Nếu bạn băn khoăn: “Khi nào người Đức sẽ cho tiền tip? Họ thường boa bao nhiêu tiền và những người phục vụ thực sự mong đợi điều gì?” và muốn tìm hiểu văn hóa tiền boa ở nước này, những thông tin sau có thể hữu ích cho bạn.
Boa tiền là việc xảy ra ở khắp mọi nơi, mọi quốc gia, nhưng vì nó mang đặc thù văn hóa nên có thể gây khó xử nếu bạn hiểu lầm. Tại Mỹ, lương nhân viên phục vụ đôi khi dựa hoàn toàn vào tiền tip, điều đó đồng nghĩa với việc thực khách sẽ trả nhiều tiền hơn so với hóa đơn nếu họ hài lòng với dịch vụ.
Tiến sĩ Xã hội học Christian Stegbauer của Đại học Frankfurt cho biết, sau khi tiến hành một nghiên cứu về nền văn hóa của Đức, ông nhận thấy văn hóa tiền tip ở đây có một chút khác biệt so với Mỹ. Theo ông, trong nhiều nhà hàng Đức, tiền tip đã được bao gồm trong giá của món ăn. Thêm vào đó, tất cả nhân viên dịch vụ đều có lương tối thiểu và tiền tip là không bắt buộc, điều này được gọi là “Trinkgeld” trong tiếng Đức.
“Chúng tôi đã trò chuyện với một số người tham gia khảo sát, và họ nói rằng họ thường không cho tiền tip,” ông nói. Tuy nhiên, điều này chắc chắn không phải nguyên tắc của tất cả mọi người. “Một số người nói với chúng tôi rằng họ thường boa nhân viên trong khoảng năm đến mười phần trăm hóa đơn và họ luôn luôn boa bất kể món ăn ngon hay tệ”, ông nói thêm.
Những nhân viên phục vụ mà Stegbauer phỏng vấn đa số cho rằng tip 10% là ổn. Đức cũng khác với một vài nước châu Âu. Ví dụ như ở Vương quốc Anh, khách không chỉ cho tiền tip tại các nhà hàng, mà còn ở các quán bar và quán rượu. “Có 1 nguyên tắc đó là bạn phải boa tiền ở bất cứ chỗ nào có phục vụ”, Stegbauer nói. Việc cho tiền tip cũng đòi hỏi sự nhạy cảm, khéo léo nhất định.
Việc này cần phải được thực hiện một cách tinh tế để không làm cho người phục vụ cảm thấy như họ đang bị phân biệt giai cấp. Cách để làm điều đó trông tự nhiên nhất là nhận lại ít tiền thừa hơn so với số tiền thừa thật sự. Điều này giúp bạn tránh được việc tip bằng tiền mặt, và cũng là một cách thể hiện sự hào phóng của bạn. Hoặc bạn cũng có thể để lại tiền trên bàn khi bạn rời đi.
Tiến sĩ Stegbauer cũng cảnh báo rằng các yếu tố văn hóa sẽ giới hạn thái độ của một người phục vụ. “Người phục vụ ở Mỹ thường sẽ tự giới thiệu tên mình. Họ tỏ ra rất thân thiện và được việc. Điều này có lẽ là nét văn hóa đặc trưng ở Mỹ vì bạn cũng sẽ nhìn thấy hành vi tương tự tại một cửa hàng nào đó. Ở Đức, việc tự giới thiệu không phổ biến ở cả nhà hàng lẫn siêu thị.”
Vậy việc boa tiền có giúp nâng cao chất lượng dịch vụ ở Đức hay không? “Câu trả lời là có. Các nhân viên dịch vụ mà chúng tôi phỏng vấn nói rằng việc tỏ ra thân thiện là vô cùng quan trọng vì nó giúp họ có được nhiều tiền boa hơn”, Stegbauer trả lời.
Nhưng ông cũng lưu ý rằng ở một số quán, khách hàng chỉ mong nhân viên phục vụ sẽ tỏ ra thô lỗ. “Trong các quán bar bia ở Cologne hoặc các quán rượu ở Frankfurt, nhân viên thường không thân thiện và trả lời khách hàng cụt ngủn. Dù vậy, mọi người vẫn boa tiền cho họ. Những gì bạn xem là hành động không thân thiện thì với người Đức, họ có thể nhìn nhận theo cách ngược lại. Điều đó thật khó hiểu”.
© 2024 | Thời báo ĐỨC