Thế nhưng, nếu chỉ biết về việc người Đức khá đúng giờ thì ta mới chỉ biết đến bề nổi. Sử dụng thời gian là thước đo của năng suất làm việc, vì thế, khi biết về năng suất của người Đức cao, chúng ta cũng cần hỏi Họ đã dùng thời gian thế nào?
Phần 1: Mô tả Hệ thống Giờ mở cửa ở Đức
Đầu tiên là ai cũng biết rằng nếu đi ngân hàng, hay quán cafe thì bạn sẽ thường đến sau lúc 8-9g gì đó để đảm bảo dịch vụ đã mở cửa. Điều này rất bình thường ở Việt nam hay trên toàn thế giới.
Thoạt nhìn qua thì các cửa hàng ở Đức cũng vậy. Nhưng mà, tuy vậy mà không hẳn vậy. Nếu chỉ dừng ở các cửa hàng bình thường thì khó mà hiểu sâu hơn, nếu có thể đến Đức, bạn hãy lưu ý hơn tới các cơ quan làm việc, văn phòng, thư viện… Nhờ tìm hiểu những nơi này, tôi sẽ chỉ ra cách người Đức đóng khung thời gian một cách hệ thống, khoa học và phức tạp hơn thông thường rất nhiều.
Ví dụ đi thư viện lẽ ra chỉ đơn giản là:”Hôm nay, em đi thư viện”.
Ấy thế mà nó lại là thế này:
Ảnh 1: Giờ mở cửa thư viện thành phố gần nhà tôi hiện tại (ảnh tôi chụp)
Thứ hai và thứ ba làm việc 6 tiếng: từ 12 giờ trưa tới 6 giờ tối. Thứ tư nghỉ Thứ năm làm việc từ 11g trưa tới 7g tối (6 tiếng) Thứ sáu mở cửa từ 10g sáng tới 6g tối (8 tiếng)
Thứ bảy mở cửa cũng từ 10g sáng như thứ sáu nhưng đóng cửa lúc 2g chiều (4 tiếng, mà lại vào lúc ăn trưa!!!!)
Ảnh 2: Giờ mở cửa thư viện ở Munich nơi tôi ở đợt trước
Hội trường chung mở hàng ngày từ 8g sáng tới 24g Quầy thông tin tầng trệt mở từ 9g sáng tới 7g tối từ thứ hai đến thứ sáu. Quầy mượn sách tại chỗ mở từ sau đó 1 tiếng và cũng đóng lúc 7g tối.
Phòng đăng ký thẻ mở cùng giờ với quầy mượn sách, nhưng nó là hai nơi khác nhau ở cùng một tầng. Phòng đọc tạp chí viết mở từ thứ hai đến thứ sáu từ 9g sáng tới 8g tối, nhưng thứ bảy nó cũng làm việc, mà chỉ mở từ 10g sáng tới 5g chiều.
Phòng có sách lịch sử và sách cổ của bang thì mở hẳn từ thứ hai tới thứ sáu luôn, từ 9g tới 7g tối nhé. Phòng đọc cho sách viết tay và các Bản in cổ từ 9g đến 5g chiều Các phòng đọc đặc biệt về nhạc, ảnh, bản đồ cùng giờ trên
Ảnh 3: Giờ mở cửa của một cửa hàng với khác biệt của tháng
Tháng bảy và tháng tám hàng năm cửa hàng này chỉ mở tới 2g chiều mỗi thứ bảy thay vì tới 4g chiều như những tháng khác.
Bạn đã bắt đầu thấy nó kì quặc rồi đúng không?
Mới thấy kì quặc thôi thì chưa đủ đâu. Nếu bạn là người thực hiện theo các lịch trình riêng của tất cả các cơ quan khác nhau cùng một lúc thì nó lại là một vấn đề không đơn giản.
Việc ”một buổi sáng thức dậy và bỗng dưng bạn nhớ ra hôm nay phải đi làm mấy việc” sẽ gần như phi lí ở Đức. Để tôi ví dụ một cậu bạn (người Mĩ) cùng lớp tôi, trong một ngày được nghỉ học, cậu định đi đăng ký giấy tờ, tiện ghé vào đóng tiền thẻ dịch vụ sinh viên rồi vào đăng ký phòng tập gym gần đó. Nhưng kết cục thì cậu đã hốt hoảng thế này:
Có người Đức nào giải thích hộ tôi làm sao mà cái hệ thống giờ mở cửa ở đây nó ngớ ngẩn và không thể đoán được không hả trời?
Phải có lí do gì đó chớ!
Chỗ tập gym thì đóng cửa 4 tiếng vào buổi trưa mỗi thứ ba và thứ năm. Sở ngoại kiều thì lại chỉ mở 4 tiếng vào buổi sáng trừ thứ tư. Nhưng cũng vào thứ tư thì họ sẽ mở cửa vào buổi chiều, trừ dịch vụ điện thoại. Nói chung là riêng hôm đó không mở đường dây dịch vụ thoại. Trung tâm dịch vụ sinh viên mở cửa từ 9g tới 4 rưỡi chiều đấy. Nhưng mà cái bàn làm dịch vụ thẻ sinh viên bên trong nó chỉ mở cửa từ 10g tới 12g thôi nhá, à mà tất nhiên chỉ vào thứ hai, thứ ba và thứ sáu thôi.
