Jana Endres giờ đây 16 tuổi, đang theo học tại trường trung học Franz-Ludwig-von-Erthal-Gymnasium ở Lohr, tham gia hát trong nhóm thanh nhạc địa phương, tích cực tham gia hoạt động thể dục thể thao thanh thiếu niên tại CLB thể thao địa phương.
Cô đam mê leo núi trong Hội Alpen.
Jana cùng mẹ nuôi Heidi trên máy bay sang Đức khi mới 4 tháng tuổi (ảnh gia đình Endres)
Thoạt nghe có vẻ như chỉ là tiểu sử của một thiếu nữ thông thường, nhưng thực ra ẩn chứa một câu chuyện gây ấn tượng mạnh. Bởi vì Jana Endres xuất thân từ Việt Nam và là một đứa con nuôi. Khi mới bốn tháng tuổi, Jana được cha mẹ nuôi là Heidi và Manfred Endres đưa sang Đức, ở Urspringen cạnh sông Main.
Jana thẳng thắn tâm sự:
„Đấy là điều tốt nhất mà tôi có được. Tôi rất mừng là mẹ đẻ tôi đã quyết định như vậy, bởi vì ở Việt Nam có khi tôi phải đi ăn xin mất“.
Jana biết rõ câu chuyện của mình và lý do mẹ đẻ cô phải cho cô đi.
Mẹ cô khi đó 26 tuổi, đã có một con trai 5 tuổi, phải quyết định cho cô đi làm con nuôi, vì khi đó đang ở trong tình hình kinh tế rất khó khăn, lại không có việc làm ổn định.
Mẹ cô mong muốn con gái mình sẽ được hưởng một sự giáo dục, đào tạo tốt và có tương lai tốt đẹp bên cha mẹ nuôi. Bà sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhà rất nghèo. Người cha đẻ lại từ chối đứa con gái.
Đối với Heidi Endres và người chồng khi đó Manfred thì đây lại là một trường hợp may mắn. Hơn một năm rưỡi, sau khi họ nhận Tom, một bé trai làm con nuôi, thì tháng 3/2000 họ lại có thêm Jana làm cho hạnh phúc gia đình viên mãn.
Trong nhiều năm trời, hai vợ chồng nhà Endres đã cố gắng tìm kiếm một đứa con nuôi. Từ khi lần đầu họ đến Sở Thanh thiếu niên (Jugendamt) ở Karlstadt để hỏi thủ tục cho tới khi có được Tom, giờ đây 17 tuổi, cũng đã mất đi ba năm.
Cuối cùng, họ đã thành công sau nhiều năm chờ đợi, khi tìm đến một cơ sở môi giới quốc tế ở Bielefeld, mà họ biết được qua một chương trình truyền hình.
Heidi Endres nhớ lại buổi nói chuyện đầu tiên ở cơ sở môi giới: „Người phụ nữ đó nói rằng muốn được trực tiếp gặp gỡ chúng tôi để làm quen và có thể giúp chúng tôi.
Trả lời chúng tôi về thời gian làm thủ tục kéo dài bao lâu thì bà ta nói là tương đương với thời gian mang thai. Quả thực là như vậy, sau gần một năm trời với vô số giấy tờ và nhiều cuộc nói chuyện, cuối cùng chúng tôi nhận được một cú điện thoại mong chờ từ lâu.
Hai vợ chồng bay sang Việt Nam, nộp hồ sơ, giấy tờ cho cơ quan chức năng để làm thù tục nhận con nuôi. Đây cũng là dịp đầu tiên họ được tiếp xúc với cháu bé.
Như thường lệ, sau đó Heidi và Manfred lại về Đức để chờ. Sáu tuần lễ sau, họ lại sang Việt Nam làm nốt những thủ tục cuối cùng nhận con nuôi ở tòa án, sau đó nhận con và đưa về Đức.
Về tới Đức, họ phải tiếp tục làm thủ tục sau khi nhận con nuôi và phải hai năm sau khi Jana sang Đức, mọi thủ tục mới hoàn tất.
Heide Endres cho biết, đối với bà việc „nhận con nuôi để ngỏ“ là quan trọng. Việc nhận con nuôi để ngỏ có nghĩa là gia đình mới biết được lý do người mẹ đẻ cho con đi, thậm chí còn được gặp họ làm quen và biết rằng việc cho con đi là tự nguyện.
Ngay từ đầu, Heidi Endres cũng muốn là con mình giữ mối quan hệ với mẹ đẻ, nên chủ đề nhận con nuôi được trao đổi công khai trong gia đình. Với sự giúp đỡ của Kim, một người bạn gái Việt Nam đang sống ở Hanau, bà Heidi Endres thường xuyên trao đổi thư từ với những người mẹ đẻ của các con bà.
Cách đây 6 năm, Heidi, Jana và Tom đã cùng với người bạn là Kim sang Việt Nam, gặp gỡ mẹ đẻ và cả cha đẻ của hai cháu.
Kể về cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, bà Heidi Endres cho biết: „Chuyến đi chẳng vui vẻ gì, mà rất xúc động. Cho tới bây giờ, người mẹ đẻ của Jana vẫn còn có cảm giác tội lỗi“.
Jana thẳng thắn thừa nhận:
„Tôi thấy rằng chúng tôi sang đó là tốt và giờ đây tôi biết, tôi xuất thân từ đâu. Nhưng tôi cũng không có cảm giác gắn bó với bà ta“.
Khi đó, Jana mới có 10 tuổi.
Jana hiện nay (ảnh H. Vogel)
Jana so sánh mối quan hệ của mình với người mẹ đẻ như đối với một người dì, mà vì ở xa nên không có cảm giác gắn bó. Tuy nhiên, chuyến đi đó rất quan trọng đối với cô. Jana âu yếm nhìn mẹ Heidi và tự tin nói:
„Qua đó thì mọi việc đối với tôi đã rõ ràng. Tôi biết rằng tôi thuộc về nơi này và mẹ tôi là mẹ tôi – thế thôi“.
Jana nói vậy, mặc dù vì ngoại hình của mình, cô cũng từng gặp khó khăn. Khi ở trường Marktheidenfelder Gymnasium cũng có người không ưa cô vì xuất xứ của mình.
Jana thản nhiên nói:
„Chủ yếu là vì vậy nên tôi mới chuyển trường“.
Cũng như con gái Jana hài lòng với cuộc sống của mình, người mẹ Heidi cũng không bao giờ hối hận về quyết định của mình.
Người mẹ nuôi nét mặt rạng rỡ khi nói:
„Jana và Tom là hai đứa con yêu quý của tôi. Việc nhận hai đứa làm con nuôi là điều tốt nhất mà tôi đã làm được“.
Nguồn: VL – thoibao.de
© 2024 | Thời báo ĐỨC