Đường cao tốc Autobahn đã thay đổi nước Đức như thế nào

Hệ thống đường cao tốc Autobahn là một trong những biểu tượng của nước Đức. Autobahn (nghĩa đen là “đường băng dành cho xe hơi”) đóng vai trò kết nối toàn bộ đất nước.

Qua nhiều thập kỷ phát triển, Autobahn đã chuyển mình từ một phần của cơ sở hạ tầng quốc gia thành biểu tượng văn hóa của nước Đức. Nhiều tác phẩm nghệ thuật, album, hàng hóa trên toàn cầu, thậm chí là tên của một quán rượu Ailen đều lấy cảm hứng từ Autobahn.

132 1 Duong Cao Toc Autobahn Da Thay Doi Nuoc Duc Nhu The Nao

Khởi đầu của Autobahn

Không như nhiều người lầm tưởng, Đức Quốc xã không phát minh ra Autobahn. Thay vào đó, ý tưởng xây dựng đường cao tốc nối các thành phố đang mở rộng của Đức sau Thế chiến thứ nhất được hình thành ở Cộng hòa Weimar thời hậu chiến. Con đường công cộng đầu tiên thuộc loại này được khánh thành vào năm 1932, nối Cologne và Bonn. Tuyến đường này vẫn tồn tại cho đến ngày nay, khi nó là một phần của Autobahn 555.

Sau khi Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, ông ta đã sử dụng Autobahn nhằm trục lợi chính trị, bổ nhiệm Fritz Todt làm “Tổng thanh tra xây dựng đường bộ của Đức” và giao cho ông này việc phát triển mạng lưới Autobahn.

Todt đứng sau một chương trình tạo việc làm, mà theo tuyên truyền của Đức Quốc xã, đã giúp xóa bỏ tình trạng thất nghiệp ở Đức. Công nhân Autobahn sống trong các trại làm việc gần địa điểm xây dựng, và họ bị bắt buộc đến đó thông qua Chương trình Lao động Đế chế bắt buộc (qua đó, họ sẽ được loại khỏi số người thất nghiệp).

132 2 Duong Cao Toc Autobahn Da Thay Doi Nuoc Duc Nhu The Nao

Những ngày đầu của Autobahn Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, kết quả của quá trình mở rộng nói trên vô cùng hạn chế, và việc xây dựng ngày càng dựa vào các công nhân khổ sai và tù nhân trong trại tập trung sau khi chiến tranh nổ ra vào năm 1939.

“Vì phần lớn lực lượng công nhân được yêu cầu duy trì sản xuất để phục vụ cho chiến tranh, cho nên lao động cưỡng chế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Autobahn”, bà Alice Etropolszky, trưởng nhóm tiếp thị sản phẩm tại công ty giao thông công cộng door2door cho biết.

Bà cho biết thêm, việc lao động cưỡng chế xảy ra trong “ điều kiện làm việc vô cùng tồi tệ”.

Vào năm 1942, khi chiến tranh trở nên bất lợi với Đức quốc xã, chỉ có 3.800 km trong kế hoạch 20.000 km của đường cao tốc được hoàn thành.

Sự khác biệt giữa Đông Đức và Tây Đức

Sau chiến tranh, hầu hết các đường Autobahns ở Tây Đức đã được sửa chữa và đưa vào sử dụng trở lại, với chương trình mở rộng bắt đầu được triển khai từ những năm 1950. Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, một số đoạn của đường cao tốc được thiết kế để hoạt động như những sân bay dã chiến cho quân Đồng minh.

Trong khi đó, ở CHDC Đức (Đông Đức), đường cao tốc được sử dụng chủ yếu cho giao thông quân sự và các phương tiện sản xuất của nhà nước.

132 3 Duong Cao Toc Autobahn Da Thay Doi Nuoc Duc Nhu The Nao

Dưới thời đất nước bị chia cắt, Tây Đức và Đông Đức đã phát triển Autobahn riêng biệt. Ảnh: Getty Images

Sự khác biệt về mục đích xây dựng đường cao tốc giữa Tây Đức và Đông Đức có thể thấy rõ cho đến cả ngày nay. Ở một số vùng của Đức, người ta có thể cảm nhận được sự khác biệt rõ ràng khi lái xe băng qua bề mặt đường nhẵn mịn của Tây Đức, sau đó lại phải đi qua những khối bê tông cũ, mấp mô mà phần lớn các tuyến đường Autobahn ở Đông Đức cũ sử dụng.

Đường Autobahn ngày nay

Kể từ năm 1953, tên gọi chính thức cho hệ thống đường cao tốc ở Đức là Bundesautobahn, có nghĩa là “đường cao tốc liên bang”. Đường cao tốc Autobahn trải dài 13.000 km, khiến nó nằm trong số các hệ thống đường dài và dày đặc nhất trên thế giới.

