Chỉ số lòng tin của các doanh nghiệp tại Đức trong tháng này giảm xuống 90,7 điểm từ mức 92,5 điểm trong tháng trước, đánh dấu tháng tháng giảm thứ hai liên tiếp sau năm tháng tăng.
Lòng tin trong lĩnh vực dịch vụ giảm đáng kể, đặc biệt là của các nhà hàng và trong các dịch vụ khách hàng, trong khi của các nhà chế tạo không chịu ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế mới nhất lại tốt lên đáng chú ý.
Theo Chủ tịch Ifo, Clemens Füst, làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai đã làm gián đoạn đà phục hồi của nền kinh tế Đức.
Chỉ số lòng tin của các doanh nghiệp rơi xuống mức thấp kỷ lục trong tháng Tư, khi Đức yêu cầu các nhà máy và các cửa hàng phải đóng cửa trong bối cảnh bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ nhất và đã phục hồi tăng trong tháng Năm, khi các hoạt động của doanh nghiệp từng bước được nối lại.
Tuy nhiên, sự gia tăng số ca mắc mới đã buộc Đức phải thực hiện đợt phong tỏa thứ hai trong tháng này, ảnh hưởng tới các quán bar, nhà hàng, các trung tâm thể thao và văn hóa. Các cửa hàng và các doanh nghiệp khác vẫn mở cửa.
Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ gặp các thủ hiến bang vào ngày 25/11 để quyết định việc có kéo dài các biện pháp hạn chế trong tháng 12 hay không vì đây là một biện pháp sẽ gây thêm sức ép lên nền kinh tế lớn nhất châu Âu . Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư KfW, Fritzi Koehler-Geib, cho rằng các doanh nghiệp Đức đang đứng trước một mùa Đông khó khăn.
Trong khi đó, nhà kinh tế Uwe Burkert của ngân hàng LBBW nhận định, lòng tin của doanh nghiệp sẽ giảm sút hơn nữa trong một, hai tháng tới và sẽ chưa cải thiện cho đến khi chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 bắt đầu được thực hiện.
Những hy vọng về vắc-xin phòng COVID-19 đã gia tăng khi các số liệu gần đây cho thấy ba vắc-xin tiềm năng có hiệu quả cao trong các cuộc thử nghiệm quy mô lớn.
Theo số liệu của chính phủ, kinh tế Đức ước tính giảm 5,5% trong năm nay, và sẽ tăng 4,4% trong năm tới./.
Nguồn: TTXVN
© 2024 | Thời báo ĐỨC