Những người nào hay lần lữa, không trả các khoản chi phí đúng kỳ hạn, một là sẽ nhận thư của luật sư hoặc thường xuyên hơn là thư của doanh nghiệp đòi nợ thuê, tiếng Đức còn gọi là Inkassounternehmen. Khoản tiền bị đòi không chỉ là số tiền nợ, mà còn nảy sinh thêm những chi phí khác như phụ phí phải trả cho chính doanh nghiệp đòi nợ này. Tuy nhiên, theo như các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cảnh cáo, thì không phải khoản tiền nào cũng có căn cứ, mà cứ năm giấy đòi nợ sẽ có một giấy là nặc danh.
Có cần trả phụ phí cho doanh nghiệp đòi nợ thuê?
Doanh nghiệp đòi nợ Inkasso muốn đòi thêm phụ phí cần xem xét đủ hai yếu tố quan trọng: Một là khoản nợ chính có hợp lệ không, và hai là người nhận giấy đòi tiền có thật sự bị nợ quá kỳ hạn hay không? Nếu đột nhiên xuất hiện một “chủ nợ” giả và muốn đòi tiền của bạn, thì đó chính là lừa đảo. Ví dụ một người gọi điện cho bạn và đòi tiền hay bạn chẳng may bấm vào nút thuê bao dài hạn một dịch vụ nào đó trên mạng, rồi nhận giấy đòi tiền bằng mọi giá kèm cảnh cáo, bạn cần đến gặp ngay luật sư của mình.
Khi nào gọi là “quá kỳ hạn chi trả”?
Khi bạn nhận một hoá đơn mà không trả tiền ngay, bạn cũng sẽ nhanh chóng nhận thêm giấy cảnh cáo, yêu cầu bạn phải trả số tiền còn nợ theo hoá đơn đó. Theo điều 286 đoạn 1 Luật công dân, thì lúc này mới gọi là “quá kỳ hạn chi trả”. Nếu bạn vẫn không chịu trả tiền, khoản nợ sẽ bị cộng thêm một số phụ phí. Tuy nhiên, trong vài trường hợp thì không cần giấy cảnh cáo, bạn vẫn bị “quá kỳ hạn chi trả”: (i) nếu trên hoá đơn đã ghi cụ thể ngày tháng phải trả tiền (theo điều 286 đoạn 2 Luật công dân); (ii) hoặc nếu có một sự việc nào đó liên quan đến việc trả tiền được ghi chú kèm kỳ hạn (theo điều 286 đoạn 2 phần số 2 Luật công dân), ví dụ “phải trả sau khi giao hàng 3 tuần”. Kỳ hạn được định sẵn đối với “con nợ” phải phù hợp, ví dụ không thể đòi hỏi trả tiền ngay sau ngày giao hàng; (iii) nếu bạn cương quyết không chịu trả tiền, dù bạn thật sự nợ khoản tiền đó (theo điều 286 đoạn 2 phần số 3 Luật công dân), thì các luật gia gọi đây là “chối bỏ trách nhiệm”; (iv) nếu “con nợ” tự nhận là mình đang nợ tiền và đã để lỡ kỳ hạn chi trả trước cả khi nhận giấy cảnh cáo (theo điều 286 đoạn 2 số 4 Luật công dân); (v) theo quy định 30 ngày (điều 286 đoạn 3 Luật công dân) thì bạn sẽ bị “quá kỳ hạn chi trả” nếu trong vòng 30 ngày này bạn không hoàn trả hoá đơn, điều này trong hoá đơn phải được đặc biệt nhắc đến chứ không chỉ trong điều khoản kinh doanh chung.
Doanh nghiệp Inkasso được đòi bao nhiêu tiền phụ phí?
Các khoản phụ phí không được đòi vô tội vạ, mà phải tính dựa vào mức phí luật sư và khoản tiền nợ (theo điều 4 đoạn 5 Luật dịch vụ pháp lý). Vì các phụ phí thường bị đòi quá mức cho phép, thậm chí gấp đôi, nên “con nợ” cần kiểm tra lại các mức phí hợp lệ cao nhất là bao nhiêu. Bởi đã có quá nhiều án quyết về việc đòi phí gấp đôi so với qui định, nên các chủ nợ cần tự biết để quyết định nên thuê doanh nghiệp đòi nợ hay một luật sư có quyền đòi nợ để đòi tiền cho mình.
Nếu chủ nợ là một doanh nghiệp có phòng hạch toán hoá đơn và được quyền cảnh cáo con nợ, thì thông thường sẽ không được tính phí đòi nợ dưới dạng phí bồi thường, bởi tự bản thân doanh nghiệp đã lo được việc đòi nợ rồi. Tuy nhiên, chủ nợ được quyền tính phí cho mỗi thư cảnh cáo được gửi đi, tối đa là 1,20€/thư (án quyết ngày 28-7-2011 của toà án thành phố München). Ngoài ra, thư đầu tiên nhắc nhở thanh toán hoá đơn cũng không được tính phí, nếu con nợ chưa bị quá kỳ hạn chi trả.
Bên cạnh đó, chủ nợ còn có trách nhiệm giảm thiểu mọi tổn thất khi đòi nợ (theo điều 254 Luật công dân), nghĩa là không được đòi thêm phụ phí nếu không cần thiết. Ví dụ: Sau khi đã gửi đi ba lá thư cảnh cáo mà không có hồi âm, thì đến lá thư cảnh cáo thứ tư, chủ nợ không được tiếp tục tính phụ phí nữa. Quan trọng ở đây là có thể thấy được kết quả rằng, dù có nhắc nhở thêm thì chủ nợ cũng không đạt được mục đích. Nếu chủ nợ không thể tự có biện pháp đòi tiền, thì được phép thuê doanh nghiệp đòi nợ hoặc luật sư có quyền đòi nợ và đòi cả các khoản phụ phí nảy sinh trong mức cho phép.
Bình Minh
© 2024 | Thời báo ĐỨC