Lúc 1h, trời đang mưa, nhiệt độ chỉ 2 độ C nhưng Café Luzia, quán bar ở khu Kreuzberg thời thượng của Berlin, vẫn náo nhiệt. Nhiều khách mặc áo khoác rộng thùng thình đứng ở cửa quán nói chuyện ầm ĩ hoặc lén châm thuốc lá trên những ngọn nến gần đó.
"Chụp một tấm tự sướng (selfie) nào", nữ du khách ngồi ở bàn trong góc nói với nhóm bạn. Cô gái đến từ thủ đô Pháp Paris và lần đầu đến Berlin du lịch. Những người ngồi cạnh làm theo, tiến tới gần điện thoại để chụp ảnh. "Thật buồn cười", một người trong nhóm sống tại Berlin lâu năm nói khi cả nhóm ổn định chỗ ngồi. Người này nói thêm ở Berlin mọi người thường ít khi chụp ảnh tự sướng.
Kate Bettes, du khách Australia, nói đây không phải lần đầu nghe điều này. Cô nhận thấy tại Berlin có rất ít người thích tạo dáng với máy ảnh ở nơi công cộng. Với một số người, selfie thậm chí bị coi là "buông thả bản thân".
Tại quê nhà Sydney, Bettes đã quá quen với việc du khách và người dân địa phương thường xuyên chụp ảnh tự sướng bên những bãi biển và bến cảng nổi tiếng. Chụp ảnh tự sướng và đăng lên mạng xã hội giống như một điều thú vị cho cuộc sống hàng ngày. Nhưng tại Berlin, điều này rất hiếm.
Khách xếp hàng vào một quán bar có nội quy không selfie hoặc chụp ảnh quán ở Berlin. Ảnh: BBC
Người Đức ngày càng coi trọng quyền riêng tư ở mức độ cao. Một nghiên cứu năm 2017 của Đại học Hohenheim về thái độ, hành vi và nhận thức về quyền riêng tư, người Đức tiết lộ thông tin cá nhân "khá hiếm". Chỉ một số ít người Đức thấy việc đăng ảnh selfie lên Instagram "hữu ích" và hầu hết là ý kiến của giới trẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ đó chỉ chiếm 7%.
Nhiều người Berlin tin rằng văn hóa không chụp ảnh selfie của họ liên quan đến các tụ điểm giải trí riêng tư. Đó là các câu lạc bộ đảm bảo bí mật cho những người tham gia, khuyến khích họ tận hưởng từng khoảnh khắc tiệc tùng thay vì chỉ chú ý đến chụp ảnh và đăng lên mạng khoe bạn bè.
Amelie Stanescu thường xuyên chụp ảnh và đăng lên mạng khi sống ở Berlin để phục vụ công việc. Ảnh: BBC
Bettes từng rất ngạc nhiên khi lần đầu đến Berlin và thấy những tấm biển có hình chữ thập gạch ngang một chiếc máy ảnh ở nhiều câu lạc bộ, quán bar. Hiện giờ, Bettes đã quen với điều này cũng như không dùng điện thoại chụp ảnh khi vào trong.
Bettes nói Berlin có nhiều câu lạc bộ cho phép khách hàng thân thiết tự do làm điều mình thích - những điều đôi khi không được chấp nhận tại nơi công cộng. Vì vậy việc không selfie hay chụp ảnh mọi người trong quán bar là cách để đảm bảo quyền riêng tư, an toàn cho khách hàng.
Marta Lodolr, một nghệ sĩ sống ở Berlin 9 năm, tin rằng thành phố có "mức độ tự do cao" khi được tận hưởng khoảnh khắc trong không gian chung. Không chỉ các câu lạc bộ cấm chụp ảnh nhiều nơi khác cũng cấm nhằm tôn trọng quyền riêng tư của mọi người. "Việc selfie là không được phép", Lodolr nói.
Trong những chuyến đi tắm nắng thường xuyên vào mùa hè tại hồ bơi Badeschiff nổi tiếng, Bettes nhìn thấy những tấm biển ở lối vào có nội dung không được phép chụp ảnh. Tại các đêm nhạc, hầu như ít người giơ máy ảnh quay phim các nghệ sĩ đang biểu diễn - khác xa với các thành phố khác.
Berlin không có lệnh cấm chụp selfie ở nơi công cộng nhưng sẽ có một vài nơi coi việc chụp ảnh là không phù hợp như Đài tưởng niệm những người Do Thái bị sát hại ở châu Âu tại quận Mitte.
"Ở London chắc chắn thấy nhiều người đăng ảnh selfie kể về cuộc sống hàng ngày hơn", nhiếp ảnh gia Claudia Hampton nói. Tại Anh, quê hương Claudia, nếu một ai đó đến quán rượu và dắt theo chó, bạn bè của họ sẽ biết ngay điều này nhờ các bức ảnh tự sướng đăng trên mạng. "Tôi không thấy điều đó ở Berlin", Claudia nói.
Claudia cũng nói ngoài việc người dân Berlin thấy việc đăng bài về các hoạt động hàng ngày của họ là không phù hợp hoặc không thoải mái, việc chụp selfie ở đây có thể đơn giản là "hơi khó xử".
Nữ doanh nhân người Italy sống tại Berlin, Amelie Stanescu, thường xuyên đăng ảnh selfie lên tài khoản Instagram có 64.000 người theo dõi của mình. Cô cho biết Berlin vẫn đang ở thời điểm chụp ảnh selfie nơi công cộng bị coi là "hơi bất thường". Nhưng bất chấp mọi ánh nhìn, Amelie vẫn thường chụp ảnh tự sướng ở những nơi công cộng để phục vụ công việc.
"Tôi làm vì công việc và vì thích", cô nói. Amelie nói thêm chỉ muốn quan tâm đến cuộc sống của mình và không thể để ý đến hết mọi cảm xúc của người khác.
Bettes cũng dần yêu thích sự tự do ở Berlin, nơi cô không cảm thấy áp lực phải chụp lại buổi tối đi chơi của mình rồi đăng lên mạng để chứng minh với người khác "đang rất vui". Những buổi đi chơi của Bettes dần trở thành những khoảng thời gian đáng trân trọng. Cô có các kỷ niệm đáng nhớ và sống trọn vẹn với những khoảnh khắc đó, không cần chụp ảnh đăng mạng để "báo cáo" bất kỳ ai.
Anh Minh (Theo BBC)
© 2024 | Thời báo ĐỨC