Hầu hết các phần cao tốc đều có hai, ba hoặc thậm chí bốn làn đường ở mỗi hướng, cộng thêm một làn đường khẩn cấp.

Đường cao tốc Autobahn được tài trợ bởi thuế và được duy trì bởi chính nhà nước Đức chứ không phải các địa phương mà nó đi qua. Xe hơi được đi vào miễn phí, nhưng kể từ năm 2005, xe tải bắt đầu bị thu phí.

132 4 Duong Cao Toc Autobahn Da Thay Doi Nuoc Duc Nhu The Nao

Ngày nay, Autobahn là biểu tượng cho tự do cho mọi người, thậm chí ở rất xa Đức. Ảnh: Shutterstock

Autobahn cũng có lực lượng cảnh sát riêng, Autobahnpolizei. Họ thường sử dụng những chiếc xe cảnh sát ngụy trang được trang bị máy quay để ghi lại các hành vi vi phạm tốc độ. Thậm chí còn có một loạt phim truyền hình được sản xuất dành riêng cho họ, “Alarm für Cobra 11”, tập trung vào công việc của một nhóm cảnh sát ở khu vực Rhine-Ruhr.

Tốc độ là điều thiết yếu

Hầu hết mọi người nghĩ rằng họ có thể lái xe với tốc độ nhanh nhất có thể trên đường Autobahn. Điều này chỉ đúng một phần. Một số đoạn đường Autobahn, ví dụ như A3 giữa Cologne và Frankfurt, không có giới hạn tốc độ, tạo cơ hội cho người lái có thể phóng xe nhanh hết cỡ.

Không có gì ngạc nhiên khi Autobahn cũng có tác động đối với nền văn hóa, bắt đầu với bài hát và album "Autobahn" của nhạc sĩ điện tử người Đức Kraftwerk, đạt vị trí thứ 25 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 năm 1975. Ở Ireland xa xôi, một nhà hàng cũng đã lấy cái tên Autobahn để đặt cho quán của mình.

Ngoài ra, ở Đức, Autobahn cũng là nơi mà nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức. Khi vùng Ruhr ở phía tây của đất nước được đặt tên là Thủ đô Văn hóa Châu Âu vào năm 2010, phần lớn giao thông trên đoạn A40 của đường cao tốc này đã đóng cửa. Thay vào đó, hai triệu người đã sử dụng nó để đi bộ, đạp xe, chạy, dã ngoại hoặc và tham gia hòa nhạc, tất cả đều là một phần của tác phẩm nghệ thuật công cộng mang tên “Still-Leben”.

Autobahn của tương lai

132 5 Duong Cao Toc Autobahn Da Thay Doi Nuoc Duc Nhu The Nao

Autobahn thậm chí còn có lực lượng cảnh sát riêng. Ảnh: Shutterstock

Hiện nay, Đức là quốc gia châu Âu duy nhất có cao tốc không có giới hạn tốc độ và các cuộc thảo luận xung quanh việc đặt ra một giới hạn luôn là chủ đề nóng trong chính trường Đức. Những lời kêu gọi đưa ra giới hạn tốc độ đã xuất hiện từ những năm 1980 và tăng dần lên trong những năm gần đây, đặc biệt là vì chúng có thể giảm lượng khí thải CO2.

Đảng Xanh đã cố gắng đưa ra giới hạn tốc độ 130 km/h vào năm 2019, nhưng nó đã bị bỏ phiếu bác bỏ. Hiện tại, các chính trị gia và công chúng ở Đức vẫn chưa quyết định được tương lai của đường cao tốc Autobahn.

Người phụ trách việc mở rộng Autobahn là Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Andreas Scheuer. Gần đây, ông Scheuer đã gây ra tranh cãi khi đăng trên Twitter: “Nếu bạn sống trong một ngôi làng, bạn cần Autobahn!”. Phát biểu này đã tạo ra sự phẫn nộ trong bộ phận người dân sống ở các vùng nông thôn, khi họ ưa chuộng hệ thống giao thông công cộng tốt hơn.

Mặt khác, Đảng Xanh Đức yêu cầu phải dừng ngay lập tức các dự án mở rộng Autobahn, đặc biệt là dự án A49 ở Hessen, vì này đồng nghĩa với việc phá hủy khu rừng rộng 300 năm tuổi, rộng 1000 ha, Dannenröder Wald.

Bất chấp tương lai đầy bấp bênh, Autobahn vẫn sẽ luôn đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của nước Đức.

Danh Chân (CNN)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày