Sau 4 tháng rưỡi ở Đức, chàng trai Sài Gòn 25 tuổi Duy Bùi đã nhận được nhiều bài học khi sang quốc gia này du học nghề, ngành nhà hàng khách sạn. Là con một trong gia đình, một phần bố mẹ cưng chiều, muốn con chỉ tập trung vào việc học, một phần là con trai nên Duy ít phải "động tay chân" vào những việc lặt vặt trong nhà.
Ấy vậy mà khi đi du học, Duy làm chạy bàn, lao động chục tiếng mỗi ngày, thời gian rảnh lại tranh thủ dạy online tiếng Đức. Có chút vất vả nhưng Duy tự hào về quyết định đúng đắn của mình mặc dù ban đầu không được gia đình ủng hộ.
Chia sẻ về những thành tích đã đạt được khi đi học, Duy tiết lộ năm lớp 9 mình từng đại diện cho học sinh cấp 2 Việt Nam sang Singapore dự thi Toán các nước Đông Nam Á. Sau đó, khi chuyển cấp, Duy theo học lớp chuyên Hoá của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Duy nhận ra mình có khả năng học tập, tiếp thu rất nhanh nên chỉ cần 1 tháng là chàng trai Sài Gòn có được IELTS 6.5, chưa tới 1 năm là lấy được bằng B2 tiếng Đức từ con số 0 tròn trĩnh.
Ảnh: FBNV.
Học phải đi đôi với hành
"Nhưng mình nhận ra, tất cả những cái học ở trên đều chỉ là học cho biết và học để thi cử. Trong khi đó chân tay lại cực kỳ vụng về, không biết nấu cơm, giặt đồ, không biết làm việc nhà vì xưa nay ba mẹ mình làm hết. Một ngày mình đắn đo suy nghĩ, cứ thế này mãi thì tương lai cũng sẽ chẳng đi tới đâu. Sáng sớm xách xe đi làm, tối về ăn uống, xem phim, đọc ba tin tức trên mạng rồi ngủ, cứ thế đến hết đời người. Vì thế mình quyết tâm thay đổi, chọn thử thách cuộc đời bằng 3 năm làm việc chân tay ở xứ người."
Không phải ai cũng đủ can đảm để bước ra khỏi vùng an toàn như Duy Bùi. Tuổi trẻ mà cứ mãi giậm chân một chỗ phải chăng bạn đang phí phạm một thanh xuân nhiệt huyết? Duy kể lại, khi đặt chân được đến nước Đức, cuộc sống bắt đầu dạy cho cậu bạn những bài học đầu tiên. "Trước hết bằng B2 tiếng Đức của mình chẳng có ý nghĩa gì cả vì thời gian đầu nói chuyện với sếp và đồng nghiệp, phần lớn mình không hiểu gì. Nên trong lúc làm việc họ phải dẫn mình ra tận nơi, cầm tay chỉ việc, mình thấy ngại lắm. Thế là quan điểm tự học của mình thay đổi hoàn toàn. Lần này phải "learn by doing", không có "learn to know" nữa.
Mình lên mạng tìm tòi và luyện tập nhiều hơn những câu giao tiếp tiếng Đức thường ngày, học thêm những từ vựng chuyên ngành nhà hàng khách sạn để có thể giao tiếp tốt hơn với sếp, đồng nghiệp và khách. Ngày nào đông khách là mình thích vì có cơ hội giao tiếp nhiều, từ đó mình sẽ càng tự tin hơn và phản xạ giao tiếp tiếng Đức sẽ tốt hơn."
Không ngại việc nhà, không ngại gian khổ
Tự nhận bản thân là "chúa lười biếng" khi nhắc đến nấu ăn khi còn ở Việt Nam vì đã có ba mẹ làm cho. Thời gian rảnh, Duy chia sẻ thật mình thường nằm lì trong nhà cày phim, lướt Facebook, xem YouTube... Nhưng cuộc sống ở Đức đã thay đổi cậu hoàn toàn. Nước Đức đã dạy cho cậu bài học tiếp theo: Không nấu thì nhịn đói. Duy bắt đầu từ việc tự tìm hiểu nấu ăn trên YouTube, hằng ngày cũng tự giặt đồ, tự dọn phòng, chà toilet cho sạch sẽ, thơm tho.
"Một điều chưa từng xảy ra trong đời mình từ đó giờ, trừ khi sống ở Đức", Duy thật thà.
