Giá điện bán lẻ Việt Nam rất thấp so với nước Đức

Nếu giá điện bán lẻ chỉ duy trì ở mức thấp thì chắc chắn không đủ nguồn lực để huy động các nguồn năng lượng, nguồn điện khác để phát triển kinh tế xã hội.

Gặp mưa, công suất điện mặt trời tụt 90%

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết cơ cấu công suất đặt nguồn điện sẽ giảm dần nhiệt điện than từ 34% xuống còn 27% năm 2030 và 18% vào năm 2045.

Thay vào đó, phát triển mạnh mẽ các nguồn điện khí, đưa tỷ lệ điện khí từ 15% hiện nay lên mức 23% năm 2030, 25% năm 2045. Điện mặt trời và điện gió cũng phát triển tăng lên 42% trong tổng công suất đặt hệ thống năm 2045.

Cùng ý kiến, ông Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam, cũng cho biết theo dự thảo về sơ đồ điện 8 sẽ tăng tỷ trọng điện tái tạo, giảm dần tỷ trọng điện than và thủy điện, duy trì điện khí ở quy mô phù hợp.

Tuy nhiên, ông Sơn đưa ra một lo ngại trong vấn đề an ninh năng lượng là khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

132 1 Gia Dien Ban Le Viet Nam Rat Thap So Voi Nuoc Duc

Chia sẻ lại về cuộc khảo sát cách đây bốn tháng, ông Sơn cho biết đã chứng kiến một dự án điện mặt trời, chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, từ lúc có nắng cho đến khi có mưa, tổng công suất phát điện của nhà máy tụt 90%. “Vậy thì hệ thống điện Việt Nam, khi tỷ trọng điện năng lượng tái tạo tăng lên với mức độ 30-40% thì điều gì sẽ xảy ra nếu 90% công suất bị sụt giảm trong vòng hai ngày? Rõ ràng toàn bộ hệ thống điện Việt Nam sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm” – ông Sơn nói.

Từ đó, ông cho rằng đây là những thách thức mà đòi hỏi cần có các nghiên cứu đánh giá một cách đầy đủ hơn.

Giá điện thấp nên không hấp dẫn

Tiếp tục chia sẻ về câu chuyện giá điện, ông Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam cho biết đây là rào cản cực kỳ lớn không chỉ ảnh hưởng đến phát triển nguồn điện truyền thống mà ảnh hưởng đến cả vấn đề sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Theo các nghiên cứu từ trước tới nay đều cho thấy Việt Nam đang sử dụng mức giá điện bán lẻ rất thấp.

So sánh với nước Đức, họ dùng một nửa giá điện bán lẻ để bù giá cho điện tái tạo và chi trả cho các chi phí vận hành lưới điện truyền tải và phân phối trong khi tỉ lệ đó ở Việt Nam chỉ khoảng 20%.

“Hiện nay chúng ta đang bù giá bằng cách phối hợp, bù chéo các dạng nguồn khác nhau. Điều này gây ra sự méo mó rất lớn đối với thị trường điện và gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động phát triển năng lượng sạch cũng như sử dụng điện năng lượng tiết kiệm, hiệu quả” – ông Sơn nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng giá điện chưa cạnh tranh gây khó khăn cho việc huy động các nguồn khác tham gia như điện khí, mặt trời vì giá các nguồn này vẫn đang ở mức cao.

“Hiện nay tất cả quy định ở các văn bản pháp luật đều tạo điều kiện cho các dự án điện gió, điện mặt trời được phép tham gia thị trường điện, nhưng đến bây giờ không một chủ đầu tư nào muốn tham gia cả.

Lý do là đang theo cơ chế FIT, giá rất cao so với giá bán lẻ nên không một chủ đầu tư nào muốn tham gia vào thị trường phải đấu giá để cạnh tranh” – ông Sơn cho biết.

Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay cho thấy mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức.

Đơn cử như các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

Nguyên nhân chủ yếu là do tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn.

Tuy trữ lượng than còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để do công nghệ còn lạc hậu và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn khiến tăng giá thành.

Cạnh đó, một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ và chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai.

“Chúng ta vẫn chưa có một chiến lược và chính sách cụ thể, rõ ràng để bảo đảm khả năng tiếp cận được các nguồn năng lượng có khả năng cung cấp dài hạn, có độ tin cậy cao, giá thành hợp lý; giá năng lượng còn chưa theo cơ chế thị trường…” – ông Hiển nói.


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày