Bài viết dưới đây nhằm giới thiệu và phân tích một số mô hình giáo dục ở bậc học sau THCS.
Phân luồng theo khả năng học sinh từ tiểu học
Giáo viên của trường tiểu học thường khuyên học sinh của mình vào học trong một loại hình trường nào đó dựa theo những tiêu chí về thành tích học tập, tiềm năng, và đặc điểm nhân cách như khả năng làm việc độc lập, tự tin. Tuy nhiên, cha mẹ học sinh vẫn là người ra quyết định cuối cùng về việc cho con của họ học trong trường nào. Một số phụ huynh có thể không theo những khuyến cáo của giáo viên vì họ tin rằng học ở bậc học cao hơn con của họ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn.
Trong hầu hết các tiểu bang, học sinh vào học trong các trường THCS với những loại hình sau:
+ Hauptschule (từ lớp 5 tới lớp 9) dẫn tới chứng chỉ tốt nghiệp Hauptschule và sau đó vào học bán thời gian (part-time) trong các trường nghề kết hợp với việc rèn nghề tới khi 18 tuổi. Những nghề được dạy là Kinh tế gia đình; May; Thủ công; Cơ khí; Sử dụng máy tính; Vẽ kĩ thuật. Những chương trình này được thiết kế giúp học sinh phát hiện ra những điểm mạnh của họ và chuẩn bị cho con đường nghề nghiệp sau này.
+ Realschule (từ lớp 5 tới lớp 10) dẫn tới chứng chỉ tốt nghiệp Realschule và sau đó theo học kiểu part-time trong các trường nghề, trường cao đẳng nghề (higher vocational school) hoặc tiếp tục học trong một trường Gymnasium.
+ Gymnasium (từ lớp 5 tới lớp 13) dẫn tới Abitur (kì thi tốt nghiệp và chứng nhận tốt nghiệp, bao gồm 4 học kì và 4 bài thi tốt nghiệp cuối khoá) và chuẩn bị cho học sinh vào học ĐH.
Học sinh học trong những trường Hauptschule thường là những học sinh có thành tích học tập thấp và học những môn học rất cơ bản của trường Realschule và trường Gymnasium với tốc độ chậm. Những môn học phụ trong trường Hauptschule mang tính định hướng nghề.
Vào khoảng một phần tư học sinh có độ tuổi 14 học trong các trường này theo số liệu thống kê trong nhiều năm học.
Lớp 8 học sinh có thể đi theo ba hướng tới lớp 10
Học sinh trong những trường Realschule học các môn văn hoá và thực hành nhưng nhấn mạnh đến giáo dục văn hoá. Khoảng 24 – 26% học sinh ở độ tuổi 14 vào học trong những trường này. Sau khi hoàn tất việc học tập ở hai loại hình trường học trên, học sinh có thể vào học các môn văn hoá trong trường Berufsschule theo kiểu part-time và phối hợp với việc rèn nghề. Tốt nghiệp chương trình rèn nghề học sinh được cấp một chứng chỉ nghề nào đó. Ở lớp 8 học sinh có thể đi theo ba hướng tới lớp 10. Những hướng này là: các khoa học tự nhiên, kinh doanh, và nhân văn.
Mỗi hướng có thể có các nhánh khác nhau. Ví dụ, nhánh toán học tập trung chủ yếu vào toán và vẽ kĩ thuật. Nhánh thương mại tập trung vào thương mại và kế toán. Nhánh nhân văn tập trung vào các môn giáo dục nghệ thuật và khoa học xã hội. Mặc dầu tất cả các học sinh thuộc loại hình trường này đều phải học toán và khoa học tới lớp 10 nhưng vẫn có thể bị phân chia theo khả năng. Những học sinh muốn theo các hướng khoa học tự nhiên và kinh doanh cần học nhiều về toán nâng cao hơn học sinh theo hướng giáo dục nhân văn.
Học sinh học trong những trường thuộc Gymnasium với các môn văn hoá và thường dẫn tới học ở các ĐH. Học sinh học tại các trường này có thể đi theo ba hướng: ngôn ngữ cổ điển, ngôn ngữ hiện đại và khoa học tự nhiên- toán. Một biến thể khác của loại hình trường Gymnasium truyền thống này là Berufliches gymnasium ở đó dạy những môn học mang tính chuyên môn như kinh tế học, khoa học công nghệ cộng thêm với những môn học văn hoá cốt lõi.
Ở lớp 11 và lớp 12 những môn học bắt buộc gồm: Ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật (nhóm I); Khoa học xã hội (nhóm II); Toán, khoa học và công nghệ (nhóm III); Tôn giáo (nhóm IV); Giáo dục thể chất (V). Trong những lĩnh vực này, CTĐT được chia ra làm hai mức: mức căn bản và mức nâng cao. Điều này cho phép sự định hướng chuyên ngành sớm mà không mất đi những lợi ích của giáo dục phổ thông (general education).
Sự khác nhau giữa các chương trình căn bản và nâng cao
Số tiết học trong một tuần (3 tiết đối với chương trình căn bản, 5 đến 6 tiết đối với chương trình nâng cao); Mức độ phức tạp của nội dung môn học; Mức yêu cầu học sinh lĩnh hội được nội dung môn học và khả năng học sinh làm việc độc lập.
Đặc điểm nổi bật của hệ thống giáo dục Đức là hệ thống đào tạo kép. Hệ thống đào tạo này có từ rất lâu ở Đức. Tuy nhiên, một phần của hệ thống đào tạo kép dựa trên trường học bắt đầu xuất hiện vào thế kỉ 16 và 17. Những trường này dần dần chuyển thành những trường giáo dục thường xuyên phổ thông và thương mại sau đó được cấu trúc lại tương ứng với các nghề cho đến tận đầu thế kỉ 20.
Những trường nghề là một trụ cột của hệ thống đào tạo kép ở Đức. Sở dĩ được gọi là hệ thống kép là bởi vì giáo dục nghề nghiệp (vocational education) được tiến hành đồng thời bởi nhà trường và đào tạo nghề (occupational training) bởi người sử dụng lao động.
Hiện tại, để có thể tham gia trong các khoá đào tạo kép, người học phải tốt nghiệp ở một trong hai loại hình đào tạo ở bậc trung học cơ sở Hauptschule và Realschule hoặc tốt nghiệp ở Gymnasium. Mọi người muốn chuẩn bị cho mình một nghề được ghi trong Luật đào tạo nghề nghiệp cần tham gia hệ thống giáo dục kép. Mỗi năm, khoảng 600.000 thanh niên tham gia chương trình đào tạo trong hệ thống kép trong số đó có 2/3 là những người hoàn thành giáo dục bắt buộc (tốt nghiệp THCS). Những học sinh tham gia chương trình này thường học theo kiểu part-time 1 đến 2 ngày một tuần tại các trường nghề và được đào tạo thực hành trong thời gian còn lại của một tuần. Thời gian đào tạo các chương trình nghề biến động trong khoảng giữa 2 đến 3 năm và phải thi tốt nghiệp trước khi ra trường.
Điều đáng quan tâm là một loại hình trường Berufsschule tương tự như trung học nghề của ta trước kia nhưng có điểm khác là việc rèn nghề được tiến hành cả ở ngoài các doanh nghiệp nữa. Loại trường này có nhiệm vụ cung cấp cả các chương trình giáo dục nghề nghiệp và giáo dục văn hoá phổ thông gắn với đòi hỏi của những nghề chuyên môn và thị trường việc làm. Những chương trình đào tạo ở trường này nói chung đều chia ra hai trình độ: cơ bản và chuyên môn.
Học sinh học trong các trường này có thể có cả những người đã có chứng nhận tốt nghiệp Abitur vì vậy giáo viên thường gặp những khó khăn trong việc dạy học sinh có trình độ, khả năng và động cơ học tập khác nhau.
