Người Đức có cách giải quyết các trường hợp ngã bệnh nơi công sở rất độc đáo
Nói một cách rất “Anh” thì gần đây, đồng nghiệp của tôi đang trải qua “một cuộc chiến cam go”.
Sau một tai nạn xe máy không may, cô ấy phải trải qua phẫu thuật đầu gối khẩn cấp và thời gian dự kiến để hồi phục là 6 đến 8 tuần. Buồn thay, cô lại vừa được thăng chức và tình trạng khó khăn của cô chẳng phải tin tốt lành gì cho công ty.
Đương nhiên, cô ấy vô cùng lo lắng vì phải nghỉ lâu như vậy. Tôi thực thông cảm. Nếu là tôi, tôi cũng không cảm thấy thoải mái khi phải nghỉ nhiều như thế.
Thế nhưng, điều duy nhất chúng tôi không cần phải sợ hãi chính là thái độ của các sếp khi nghe tin này. Chúng tôi biết họ sẽ hiểu thôi. Họ chẳng tỏ thái độ gì khi phải phê duyệt một kì nghỉ dài không đúng lúc như thế này.
Thực lòng mà nói, một trong những cú sốc văn hóa dễ chịu nhất khi đến Đức chính là cách giải quyết đầy cảm thông của con người nơi đây đối với bệnh tật chốn công sở. Nhân viên không những được khuyến khích trở về nhà khi ngã bệnh mà họ còn được nghỉ bao lâu tùy thích tới tận khi hồi phục hoàn toàn nếu cần. Dưới hệ thống chắm sóc sức khỏe Đức, nhân viên vẫn được trả lương đầy đủ trong thời hạn 6 tuần (Entgeltfortzahlung), sau thời hạn đó, họ vẫn tiếp tục được nhận 70% lương (Krankengeld). Điều này có nghĩa là kể cả khi bạn phải đau đầu vì bệnh tật thì tiền vẫn không là vấn đề.
Trong một bài viết được đăng báo trước đây về cùng một chủ đề của tôi, tôi có kể lại rằng bác sĩ đã yêu cầu tôi phải nghỉ đến hai tuần, không may thay, lúc ấy, tôi vẫn còn đang trong thời gian thử việc. Ở giai đoạn quan trọng như vậy trong sự nghiệp, tôi trăn trở và bị ám ảnh với điều làm tình hình tồi tệ hơn: căn bệnh của tôi, hay là thái độ và sự sợ hãi khi nghĩ rằng từ bây giờ trở đi, các sếp sẽ mang theo ấn tượng tôi là một kẻ giỏi trốn việc.
Với căn bệnh trầm cảm, tôi không lúc nào thôi nghĩ đến tình huống kia và nghi ngờ bản thân- liệu họ có thực sự hiểu rằng tôi thực sự mất khả năng làm việc?
Khi tôi nói tin này với cấp trên, tôi không thể tin những gì mình đang nghe nữa: hãy chỉ trở lại khi nào cảm thấy thực sự tốt hơn. Cô ấy rất tốt bụng và cảm thông, cô ấy nói rõ rằng cô chỉ quan tâm đên tình trạng sức khỏe của tôi mà thôi, chứ không phải khả năng lao đầu vào công việc càng sớm càng tốt.
“Tớ chỉ muốn cậu làm việc với 100% năng suất và không thể kém hơn!”- Cô ấy nói.
Đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn tin rằng cách giải quyết đầy thấu hiểu của cô ấy chính là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình hồi phục của tôi.
Và điều này cũng đã giúp tôi nhìn rõ sự tương phản khi làm việc tại quê nhà. Chẳng hạn, như bao học sinh khác, tôi cân bằng quá trình học tập nghiên cứu với những công việc bán lẻ bán thời gian. Vài cuối tuần, tôi đi đến nơi làm việc trong tình trạng sổ mũi, run rẩy và ho, quá sợ hãi rằng sếp của tôi sẽ nghĩ tôi chỉ là một đứa sinh viên say khướt cố gắng trốn việc bằng cách gọi điện cáo ốm.
Tôi đã nhìn thấy những người lớn xung quanh có cách cư xử rất “Anh” như vậy, thái độ cắn răng chịu đựng. Nghỉ ốm chỉ dành cho những trường hợp được chứng nhận bởi chuyên gia y tế. Hoặc là bạn cố mà đứng lên, hoặc bạn cũng chẳng phải nhân viên tận tụy gì lắm.
Trải nghiệm mới lạ của tôi thực ra thì cũng chẳng mấy xa lại với toàn bộ công ty tôi đang làm việc. Rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp của tôi đã kể những câu chuyện tương tự, được cho về nhà khi mới có dấu hiệu sụt sịt, hay nhận được cả tin nhắn dài khuyên nhủ họ hãy nghỉ buổi chiều sau khi họ phải ở trong phòng vệ sinh hơi hơi lâu.
Một người bạn từ Anh Quốc của tôi đã chia sẻ câu chuyện về phản ứng của sếp cô ấy khi hay tin cô quá tải vì áp lực từ công việc và gia đình.
“Rõ ràng là tớ không làm tốt công việc. Tớ không hề đề cập đến việc bị mất ngủ và không thể tập trung”- Cô bạn tôi kể lại.
“Thế nhưng anh sếp bảo tớ hãy nghỉ ngơi đi nếu như tớ thực sự cần- kể cả có là phút cuối. Anh ấy động viên tớ bay về Anh với gia đình, và cũng nên xin tư vấn từ chuyên gia nếu như việc tập trung trở thành một vấn đề nghiêm trọng, lỡ như nó là dấu hiệu của một bệnh gì đó hiểm nghèo.”
Thấu hiểu và nhận thức được hậu quả của áp lực lên sức khỏe tâm lý ư? Ký ức về những lần bị ép đến công sở với mớ thuốc cảm như đã xa chúng tôi lắm rồi. Hóa ra, kiệt sức cũng là một tình trạng mà các bác sỹ Đức rất để ý, không như Anh, khái niệm “ốm đau” chỉ được áp dụng khi bạn không lết nổi khỏi giường.
Cho dù thái độ này thực sự được thúc đẩy bởi sự xấu hổ hay nỗi sợ hãi vi khuẩn vô lý, sự đối lập hoàn toàn trong cách giải quyết đối với bệnh tật chốn công sở vẫn là một điều ngạc nhiên thú vị khi đến nơi đây.
Điều này phá vỡ một trong những hiểu lầm tai hại nhất của người Anh: đến công ty khi đang ốm là một đức tính của một nhân viên chăm chỉ. Nghiêm túc mà nói, trong một nền kinh tế phát triển nhanh thuộc hàng lớn nhất thế giới, Đức không gặp vấn đề gì khi cho nhân viên thời gian để hồi phục khỏi bệnh
Theo The Local
© 2024 | Thời báo ĐỨC