Cậu bạn chia sẻ thêm: "Mỗi sáng, tầm 4h30 – 5h là mình bật dậy như tôm. Sau khi đánh răng rửa mặt, mình tranh thủ học bài trên trường nghề, ôn chút tiếng Đức, tiếng Anh, sửa soạn ăn uống rồi đi làm. Kể cả những ngày nghỉ mình vẫn giữ thói quen dậy sớm như thế. Nên sáng nay dù được nghỉ, mới 5h30 sáng mình xuống dưới lấy cà phê, bà lễ tân người Đức nhìn mình với ánh mắt vô cùng ngạc nhiên."
Phẩm chất đáng ngưỡng mộ của người Đức
Trong suốt thời gian 4 tháng rưỡi làm chung với người Đức, Duy thực sự nể phục họ ở 2 điều sau:
- Một, tính đúng giờ đến từng giây từng phút, Duy gần như bị ám ảnh bởi điều này. Đi làm đúng giờ là phải có mặt ở chỗ làm trước 10 phút. Nghỉ giải lao 15 phút là đúng 15 phút sau phải sẵn sàng cho công việc, lố 1 phút là bị nhắc nhở liền.
- Hai, năng lực quan sát và quán xuyến đa nhiệm. Ví dụ, trong công việc hàng ngày của Duy, lúc bưng đồ ăn từ bếp ra cho khách, mắt phải đảo qua đảo lại quan sát liên tục, xem có khách nào có nhu cầu gì không thì chạy ra chăm sóc. Trước khi vào lại bếp, mắt lại tiếp tục đảo qua đảo lại quan sát. Thấy bàn nào ăn xong, phải chạy đến dọn dẹp rồi bưng hết theo luôn, không được phép vào bếp với 2 bàn tay không. Trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn, chân đi nhiều mà không cầm gì trong tay, đối với người Đức là làm việc không hiệu quả.
Thế nên, trong 4 tháng vừa qua, cuộc sống của chàng trai Sài Gòn thực sự khá thử thách: áp lực có, mệt mỏi có, bao nhiêu thứ phải học, phải làm, phải thích nghi… Nhưng với Duy, những trải nghiệm ấy thực sự xứng đáng.
Duy tâm niệm, du học như là một lò luyện kim, quăng mình vào đó, luyện ở nhiệt độ rất cao để biến từ bột than đen thui thành một viên kim cương sáng ngời. Việc cậu rời khỏi nhà để đến một vùng đất xa lạ là một trong những quyết định tốt nhất mà bản thân có thể làm. Từ đó, cậu trưởng thành hơn rất nhiều, càng thêm yêu quê hương, đất nước con người Việt Nam.
Không ngại nói về những suy nghĩ của mình, Duy cho biết:
"Để sang Đức du học đã rất khó so với các nước khác, để trụ lại ở Đức, sinh sống, làm việc, lại là một việc chẳng hề dễ dàng chút nào. Nếu ở Việt Nam bạn cố gắng 10, thì sang Đức bạn phải nỗ lực 1000 lần. Và nếu ở Việt Nam bạn có thể nói với mẹ bạn: Mẹ ơi, con mệt rồi!
Nhưng ở Đức, không một giây phút nào bạn được cho bản thân được nghỉ ngơi và ngừng chiến đấu đâu. Bạn phải làm việc thay vì lựa chọn đi chơi. Mà cũng chẳng có ai đi chơi, vì ở đây bạn bè khi được nghỉ đều tìm cách làm thêm kiếm tiền cả.
Ở Đức, một công việc làm ở hàng ăn bình thường, chăm chỉ thì tháng bạn có thể kiếm 50 đến 60 triệu. Nhưng đương nhiên vất vả, cuộc đời này không nơi nào có bữa cơm nào miễn phí cả. Chưa kể khoảng cách xa xôi, cuộc sống ở Đức cũng khá buồn, xa người thân, đối mặt với cơm áo gạo tiền. Bạn sẽ phải sống như một cây cỏ dại. Nỗ lực, để không bị xô ngã.
Chăm chỉ học hành, làm việc. Điều này kể cả ở Việt Nam bạn cũng phải nỗ lực mới có chỗ đứng. Nên nếu ngay từ đầu bạn lựa chọn sang Đức, hãy đặt cho mình câu hỏi: Đi Đức để làm gì? Hãy nghĩ đến khoảnh khắc đầu tiên bạn mơ đến nước Đức và xem lại mục đích của bạn đến đây để làm gì?
Đi Đức không phải để oai với ai, mà để bạn mạnh mẽ thật sự tìm chỗ đứng và ý nghĩa cuộc đời mình."
Tuổi thọ trung bình 80 năm, dành hơn 40 năm để làm việc nhưng phần lớn chúng ta đều ghét công việc mình làm?
Nguồn: cafef.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC