Trục xuất người xin tị nạn đã phạm tội hình sự ở Sachsen. Ảnh: icture liên minh / dpa | Sebastian Willnow
1. Vượt biên để định cư trái phép ở Đức
Định cư trái phép ở Đức bằng cách vượt biên thì trước hết bạn hãy chuẩn bị tinh thần phải cuốc bộ trong rừng nhiều ngày đêm dưới thời tiết khắc nghiệt của Châu Âu cùng điều kiện vệ sinh cực kỳ kém. Bạn có thể bắt buộc phải bơi qua sông băng hay trốn trong thùng xe tải âm độ.
Dù bạn có may mắn vượt qua hết mọi thử thách thì cũng chưa chắc có thể tới Đức một cách bình an vô sự.
Rủi ro bạn phải đối mặt không chỉ là những khoản nợ tài chính khổng lồ nếu kế hoạch thất bại hay sự vất vả ở xứ người khi không có danh phận hợp pháp mà đôi khi còn là mạng sống của mình.
39 người Việt trên chiếc xe container lạnh ở Anh năm 2019 chính là lời cảnh tỉnh chua xót và một bài học cho những ai có ý định vượt biên trái phép với hy vọng đổi đời.
2. Sang Đức bằng Visa du lịch rồi trốn ở lại
Nước Đức sở hữu hệ thống giám sát hiện đại và lực lượng chức năng chuyên nghiệp nên việc muốn trốn ở lại dưới hình thức visa du lịch là cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là gần như không thể.
Dù bạn có may mắn sang được Đức với visa du lịch nhưng khi visa hết hạn (thường tối đa 30 ngày) thì lực lượng chức năng sẽ ngay lập tức cảnh báo và truy tìm.
Khi bị bắt, bạn không những bị trục xuất ngay lập tức khỏi EU mà còn phải chịu những khoản phạt cả trăm triệu và sẽ bị cấm nhập cảnh EU trong một khoảng thời gian nhất định hoặc vĩnh viễn tùy trường hợp.
3. Kết hôn giả
Kết hôn giả với người bản xứ hoặc người đã được nhập tịch tại Đức tưởng chừng như an toàn nhưng lại ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Việc kết hôn giả thường mất từ 2 – 3 năm cho đến khi bạn chính thức được nhận giấy tờ và có thể “đường ai nấy đi” với đối tác.
Trong khoảng thời gian đó, bạn sẽ làm gì nếu đối tác của bạn lật lọng, phá giao kèo hoặc đòi thêm chi phí?
Hơn thế nữa, phía cơ quan Đức cũng sẽ đặt rất nhiều câu hỏi để xác minh tính chân thật của việc kết hôn và “vợ chồng” có thực sự sống cùng nhau sau khi làm lễ.
Nếu phát hiện ra việc kết hôn là giả mạo thì cả bạn và đối tác sẽ bị phạt từ trăm triệu đến cả tỷ đồng, hủy giấy tờ cùng nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác. Vào tháng 03/2020, chính phủ Đức đã huy động lực lượng 700 cảnh sát để truy quét một đường dây nhập cư trái phép nhắm vào 13 nghi phạm Việt bị cáo buộc đã đưa ít nhất 155 người Việt vào Đức. Cuộc truy bắt diễn ra tại 7 bang trong đó có thủ đô Berlin.
4. Nhận con giả
Lợi dụng chính sách nhân đạo ở Đức, nhiều người tìm cách nhận con giả với mục đích định cư và làm việc ở Đức. Ngoài sự vi phạm về đạo đức, người nhận con giả cũng sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro như bị trục xuất, bị phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù nhiều năm.
Ở Đức, số tiền phải nuôi con được quy định rõ ràng theo pháp luật nên hàng tháng bạn sẽ phải chuyển tiền cho “đối tác” nếu không trực tiếp nuôi con. Việc tìm được “đứa con” cũng như đối tác tin cậy là việc không tưởng. Công an và lực lượng chức năng Đức cũng kiểm tra thường xuyên nhằm ngăn chặn vấn đề này.
5. Dùng visa du học, visa Aupair không đúng mục đích
Với visa du học, sở ngoại kiều sẽ kết hợp với các trường học theo dõi tiến độ học tập của sinh viên. Tùy theo từng trường, mỗi năm sinh viên sẽ phải hoàn thành một số lượng tín chỉ nhất định.
Sinh viên có thể được phép đi làm thêm nhưng cũng sẽ có số giờ làm việc quy định tối đa.
Có không ít trường hợp sinh viên Việt Nam đi làm thêm quá số giờ quy định và không hoàn thành chương trình học đúng tiến độ nhận được giấy triệu tập từ tòa án và bị trục xuất về nước.
Tương tự, với các visa Aupair, nếu sử dụng visa không đúng mục đích, sở ngoại kiều hoàn toàn có thể trục xuất bạn về nước.
Làm sao để định cư hợp pháp ở Đức?
Du học nghề điều dưỡng hiện là con đường định cư hợp phép và tiềm năng ở Đức dành cho các bạn trẻ. Bạn không chỉ vừa được học, vừa được làm mà còn nhận được mức lương hậu hĩnh.
Sau khi ra trường, tỷ lệ học viên nhận được công việc chính thức tại viện hoặc bệnh viện nơi các bạn tham gia học và thực hành cũng rất cao.
© 2024 | Thời báo ĐỨC