Lạm phát ở Đức tiếp tục cao phá kỉ lục trong 28 năm

Hàng hoá và dịch vụ ở Đức trở nên đắt đỏ hơn trong tháng qua khi giá cả trung bình tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

1 Lam Phat O Duc Tiep Tuc Cao Pha Ki Luc Trong 28 Nam

Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 12/1993, thời điểm tỷ lệ lạm phát lên tới 4,3%. Trong tháng 7 trước đó, tỷ lệ lạm phát đã lên mức 3,8% và tháng 6 là 2,3%.

Năng lượng là hàng hoá có giá cả tăng cao nhất, với mức tăng 12,6% so với tháng 8/2020, trong đó giá dầu sưởi tăng 57,3%, nhiên liệu tăng 26,7%.

Giá khí đốt tự nhiên tăng 4,9% và điện tăng 1,7%, trong khi giá thực phẩm cũng tăng 4,6% với rau tăng 9%, các sản phẩm từ sữa và trứng tăng 5%. Các loại hàng hoá tiêu dùng cũng tăng giá đáng kể, như xe cộ tăng 5,5%, đồ gỗ và đèn tăng 4%.

Theo các chuyên gia, dự kiến trong những tháng tới, tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên mức 4-5%, song đây sẽ chỉ là hiện tượng tạm thời và sẽ giảm dần vào năm 2022.

Một trong những nguyên nhân chính khiến giá cả tăng cao là hiệu ứng cơ bản khi khung thuế giá trị gia tăng vốn giảm trong 6 tháng cuối năm 2020 được áp đặt trở lại, bên cạnh đó là việc thuế khí thải CO2 cũng bắt đầu áp dụng từ đầu năm nay.

Trong năm ngoái, để giảm thiểu hậu quả của đại dịch COVID-19, Chính phủ liên bang Đức đã quyết định giảm thuế giá trị gia tăng nửa cuối năm với hai mức tương ứng từ 19% xuống còn 16% và từ 7% xuống 5%. Chính điều này đã khiến nhiều hàng hoá và dịch vụ rẻ hơn.

Tuy nhiên khi chính sách này không còn được áp dụng, hiệu ứng đã được thấy rõ khi giá cả tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ gia tăng mạnh.

Nguồn: Bnews


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày