Người thuê nhà trước khi ký hợp đồng cần thống nhất cụ thể và rõ ràng với chủ nhà về những trường hợp bồi thường và chịu trách nhiệm khi làm hỏng hay bị hỏng gì đó trong căn hộ.
Thông thường, khi vòi nước hay vòi bồn tắm bị rò rỉ, nhiều người sẽ nghĩ đơn giản là mình tự sửa sẽ nhanh hơn là báo với chủ nhà rồi gọi thợ. Tuy nhiên, người thuê nhà có thật sự nên làm như vậy? Theo ông Ulrich Ropertz thuộc Hiệp hội bảo vệ người thuê nhà tại Đức cho biết: “Về cơ bản, mọi khâu sửa chữa hay thay đổi gì đó trong một căn hộ sẽ do chính chủ nhà phụ trách và chịu mọi phí tổn.”
Nhưng có những ngoại lệ sau: Khi người thuê nhà tự làm hỏng những thứ thuộc về căn hộ họ đang thuê (như cửa, bếp, bồn tắm, bồn cầu …), hoặc khi đôi bên đã thỏa thuận trong hợp đồng rằng, người thuê nhà chịu mọi chi phí sửa chữa nhỏ (tiếng Đức còn gọi là Bagatellschäden).
Mức chi phí cho những thiệt hại nhỏ tuy không có giới hạn tối đa nhất định, nhưng thường cao nhất là khoảng 75-100 Euro – tùy theo hai bên thống nhất và ghi trong hợp đồng, bao gồm chi phí mua nguyên vật liệu, tiền công và tiền thuế giá trị gia tăng. Trên mức đó dù chỉ 1 Euro, người thuê nhà sẽ không phải chịu, bởi đấy không còn được coi là “thiệt hại nhỏ” nữa.
Lúc này, người chủ nhà phải trả mọi phí tổn. Giới hạn này có giá trị với từng hóa đơn – nghĩa là ví dụ nếu trong năm có hai lần phải sửa chữa gì đó và chi phí mỗi lần đều dưới 100 Euro, người thuê nhà sẽ phải trả cả hai lần. Ngoài ra vẫn còn một giới hạn tối đa nữa. Như ông Ropertz giải thích thì mỗi năm, người thuê nhà cũng không phải trả quá 300-500 Euro cho các thiệt hại nhỏ như nói trên – nghĩa là nhiều nhất chỉ 6-8% của tiền thuê nhà là hợp lý – tất nhiên vẫn là chi phí cho các thiệt hại nhỏ.
Vậy người thuê nhà có thể tự chọn hay tự gọi thợ sửa chữa đến không, dù chủ nhà yêu cầu? Đây là một câu hỏi mà nhiều người thấy khá “khó nhằn”. Nhưng theo qui định thì chỉ chủ nhà mới được phép thông báo với thợ sửa chữa – kể cả là thiệt hại nhỏ. Nếu người thuê nhà gọi thợ sửa thì nên yêu cầu chủ nhà ghi lại thành văn bản với nội dung: Việc này người thuê nhà làm là thay mặt chủ nhà và không phải gánh vác các phí tổn. Trong trường hợp sửa chữa không thành công, người chủ nhà chính là người phải chịu thiệt hại này, không bao giờ là người thuê nhà.
Nếu thuê lại một căn hộ tư nhân, nghĩa là chủ căn hộ và chủ đất là hai người khác nhau, thì người chịu trách nhiệm về căn hộ đó không phải là người chủ đất, mà chính là người chủ căn hộ đứng tên cho thuê trong hợp đồng. Các vấn đề khác giữa chủ căn hộ và chủ đất, người thuê nhà không cần lo đến, tự hai bên kia phải giải quyết với nhau.
Những qui định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày người thuê nhà chuyển vào sống trong căn hộ. Nghĩa là nếu lúc mới đang đi xem nhà mà thấy những điểm hỏng hóc, người thuê nhà cần ghi lại trong biên bản để chủ nhà xem xét và sửa chữa, tốt nhất là trước khi người thuê nhà chuyển vào ở.
Anh Thư
© 2024 | Thời báo ĐỨC