếu thích”.

Những người bạn sớm lập gia đình, con cái giờ đã lớn khôn thường khuyên bình tĩnh và tin ở con mình. Không bắt con phải học giỏi bằng mọi giá, sợ nhất con chán học chứ không sợ con không học giỏi. Không quan trọng thành tích cá nhân đến mức nào, quan trọng là thể lực và trí tuệ sống...

Cũng nhờ những chuyến về quê, các con tôi biết đến những người bạn cùng lứa sống ở Việt Nam nhưng hầu như chẳng có gì liên quan đến Việt Nam: học trường quốc tế học phí 30 triệu đồng/tháng, nói ngoại ngữ giỏi hơn tiếng mẹ đẻ, viết luận tiếng Anh tốt hơn trẻ cùng tuổi ở Anh - Mỹ, ăn thực phẩm ngoại nhập, ở chung cư cao cấp có nhiều người nước ngoài.

Con tự chọn tương lai

Sau vụ khủng bố ở Brussels 22.3.2016, người Bỉ bắt đầu ưa dùng cụm từ “lạ lùng”: một ngày lạ lùng, thế giới đang thật khác lạ, cuộc sống lạ lùng hơn bao giờ hết... An ninh bất ổn, dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế khắp nơi, làm cha mẹ bây giờ mong nhất con có sức khỏe, tư duy tốt và sống vui, khác với chính suy nghĩ của mình vài năm trước.

Đưa bảng điểm cho phụ huynh ký để nộp lại cho giáo viên, Kate bỗng hỏi tôi “Môn Nấu ăn của con cũng đạt điểm cao, có lẽ vài năm nữa con chuyển sang học hướng nghiệp, chuyên về đầu bếp, kết hợp ẩm thực Á- Âu cũng rất hay”.

Kate làm tôi nhớ ra mỗi lần nấu phở hay bún bò, con bé thường đòi nếm và nhận xét “Hôm nay không có vị ngọt củ cải” hoặc “Cho ít hồi và quế quá”, “Lần này mẹ giã thêm rễ hành xanh nên vị nước lèo thơm hơn”... Kate ăn tinh từ bé.

Tôi đem chuyện con muốn làm đầu bếp kể với cô bạn gốc Việt đang mở nhà hàng tại Đức. Bạn tôi ủng hộ ngay “Chỗ em trả lương đầu bếp giỏi cao hơn lương kỹ sư, bác sĩ đó chị. Ở Đức lương kỹ sư từ 2.500- 4.000 Euro/tháng trước thuế, lương giám đốc điều hành 9.000- 11.000 Euro/tháng nhưng thu nhập một anh thợ lành nghề tự nhận thầu xây dựng của hãng nhỏ cũng có thể trên 10.000 Euro/tháng rồi.”

 

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày