Người Đức lạnh lùng; người Đức có lòng tự hào dân tộc rất cao nên ít sử dụng tiếng Anh, nếu không bị bắt buộc vì công việc; người Đức hay áp đặt ý kiến chủ quan lên người khác…
Những thông tin không lấy gì làm “hay ho” về người Đức trước chuyến đi học ngắn hạn của tôi tại Berlin, khiến tôi cảm thấy “hơi oải”.
Nhưng chợ trời ở Berlin đã khiến tôi có một góc nhìn khác nữa về người Đức: giữa lòng thủ đô Berlin sôi động, nơi hàng ngày tiêu thụ một lượng hàng hoá khổng lồ, lại có những “góc trầm” để những người Đức gặp nhau, chia sẻ với nhau một điều tưởng chừng rất đơn giản: không phải hàng hoá gì cũ cũng vất đi, nó không còn có ích cho một người này, nhưng sẽ có ích cho người khác.
Rất tiết kiệm cũng là một nét đặc trưng trong tính cách người Đức. Vấn đề là làm thế nào để tạo ra môi trường cho những người cần bán gặp những người cần mua?
TRUY TÌM CHIẾC CHÌA KHOÁ CŨ
Bà Rita Kuzbach là chủ một gia đình trung lưu sống trong một căn hộ thuê đã 22 năm nay ở khu vực Wedding, một trong những khu trung tâm của Berlin. Mặc dù đã vào tuổi 50, và trong khi có tới 10% dân số Đức thất nghiệp, bà vẫn được nhiều tổ chức mời làm các công việc giao tế xã hội, nhờ những kinh nghiệm mà bà có được sau nhiều năm công tác tại nước ngoài.
Một ngày đầu tháng 6, bà rủ tôi và nữ nhà báo – cô bạn học cùng khóa người Uzebekistan đi chợ trời (flea market) để tìm một chiếc chìa khoá tủ mà bà đánh mất cách nay vài tháng.
Bà đã mua chiếc khoá mới để khoá cái tủ nhưng bà vẫn hy vọng sẽ tìm được chiếc chìa khoá cũ ở chợ trời-một hy vọng mà theo tôi là “mò kim đáy bể”.
Tuy nhiên, tôi hiểu đây không hẳn là lý do duy nhất mà bà muốn tôi đi cùng. Bà có một niềm tự hào “rất Đức” về các khu chợ trời này, và bà tin là tôi rất thích đến những nơi này.
Các khu chợ trời ở Đức chỉ được phép họp vào hai ngày cuối tuần, trong khi tất cả các siêu thị, cửa hàng khác đều đóng cửa vào chủ nhật. Chợ họp từ 8 giờ sáng đến khoảng 2 giờ chiều. Nơi đây là một trong số rất ít khu buôn bán mà những người châu Á như tôi có thể sử dụng “thú vui” của mình: đó là mặc cả. Còn “mánh khoé” để đi chợ thì ở đâu cũng thế thôi: tốt nhất là bạn nên đi vào khi gần tan chợ, ai cũng muốn bán hết hàng nên dễ mua được hàng rẻ.
9 giờ sáng. Thời tiết ở Berlin những ngày tháng 5 thật đẹp: nhiệt độ khoảng 19 độ C và mặt trời luôn xuất hiện vào khoảng 4g30 và trời không bao giờ tối trước 21 giờ. Nơi đầu tiên chúng tôi đến là khu chợ trời ở gần ga tàu điện ngầm Leopold Platz trên đường Muller (Mullerstrasse). Khu chợ này không lớn, và được coi là khu chợ của riêng người Thổ Nhĩ Kỳ.
Số lượng người Thổ nhập cư chiếm phần đông nhất trong số người dân nhập cư ở Đức và họ được coi là những nhà kinh doanh tài ba ở Đức.
Chợ trời của người Thổ dĩ nhiên mang nhiều đặc trưng của người Thổ.
Đó là những tấm thảm với những hoa văn hoạ tiết trang trí của người Hồi giáo. Mặc dù chỉ là những tấm thảm cũ, nhưng qua đó, người ta sẽ cảm nhận được phần nào về cuộc đời của người chủ trước đó của tấm thảm. Những người bán hàng nhanh nhảu mời chào trong tiếng nhạc vui vẻ. Khu chợ là một xã hội Thổ Nhĩ Kỳ thu nhỏ giữa lòng nước Đức, rất tự tin về bản sắc Thổ của mình.
Rita cho biết, một lượng lớn hàng hoá được bán ở chợ trời là đồ đạc của những người “vừa xa rời trần thế”. Khi có người qua đời, người ta sẽ đến nhà để thương lượng với gia đình để mua lại những đồ đạc của người quá cố.
Người Đức rất tiết kiệm nên không muốn vứt đồ đạc đi một cách lãng phí. Vì vậy, nếu chịu khó dành thời gian tìm kiếm, người mua sẽ tìm được ở chợ trời những món hàng rất độc đáo, mà giá cả lại phải chăng, nếu biết mặc cả.
Ở chợ trời, người ta có thể tìm thấy mọi thứ từ sách vở, băng đĩa, đinh búa, quần áo… Những người ít tiền tìm đến chợ trời để mua hàng hoá phù hợp với túi tiền và nhu cầu của mình. Còn những người giàu có, dư thừa thời gian cũng tìm đến đây để tìm những thứ hàng để họ tự hào rằng: Chỉ có họ mới biết giá trị thật của nó.
Chỉ là một chiếc ghế được bọc vải mà theo tôi “rất bình thường”, nhưng Rita có thể kể rất nhiều câu chuyện chung quanh nó.
Hai tiếng đồng hồ ở khu chợ và dừng chân ở ít nhất 3 hàng bán chìa khoá cũ và thử hàng chục chìa, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy chiếc chìa khoá phù hợp. Không nản chí, Rita rủ tôi đến một chợ trời khác, đó là khu chợ trên đường 17 tháng 6. Khu chợ này lớn hơn nhiều so với chợ của người Thổ, vì vậy bà tin là bà có thể tìm thấy chiếc chìa khoá cũ ở đây.
KHI CHIA SẺ SỰ HIỂU BIẾT VỀ MÓN HÀNG QUAN TRỌNG HƠN VIỆC BÁN ĐƯỢC HÀNG
Thời tiết Berlin về trưa bỗng trở nên lạnh hơn và có mưa nhẹ. Đường phố trở nên nhiều màu sắc hơn khi ai ai cũng giương chiếc dù luôn cầm theo tay vì thời tiết ở Berlin, theo họ, là “không thể tin được”. 15 phút ngồi trên tàu điện ngầm để đến khu chợ mới trôi qua nhanh chóng. Tôi nhìn đồng hồ, đã là 12 giờ trưa, giờ đẹp để đi mua hàng ở chợ trời. Khu chợ ở ngay bên đường, rất đông kẻ mua người bán.
Berlin là thủ đô của sự đa dạng về chủng tộc, về văn hoá…
Chợ trời được coi là nơi thể hiện rõ nhất tính đa dạng về văn hoá đó. Mỗi một gian hàng đều mang dấu ấn của một nền văn hoá, mang dấu ấn của cá nhân rất rõ ràng.
Gian hàng của người Trung Quốc với các hàng tơ tằm, với những lồng đèn đặc trưng phương Đông và cô gái mặc sườn xám. Rồi đến người Do Thái, người vùng Nam Á.
Không có gian hàng của người Việt Nam.
Tôi bỗng cảm thấy “ghen tị” với cô bạn học người Uzebekistan vì khi cô ghé thăm những gian hàng của người Thổ ở đây, cô được mang về nhà hẳn một tấm thảm rất đẹp để làm kỷ niệm. Người phụ nữ bán hàng đã rất vui mừng khi gặp được đồng hương ở nơi xa lạ.
Thế mới biết ở nơi “đất khách quê người”, những người đồng hương – họ quý nhau đến mức nào.
Nếu như khu chợ trên đường Muller chủ yếu bán đồ cũ thì chợ trời này lại có rất nhiều các mặt hàng được làm nhờ sự khéo léo của bàn tay con người.
Đồ trang sức là một trong những mặt hàng đặc biệt ở khu chợ này. Những chiếc vòng cổ, hoa tai, nhẫn…hình thù lạ lùng, trông bề ngoài thì thật thô ráp, nhưng khi đeo lên người châu Âu vốn to cao lại có nước da trắng thì lại có sức hấp dẫn riêng.
Giống như nhiều người khác, chúng tôi dừng chân trước một chiếc bàn, trên đó bày những đoàn tàu đồ chơi nhỏ xíu, cũ kỹ.
Vẫn biết người Đức vốn rất tự hào về hệ thống tàu điện ngầm có từ đầu thế kỷ 20, nhưng tôi vẫn cảm thấy “hơi choáng” khi biết giá của 5 toa tàu điện đồ chơi, chỉ có đầu tàu mà không thấy đuôi tàu: 200 euro. Chỉ trong vòng 5 phút, tôi đã thấy có đến 4 nhân vật “quan tâm đặc biệt” đến mặt hàng này.
“Chúng được làm từ những năm 50” người bán hàng, một người đàn ông cao lớn và ăn mặc giản dị với nụ cười dễ mến, vừa chỉ vào hàng chữ trên những toa tàu, vừa giải thích với mọi người.
“À, tôi biết, tôi đã từng có một bộ đồ chơi như thế này khi tôi còn nhỏ,” người đàn ông trung niên đứng ngay sát bên cạnh người bán hàng thốt lên. Rồi hai người nói chuyện với nhau say sưa về đoàn tàu, về thú vui sưu tập tàu hoả.
Trông vào ánh mắt họ, tôi hiểu họ đang cùng chia sẻ với nhau những kỷ niệm, những hiểu biết về một thời đã qua, hơn là trao đổi và mua bán thông thường.
Nhìn Rita cặm cụi chọn lựa giữa những chiếc chìa khoá cũ để tìm ra chiếc chìa khoá thích hợp, tôi chợt nhớ đến những trung tâm mua bán sang trọng và hiện đại của Berlin.
Ở đó không có người bán hàng, chỉ có những bảng giá, tên hàng, hoá đơn tính tiền tự động, với ánh sáng rực rỡ và đủ loại hàng hoá đắt tiền. Nhưng hình như những hàng hóa đó chúng không có quá khứ(?).
Còn ở chợ trời, chỉ có một lượng rất ít hàng hoá là hàng mới, còn lại đều gắn với một số phận, đều gắn với một gia đình, một thế hệ…
Và chợ trời còn giúp người ta hiểu được thêm về một khía cạnh khác trong tính cách của người dân Đức: không phải cái gì không còn có ích cũng vứt đi. Bởi vì người khác sẽ có lúc rất cần đến nó.
Bài và ảnh: Thanh Loan - Báo Thanh Niên
© 2024 | Thời báo ĐỨC