20% dân Đức đang "xuất khẩu" người già sang Ba Lan để tiết kiệm tiền chăm sóc ông bà/bố mẹ lớn tuổi, đồng thời để người già được hưởng các dịch vụ tốt hơn. Nhu cầu này trở thành cơ hội cho các doanh nghiệp Ba Lan nhưng lại vấp phải sự lên án mạnh mẽ tại chính nước Đức.
Cô Ilona von Haldenwang tổ chức sinh nhật lần thứ 94 cho mẹ trong viện dưỡng lão tại Ba Lan - Ảnh: CNBC
Cơ hội kinh doanh béo bở
Đối với một số vùng ở Ba Lan, đây lại là cơ hội kiếm tiền. Sự hấp dẫn của lượng khách hàng cao niên đã gây chú ý cho giới doanh nhân Ba Lan và các ông chủ khu nghỉ dưỡng. Nhân viên kinh doanh dịch vụ dưỡng lão Stobrawe cho biết kinh doanh loại hình này đã tăng lên trong vài tháng qua. Công ty môi giới viện dưỡng lão của anh đã tư vấn cho hơn 100 gia đình, 8 người đặt chỗ và ký thêm 7 hợp đồng nhận người già đến Ba Lan trong tháng tới.
Bà Sonja Miskulin đã gia nhập đội tiên phong của phong trào gây tranh cãi: di cư cư dân dưỡng lão. Bà đã quên hẳn con mèo Pooki yêu thích ở nhà. Căn bệnh mất trí khiến bà không còn nhớ mình có những đứa cháu và cũng không còn ấn tượng gì về chuyến hành trình 9 giờ đồng hồ chia cách bà khỏi nước Đức, nơi chôn nhau cắt rốn của bà.
Con gái bà, cô Ilona von Haldenwang, quyết định đưa mẹ đến đây để bà có cuộc sống tốt hơn với mức phí chăm sóc phù hợp. Bà Sonja Miskuli vừa mới kỷ niệm sinh nhật lần thứ 94 trong một viện dưỡng lão Ba Lan.
Nhà mới của bà Miskulin là khu nghỉ dưỡng Szklarska Poreba đẹp như tranh vẽ. Con gái bà, sau khi nghiên cứu trên website và gặp gỡ với nhà môi giới, đã chọn một viện dưỡng lão cho mẹ.
Trong 4 năm qua, cô von Haldenwang nhận thấy sức khỏe mẹ giảm sút nhanh chóng mà theo cô là do cơ sở vận hành của Đức nghèo nàn. Trong khi đó chỉ với 1/3 giá tiền, mẹ cô được sống tại một biệt thự cổ kính, sang trọng, được ăn những món ăn ngon, luôn có điều dưỡng túc trực và các phương pháp vật lý trị liệu phổ biến rộng rãi.
Chủ nhân viện dưỡng lão này cho biết sắp tới 1/2 cư dân nơi đây sẽ là người Đức, những người có bảo hiểm dài hạn được nhà nước ủy quyền theo chương trình gần 20 năm, phúc lợi cao hơn hẳn hầu hết người dân bên ngoài châu Âu, kể cả Mỹ.
Bà Ingrid Fetz, 74 tuổi, cho biết bà sợ số tiền tiết kiệm của mình sẽ không còn nếu như phải vào viện dưỡng lão gần nhà con gái tại Munich, có thể bà sẽ phải bán nhà. Nhưng nếu đến Ba Lan, bà sẽ có dư một ít tiền sau khi đã trừ chi phí chăm sóc. Bà bắt đầu tìm kiếm các website tiếng Đức chuyên cung cấp nơi ở trong các viện dưỡng lão tại Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary và nhất là Ba Lan với giá phải chăng. Bà đã chọn thị trấn Zabelkow, Ba Lan.
Bà Fetz đã ở thử 1 tuần tại viện dưỡng lão Zabelkow và nếu thích thì sẽ quyết định ở. Điều dưỡng nói tiếng Đức, các bảng tin trong thang máy viết bằng tiếng Đức, nhà bếp cũng tràn ngập thương hiệu cao cấp Robert Bosch của Đức.
Cư dân được ăn những món Đức cổ điển như bánh mì, thịt muối, bơ. Ngoài ra, TV màn hình phẳng lớn cũng chiếu giải bóng đá Bundesliga của Đức với các đội như Wolfsburg, Mönchengladbach. Khăn trải, hệ thống gọi khẩn cấp hay găng tay... tất cả đều là hàng Đức. Thậm chí thìa ăn cơm cũng của Đức. Viện nhanh chóng bổ sung 34 giường, hoàn tất thêm 6 phòng đơn có gác và sẽ hoạt động trong tháng 11 tới đây.
Vấn đề đạo đức?
Một tờ báo hàng đầu của Đức đã lên án việc làm này là "chủ nghĩa thực dân người già" và so sánh những cuộc di cư đó không khác gì "xuất khẩu rác".
Xu hướng "xuất khẩu người già" đang bị lên án mạnh mẽ ở Đức, khi trong 5 người Đức thì có 1 người sẽ lên đường sang Ba Lan để dưỡng lão. Ngày càng nhiều gia đình cho rằng đó là lựa chọn tốt nhất để phụng dưỡng ông bà/ cha mẹ một cách chu đáo và tiết kiệm tiền, do chăm sóc người già tại nhà ở Đức quá tốn kém.
Dân số già đang là một dấu hiệu cảnh báo sớm cho những thách thức về cân đối dân số toàn cầu. Khi tỉ lệ sinh giảm, tuổi thọ tăng lên và thế hệ "Baby Boom" đang bắt đầu lão hóa, Liên Hiệp Quốc ước tính dân số thế giới trên 60 tuổi sẽ tăng gấp 3 lần, cán mốc 2 tỉ người vào năm 2050. Trong khi đó, ngay cả với những người già được nhận trợ cấp từ chính phủ như Đức, chi phí chăm sóc điều dưỡng đang dần bị cắt giảm. Theo báo cáo từ Ủy ban châu Âu năm 2012, chi tiêu chăm sóc dài hạn cho người già của người Đức tăng từ 1,4% GDP lên 3,3% vào năm 2060.
Bảo hiểm sẽ trả 1.550 euro/tháng (tương đương 2.060 USD/tháng) cho người già Đức, giống như bà Miskulin, cần mức chăm sóc cao nhất.
Con số này chỉ bằng một nửa tiền trung bình hằng tháng cho một trường hợp như vậy tại nước Đức là 3.250 euro. Viện dưỡng lão ở Ba Lan tiếp thị dịch vụ trong một số trường hợp có thể ngang bằng hoặc tốt hơn với giá khoảng 1.200 euro/tháng nhờ giá nhân công rẻ.
Chính phủ Đức sẽ chỉ trả khoảng 700 euro cho chi phí điều dưỡng bên ngoài nước này. Dù ít hơn một nửa số tiền đưa cho các viện dưỡng lão nội địa, nhưng cùng với lương hưu đã có thể chi trả hằng tháng chi phí chăm sóc.
Theo báo cáo của Tổ chức Phát triển và hợp tác Kinh tế, dân số Đức dự báo sẽ già nhất thế giới vào năm 2050 cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ý, với khoảng 15% dân số trên 80 tuổi.
Châu Loan - TUOITRE
© 2024 | Thời báo ĐỨC