Không chỉ người Việt ở Đức mắc lỗi "oan" và "tưởng" như thế mà khá nhiều Tài xế Đức cũng "nhầm tưởng" thành ra bị phạt oan.
Trang anwaltsregister.de tổng kết 12 Sự nhầm lẫn của tài xế trong giao thông ở Đức, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
1. Không được chụp/bắn tốc độ ngay nơi biển báo khu dân cư.
Không đúng như vậy, Cảnh sát giao thông có quyền làm việc đó.
Một vài tiểu Bang khuyên Cảnh sát giao thông nên chọn một điểm có khoảng cách xa với biển báo khu dân cư để tác nghiệp.
2. Được phép giữ chỗ đỗ xe công cộng.
Có thể thử làm việc đó, nhưng không có quyền đến trước để giữ chỗ cho xe của mình đến sau đỗ. Khi có xe khác đến trước thì xe đó có quyền đỗ trước (Quyền đến trước).
3. Vượt qua xe phía trước bằng luồng đường bên phải luôn bị cấm.
Không phải vậy.
Được phép vượt bằng luồng đường phía bên phải khi có một đoàn xe đang chạy với tốc độ tối đa 60 km/h bên luồng đường bên trái, trong trường hợp này từng xe riêng biệt được phép thận trọng vượt bằng luồng đường bên phải với tốc độ nhanh hơn đoàn xe, tối đa là 20 km/h.
4. Nồng độ cồn trong máu dưới 0,5 phần nghìn sẽ không bị phạt.
Đó là Sai, chỉ cần có 0,3 phần nghìn nồng độ cồn trong máu và có: „Dấu hiệu không có khả năng lái xe an toàn“ là đã có thể bị tịch thu bằng lái xe.
5. Hợp đồng mua xe Ô tô có thể được huỷ bỏ trong vòng 14 ngày.
Không đúng. Điều đó chỉ đúng trong trường hợp mua bán qua Internet, đặt mua hàng qua hãng bán theo phương thức chuyển hàng đến tận nhà, hay những người đến tận cửa chào mời mua hàng tại nhà của khách.
Nếu khách hàng đến cơ sở bán xe và ký Hợp đồng mua bán tại đó thì Hợp đồng đã có hiệu lực ràng buộc pháp lý.
6. Phải khai đầy đủ các thông tin khi Cảnh sát hỏi trong lúc kiểm tra giao thông.
Cũng không đúng.
Ngoài những dữ liệu về cá nhân không phải khai thêm gì cả. Không ai có nghĩa vụ phải tự tố cáo mình.
7. Được phép đỗ chắn đường người đỗ sai.
Không những không được phép làm việc đó mà có thể còn bị thưa kiện và xử phạt về tội „Cưỡng ép“ người khác.
Nếu bạn bị một người khác cản trở không ra được vì họ đỗ sai, bạn cần phải gọi cho Cảnh sát, chiếc xe đó rất có khả năng sẽ bị cẩu đi để bạn ra được.
8. Khi có nồng độ cồn cao trong máu thì nên đi xe đạp.
Rất nguy hiểm và cũng bị phạt.
Đặc biệt nếu nồng độ cồn trên 1.6 phần nghìn thì phải làm cuộc thi kiểm tra khả năng giao thông, thường được gọi là „Kiểm tra ngu dốt“ kể cả với người đi xe đạp.
9. Không được phép lái Ô tô bằng chân không dầy dép.
Đó là Sai, điều đó không cấm rõ ràng. Khi đi dép tắm, dép lê, dép Thái Lan, giầy cao gót vẫn được phép lái xe. Nhưng không khuyến khích điều đó.
10. Bảo hiểm chỉ trả tiền bồi thường tai nạn Ô tô khi có biên bản hiện trường của Cảnh sát.
Đó là Sai, người bị hại vẫn có quyền đòi hỏi bồi thường sau khi xảy ra tai nạn khi không có Biên bản hiện trường của Cảnh sát. Nhưng có thì thường sẽ dễ dàng nhận được bồi thường hơn.
11. Ai đâm vào người khác, người đó luôn phạm lỗi.
Thường thì đúng vậy, nhưng không phải lúc nào cũng thế.
Khi người bị đâm đột ngột phanh mà người đâm vào xe không tiên liệu được trước, thì người bị đâm cũng cùng có lỗi.
12. Cấm chớp đèn pha với xe đi trước.
Đó là Sai, được phép chớp đèn với xe đi trước khi đó là tín hiệu muốn vượt.
Chỉ khi xe sau đi với khoảng cách quá sát xe trước rồi chớp đèn liên tục thì phạm lỗi „Cưỡng ép“ và bị cấm.
Lê Bình dịch - Nguồn: anwaltsregister.de
© 2024 | Thời báo ĐỨC