Một nghiên cứu chỉ ra rằng, người Đức có số giờ làm việc thuộc top ít nhất thế giới nhưng lại hiệu quả công việc thì lại nằm trong top đầu. Để đạt được điều đó, người Đức đã trải qua quá trình phát triển và hình thành nên những phong cách làm việc hết sức khoa học và hợp lý.
Đúng giờ
Người Đức nổi tiếng là đúng giờ. Đây cũng là đức tính của người làm việc ở hầu hết các quốc gia phát triển khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore,vv. Tuy nhiên tính đúng giờ của người Đức lại nổi tiếng hơn cả. Nếu so sánh người Đức với một cái đồng hồ thì cũng chẳng có gì là sai. Người Đức nói đúng giờ, tức là không muộn hơn và cũng không sớm hơn.
Câu chuyện về tính đúng giờ tôi học được từ người giáo sư già đáng kính trong nhóm làm việc của tôi. Tôi vốn là người cẩn thận nên trước mỗi cuộc họp thường đến sớm hơn khoảng 5, đến 10 phút. Có lần tôi có hẹn với giáo sư và gõ cửa phòng giáo sư sớm 3 phút. Giáo sư đã không trả lời và đến khi đúng giờ thì mới mở cửa với một nụ cười. Sau đó giáo sư khéo léo nhắc tôi là ông còn 3 phút nghỉ ngơi khi tôi gõ cửa và nó rất quý giá.
Dĩ nhiên chuyện đến muộn dù chỉ là vài phút là không thể chấp nhận được. Có lần chúng tôi có một buổi serminar, tôi đến sớm 5 phút và bất ngờ vì chẳng có ai, tôi tưởng mình nhầm phòng. Nhưng chỉ 2 phút trước khi giờ seminar bắt đầu, mọi người đến gần hết và khi đúng giờ thì cửa phòng lập tức đóng lại. Một bạn trong nhóm đến muộn tầm đúng 2 phút, nhưng cánh cửa phòng đã được đóng và bạn ấy đã không thể vào trong. Sau buổi đó, bạn ấy cũng phải xin lỗi với cả nhóm.
Trong công việc không có từ nhưng
Người Đức không bao giờ thích có từ nhưng trong công việc. Khi đã lên kế hoạch thì đã tính toán tới tất cả các yếu tố có thể xảy ra nên khi một công việc không hoàn thành thì tức là kế hoạch thất bại chứ không có lỗi do các hoàn cảnh khách quan nào đó.
Nguyên tắc
Người Đức làm việc rất nguyên tắc đến nỗi đôi khi bạn sẽ cảm thấy thật là dập khuôn và kém sự linh động. Nhưng không phải vậy, người Đức làm ra một lộ trình các công việc để đảm bảo mọi việc luôn theo từng giai đoạn. Làm việc theo các giai đoạn sẽ giúp người Đức dễ dàng hơn trong việc kiểm soát vì nếu điều gì không ổn thì họ sẽ biết ở giai đoạn nào và ai phụ trách. Việc bạn phá bỏ một vài giai đoạn có thể khiến công việc nhanh hơn trong vài trường hợp, nhưng nếu xảy ra sự cố, bạn sẽ không biết do lỗi ở đâu và giải quyết thế nào.
Nói thẳng thắn
Người Đức nổi tiếng về việc nói rất thẳng thắn và trực tiếp. Tôi đã từng chứng kiến cảnh các đồng nghiệp cãi nhau gay gắt và sau đó là uống bia với nhau cười ha hả như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Một lần khác một đồng nghiệp của tôi đã vào phòng của sếp và quát tháo rất to do việc sếp liên tục đưa ra các yêu cầu không hợp lý với người đó. Tôi vô cùng lo lắng sợ sẽ xảy ra đánh nhau, nhưng chẳng ai trong công ty quan tâm tới chuyện đó. Và quả thực, sau đó, mọi việc lại trở lại bình thường, sếp cũng phải nhượng bộ theo ý kiến của người nhân viên kia. Kết quả là công việc trôi chảy hơn.
Hình minh hoạ: người Đức luôn rất thẳng thắn trong trao đổi công việc. Ảnh sưu tầm.
Chuyên nghiệp
Tính phân hoá theo chuyên môn là điều có thể dễ dàng nhận thấy trong các công ty ở Đức. Mỗi người có một công việc được phân công và ghi rất rõ ràng. Nhân viên cũng có quyền quyết định khá cao và linh động trong lĩnh vực mình phụ trách. Nếu sếp muốn giao một việc gì đó không thuộc phạm vi của một người cho anh ta, thì sẽ phải hỏi ý kiến anh ta và chờ đợi sự đồng ý từ anh ta. Dĩ nhiên trong hầu hết trường hợp người nhân viên sẽ đồng ý nếu anh ta có thể làm được, nhưng có không ít trường hợp nhân viên nói thẳng là không thích hoặc không làm được việc đó.
Làm ra làm, chơi ra chơi
Thời gian làm việc của người Đức có thể nói là ít hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển khác như Nhật hay Mỹ. Tuy nhiên hiệu quả công việc thì vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới. Điều này có được một phần là do sự nghỉ ngơi và giải lao hợp lý. Mặc dù người Đức cũng rất ham công việc nhưng họ hiểu rằng việc nghỉ ngơi sẽ làm họ cân bằng cuộc sống và giúp hiệu quả hơn mỗi khi quay lại làm việc. Trong giờ làm việc, người Đức cực kỳ tập trung, nhưng khi đã vui chơi, thì họ chơi hết mình và không nghĩ đến công việc nữa.
Dr. Nguyễn Tuấn Nam
Tiến sỹ CNTT, Đại học Heidelberg, CHLB Đức
© 2024 | Thời báo ĐỨC