Trong quan niệm của người Việt Nam, đối với người còn sống đôi lúc có thể qua loa đại khái, nhưng đối với người đã khuất thì có câu “nghĩa tử là nghĩa tận”, ai ai cũng đều quan tâm đến mộ phần của người thân và của cả chính mình, luôn mong muốn “mồ yên mả đẹp”. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm linh, mà trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, phong thủy mộ phần tổ tiên và thân nhân đã khuất có tốt đẹp, nằm đúng hướng, người còn sống trên dương thế mới được hưởng lộc, hưởng phước báu, được ông bà tổ tiên phù hộ độ trì, làm ăn phát đạt …
Tại Đức, không có mộ phần nào được lưu lại vĩnh viễn, mà cứ sau khoảng 20-30 năm “yên nghỉ” (trẻ em là 10-20 năm), các nghĩa trang sẽ cho san bằng để tạo thêm chỗ mới. Trong thời kỳ “yên nghỉ” này, thông thường gia quyến phải tự lo việc chăm sóc mộ phần. Tuy nhiên, nếu không có ý định về quê hương lúc cuối đời, cũng nên tìm hiểu thêm về dịch vụ chăm sóc mộ phần ở đây.
Theo tìm hiểu, các nghĩa trang ở Đức đều có dịch vụ chăm sóc mộ phần do một vườn ươm trong vùng đảm nhận. Một là gia quyến hoặc khách hàng khi còn sống có thể chỉ thuê dịch vụ chăm sóc và trồng cây xanh trên mộ của vườn ươm. Hai là thuê bao theo năm, ví dụ đều đặn đến nhặt cỏ, tưới cây, cắt tỉa cành, lau chùi bia đá v.v…, và cứ ba lần trong năm trồng cây mới theo mùa trên mộ phần. Hợp đồng thuê bao theo năm thường không có kỳ hạn và sẽ tiếp tục gia hạn hàng năm, nếu khách hàng không thông báo hủy. Mỗi năm, khách hàng sẽ nhận từ một đến hai hóa đơn thanh toán.
Lựa chọn thứ ba là thuê bao dịch vụ chăm sóc mộ phần vĩnh viễn – nghĩa là khách hàng sẽ trả ngay khoản phí chăm sóc mộ phần cho toàn bộ thời kỳ “yên nghỉ”. Khoản tiền này sẽ do một quỹ tín dụng (Treuhandgesellschaft) quản lý và chuyển khoản cho vườn ươm theo từng kỳ thanh toán đã định trong hợp đồng. Đây cũng là dịch vụ tối ưu nhất mà khách hàng có thể lựa chọn và ký sẵn hợp đồng khi còn sống.
Cẩm Chi
© 2024 | Thời báo ĐỨC