Những cư dân đầu tiên đặt chân tới thị trấn vào khoảng năm 898 SCN. Họ hoàn toàn không hay biết mình đang sống trên mỏ kim cương, nơi hàng triệu những viên siêu nhỏ tồn tại.
Nördlingen nằm ở Bavaria, thuộc phía Nam nước Đức. Nơi này hiện có dân số khoảng 20.000 người.
Thị trấn Nördlingen nhìn từ trên cao. (Nguồn: Rightside)
Như bao thị trấn cổ xưa khác, thoạt nhìn, Nördlingen không có gì quá khác biệt. Nhìn từ trên cao, thị trấn trông tròn xoe với những nếp nhà mái đỏ và nhà thờ thiết kế theo phong cách Gothic. Trước kia, vùng lõm khổng lồ nơi thị trấn tọa lạc từng bị thiên thạch va trúng, khiến có có hình dáng lạ thường như ngày nay.
Khung cảnh thanh bình ở thị trấn dát kim cương tại Đức. (Nguồn: Insider)
Nhưng điểm khác biệt lớn nhất ở Nördlingen chính là thị trấn được dát kim cương. Một vụ nổ cách đây chừng 15 triệu năm, khi đó, thiên thạch đã đâm trúng khu vực này, tạo nên chiếc hố khổng lồ với đường kính gần 24km, sâu chừng 100-150m, mang theo hàng triệu hạt kim cương nhỏ xíu nằm rải rác khắp nơi. Kể từ đó hình thành nên loại đá dăm gọi là suevite.
Một số công trình tại thị trấn làm từ đá suetive chứa hàng triệu hạt kim cương nhỏ xíu không thấy được bằng mắt thường. (Nguồn: malashocks)
Vùng đất này từng bị bỏ hoang cho tới khi những người đầu tiên tới khai hoang vào năm 898 rồi lập nên Nördlingen. Họ dùng loại đá dăm tại địa phương là suevite để xây dựng các công trình. Dù đá suevite cũng được tìm thấy ở nhiều nơi khác trên thế giới, nhưng mật độ đá quý tại vùng đất này lớn hơn hẳn so với những nơi khác.
Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng kim cương tại đây lên tới 72.000 tấn, nhưng tồn tại ở những kích thước khác nhau. Những bức tường bao quanh, hay nhà thờ, đều được xây bằng đá chứa kim cương siêu nhỏ. Chúng có kích thước nhỏ hơn 0,2mm nên hầu như không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Góc nhỏ ở thị trấn nằm trên mỏ kim cương. (Nguồn:Travel + Leisure)
Chỉ ước tính riêng lượng kim cương dát quanh nhà thờ St. Georgs đã lên tới 5.000 carat. Tuy nhiên, vì các viên đều có kích thước siêu nhỏ, nằm lẫn trong đá, nên người dân chẳng lo việc phải canh chừng nạn trộm cắp.
“Nhà thờ St. Georgs được xây từ đá suevite chứa hàng ngàn carat kim cương. Nhưng thực tế, chúng chỉ là bụi kim cương, không thấy qua mắt thường, mà chỉ nhìn được bằng kính hiển vi. Bởi vậy, kim cương ở đây mang ý nghĩa về khoa học, chứ không đem lại giá trị kinh tế”, Gisela Pösges, phó giám đốc bảo tàng Ries Crater ở Nördlingen cho biết.
Ngoài nhà thờ St. Georgs, tòa tháp Horst Lenner được “dát” kim cương cũng là một trong những công trình cổ xưa còn sót lại. “Tòa bộ khu tháp được bọc bằng những viên kim cương siêu nhỏ. May mắn là chúng có kích thước rất nhỏ, nếu không công trình chẳng tồn tại được đến bây giờ”, một người trông coi tòa tháp chia sẻ.
Hiện tại, thị trấn Nördlingen đã trở thành điểm du lịch hút khách. Người ta còn nói đùa rằng, khi tới đây, chỉ cần hít thở không khí cũng đủ giàu có. (Nguồn: Germany Travel Guide)
Trong khi nhiều du khách lặn lội tới đây để được chiêm ngưỡng thị trấn dát kim cương ngoài đời thực, thì người dân địa phương lại cho biết: “Người ta bảo chúng tôi sống trên mỏ kim cương. Điều này đúng, nhưng tôi chẳng thấy gì khác lạ”.
© 2024 | Thời báo ĐỨC