Lỡ mà bạn muốn trả tiền dịch vụ thẻ bằng tiền mặt thì lại phải đi vào phòng tài chính gần đó, nhưng nó chỉ mở cửa từ 8:45 đến 11:45, mà lại trừ thứ sáu cơ. Cái xã hội (Đức) này trước đây vận hành kiểu gì nếu không có mạng mẽo để tra cứu? Chả nhẽ ai cũng phải ôm quyển sổ Giờ Mở Cửa đi khắp nơi à!
Nếu dịch trường hợp này sang ở Việt Nam thì nó có thể là thế này: Hôm nay tôi muốn đi ăn phở. Nhưng phở bò chỉ bán vào thứ 2, thứ 4 và thứ 7. Mà tôi muốn ăn phở không hành nên chỉ có thể ăn vào chiều thứ 3 hoặc sáng thứ 5. Ngoài ra nếu muốn có trứng thì chỉ phục vụ vào các buổi chiều trừ chiều thứ 2.
Nhưng biết lịch làm việc không phải là việc duy nhất bạn phải làm nếu sống ở Đức. Vì mỗi nơi có một khung giờ riêng, chỉ để làm một việc nhất định, nên bạn cần hoạt động theo hình thức ”Đặt hẹn”. Hơn cả, bạn cũng phải dựa vào nó, rồi có hệ thống lịch hẹn của riêng bạn cho mọi thứ (Thật ra việc đặt hẹn rất phổ biến ở các nước trên thế giới, phần này tuy không chỉ ở Đức, nhưng nó quan trọng cho phần 2 của bài viết này).
Ví dụ cơ bản như sau:
Đây là trường hợp đi xăm thì còn từ từ được. Chứ tôi nhiều lần rơi vào cảnh khổ sở với hệ thống lịch hẹn.
Nếu bạn đau răng, mưng mủ thì đừng nên đau lúc nửa đêm thứ 6 như tôi. Tốt nhất hãy kiểm tra lịch làm việc của bác sĩ răng rồi quyết định khi nào nên mưng mủ. Nếu không bạn sẽ phải vật vã vì chẳng có bác sĩ mở cửa vào cuốn tuần cứu giúp. Đó là một thảm hoạ vì lợi tôi lúc đó bắt đầu loét… Nhưng điều này cũng chẳng bằng cô bạn tôi, nhỏ bị tiêu chảy và cũng phải vật vã khổ sở biết bao, chỉ vì không biết chọn lịch mà đau bụng. Chúng tôi chỉ ao ước được như Việt Nam lúc nào cũng có bác sĩ, thầy lang đầu làng cuối phố mở cửa thường xuyên. Bị bệnh cũng phải lên lịch, chúng tôi còn nói đùa là khéo các cụ muốn về trời cũng cần lên lịch để thuận tiện.
Nói vậy có hơi quá, nhưng đúng là những việc dù rất cấp bách mà cũng không được giải quyết chỉ vì lịch làm việc của các cơ quan, tổ chức quá là …ác. Dù bạn có tiền hay có rất nhiều tiền thì cũng không quan trọng lắm đâu, nhất là lúc đó không phải lịch làm việc của công ty.
Lần đó vòi nước nhà chúng tôi bị rò rỉ tung toé. Khi gọi cho ba bốn công ty sửa ống nước thì đều bị từ chối không nhận ngay vì … đang mùa du lịch, thợ sửa đi nghỉ mát cả rồi. Báo hại 2 tuần đó chúng tôi không giặt được quần áo.
Hôm trước tôi còn đọc được có bạn bị tắc bồn cầu… à mà thôi không kể nữa.
Ấy thế mà, nếu được chọn tôi vẫn sẽ chọn cách xây dựng hệ thống thời gian của người Đức. Vì chính khi nhìn vào để giải thích TẠI SAO họ làm vậy, tôi khám phá ra một sự thông minh tuyệt vời. Nó thay đổi cách tôi làm việc và thực sự làm cuộc sống dễ dàng hơn, kiểm soát hơn và đạt được nhiều thành quả hơn.
Bởi vậy, trong Phần 2 của bài viết này, thay vì nói về cách thực hiện theo các lịch này, tôi muốn mô tả cách xây dựng hệ thống ấy, và gợi ý về cách áp dụng, cũng như chia sẻ kinh nghiệm của chính tôi.
Nếu bạn không thích sống kiểu Đức, có thể tham khảo cách làm giờ mở cửa khác ở một nơi nào đó trên Trái Đất:
Nguồn: yelp.com
© 2024 | Thời báo ĐỨC