Nội dung và tiêu chuẩn của chương trình đào tạo do uỷ ban chương trình đào tạo (CTĐT) quyết định thông qua việc bỏ phiếu kín. Hướng dẫn CTĐT được hiệu chỉnh hàng năm. Giáo viên dựa theo hướng dẫn để xây dựng bài giảng. Giáo viên có thể không sử dụng những sách giáo khoa mà họ cho rằng quá cũ và thường sử dụng những ví dụ cụ thể và tài liệu có những thông tin mới nhất. Giáo viên không được phép thay đổi CTĐT – vì CTĐT gắn chặt với những kì thi tốt nghiệp mà 70% trong số các bài thi thiết kế theo kiểu thi trắc nghiệm đa phương án trả lời.
Những đặc điểm chính của giáo dục của Đức
Việc đào tạo nghề tại các công ty dựa trên hợp đồng theo luật dân sự được kí kết bởi công ty và người học. Hợp đồng được kí kết sẽ bao hàm tất cả các mặt của đào tạo nghề như mục đích, thời gian đào tạo, tiền lương, nghĩa vụ và trách nhiệm của thầy và trò.
Tóm lại, hệ thống giáo dục của Đức cho thấy những đặc diểm chính sau:
+ Sự phân luồng dựa theo thành tích học tập và khả năng của học sinh diễn ra từ rất sớm. Vai trò của giáo viên và của gia đình rất quan trọng trong việc định hướng cho học sinh đi theo những mạch đường học tập và phát triển sự nghiệp khác nhau. Ngoài ra, việc vào học ở một trong ba loại hình trường như đã nêu trên còn phụ thuộc cả vào điều kiện kinh tế và trình độ văn hoá của cha mẹ học sinh. Học sinh trong các trường Hauptschule được dạy kiến thức phổ thông và đào tạo theo hướng thực hành sau đó tiếp tục học trong những trường nghề sau khi học xong lớp 9. Trong khi đó, ở trường Realschule học sinh được học các môn văn hoá phổ thông nâng cao nhưng không mất đi khả năng để hoàn tất chương trình và vào học trong trường nghề sau lớp 10. Gymnasium giáo dục học sinh nặng về lý thuyết và phát triển theo hướng hàn lâm hướng tới học ĐH.
+ Chương trình đào tạo ở mỗi bậc học lại chia ra làm một số nhánh nhỏ kiểu chuyên ban từ rất sớm để làm phù hợp tối đa năng lực của người học. Những môn văn hoá liên kết chặt chẽ với định hướng chuyên môn sau này.
+ Sự liên thông trong các loại hình trường học được thực hiện linh hoạt giúp cho người học chọn đúng trường phù hợp với năng lực bản thân.
+ Hiện tại những trường nghề và trường Berufsschule găp phải khó khăn tuyển sinh do ngày càng có nhiều học sinh muốn vào học trong các ĐH. Đặc biệt đối với khu vực đông Đức, vào học trong các trường Gymnasium là một nguyện vọng lớn nhất của học sinh.
Nhìn chung, giáo dục trung học phổ thông trên thế giới tồn tại những mô hình sau đây để phân luồng học sinh sau THCS: + THPT định hướng theo hướng hàn lâm – chuẩn bị cho học sinh tốt nghiệp THPT để vào các viện ĐH 4 năm hoặc vào các ĐH. + THPT cả theo hướng hàn lâm và hướng nghề. + THPT theo hướng nghề. Ngoài ra, đối với những học sinh bỏ học giữa chừng ở THCS, hay THPT hoặc những người lao động thiếu kỹ năng, các quốc gia đều có chương trình đào tạo kỹ năng (các khóa ngắn hạn) cho người lao động thông qua sự két hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Hoàng Ngọc Vinh
Theo vietnamnet
© 2024 | Thời báo ĐỨC